Thứ tư, 16/10/2024 | 19:32 GMT+7

Nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt – Pháp trong lĩnh vực năng lượng

09/07/2015

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các DN Pháp có thể hợp tác trong lĩnh vực dầu khí với các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại các dự án hiện có và tìm kiếm cơ hội phát triển các dự án mới tại Việt Nam

Ngày 7-7, Diễn đàn hợp tác năng lượng Việt – Pháp đã diễn ra thủ đô Paris, Pháp. Sự kiện do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Cơ quan thương mại Business France phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức. Đây là sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa 2 nước. Đồng thời, tạo cơ hội để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng điểm lại những thành tựu hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Việt Nam và Pháp như  thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, hợp tác trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật năng lượng, tham gia đầu tư, phát triển các nhà máy điện… 

Pháp là quốc gia có thế mạnh về khoa học kỹ thuật. Đồng thời, đây cũng là quốc gia có đầu tư cao và hiệu quả vào Việt Nam. Hiện, các doanh nghiệp Pháp đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do đó, tiềm năng hợp tác của doanh nghiệp 2 nước là rất lớn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng 

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các DN Pháp có thể hợp tác trong lĩnh vực dầu khí với các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại các dự án hiện có và tìm kiếm cơ hội phát triển các dự án mới tại Việt Nam và tại các nước thứ ba; triển khai các dự án lọc hóa dầu, chế biến các sản phẩm dầu khí ; đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Việt Nam. 

Trong lĩnh vực điện, các doanh nghiệp Pháp có thể đầu tư vào các dự án nhiệt điện than sử dụng công nghệ than sạch, các dự án nhiệt điện chạy khí; phát triển hệ thống lưới điện truyền tải, các dự án năng lượng mới và năng lượng tái tạo, tư vấn, hợp tác hiện đại hóa hệ thống quản lý điều độ hệ thống điện, nâng cao năng lực quản lý...

Diễn đàn cũng ghi nhận nhiều bài tham luận nêu lên tầm quan trọng trong việc phát triển quan hệ Việt Nam – Pháp.  Đồng thời, trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra 2 phiên thảo luận chuyên đề về về điện lực và dầu khí.

Theo tính toán, Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc thiếu việc thiếu hụt nguồn năng lượng sơ cấp vào năm 2017. Do đó, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than và xa hơn là khí để phục vụ nhu cầu phát điện.

Tổng nhu cầu than cho điện trong 20 năm tới vào khoảng 1,1 tỷ tấn. Dự kiến nhập khẩu trong 20 năm tới sẽ rất lớn, khoảng 550 triệu tấn, giai đoạn đến năm 2020 cần nhập khẩu khoảng 110 triệu tấn.

Về phát triển điện khí, theo đánh giá sơ bộ, Việt Nam cần nhập khẩu khí từ năm 2020. Nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng lên đến khoảng 5-6 triệu tấn LNG/năm vào năm 2020 và ước tính khoảng 10-15 triệu tấn/năm vào năm 2030.

 Thanh Xuân