Thứ tư, 24/04/2024 | 19:22 GMT+7

Khuyến khích đầu tư phát triển điện gió tại Việt Nam

15/04/2014

Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển điện gió và bước đầu đã khai thác có hiệu quả tiềm năng này.

Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển điện gió và bước đầu đã khai thác có hiệu quả tiềm năng này. Tuy nhiên, để phát huy được thế mạnh và biến gió thành một nguồn năng lượng tái tạo thay thế có hiệu quả, ổn định và bền vững, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, cũng như khuyến khích các nhà đầu tư vào việc phát triển năng lượng điện gió, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

7c1e39276_download_3.jpg

Kết quả khảo sát chi tiết về "Năng lượng gió khu vực Đông - Nam Á" của Ngân hàng thế giới trong Chương trình Đánh giá về năng lượng cho châu Á đưa ra số liệu: Tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam ước đạt hơn 500 nghìn MW (gấp hơn 200 lần công suất của Nhà máy Thủy điện Sơn La). Hiện có hai vùng giàu tiềm năng nhất để phát triển năng lượng gió của nước ta là Sơn Hải (tỉnh Ninh Thuận) và vùng đồi cát ở độ cao từ 60 đến 100 m thuộc phía Tây Hàm Tiến đến Mũi Né (Bình Thuận). Gió vùng này không những có vận tốc trung bình lớn, mà còn có một số thuận lợi khác như số lượng các cơn bão ít và gió có xu hướng ổn định. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng gió. Trong những tháng có gió mùa, tỷ lệ gió nam và đông nam lên đến 98%, với vận tốc trung bình từ 6 đến 7m/giây, tức là có thể xây dựng được các trạm điện gió công suất từ 3 đến 3,5MW.

Vụ trưởng Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) Phạm Trọng Thực cho biết: Việt Nam hiện có 50 dự án điện gió và được triển khai tại 15 tỉnh, thành phố trong cả nước. Điển hình như dự án điện gió tại tỉnh Bạc Liêu (được triển khai năm 2010), sau khi dự án đi vào hoạt động đã cung cấp khoảng 320 triệu KWh điện/năm, hòa vào lưới điện quốc gia, góp phần ổn định an ninh năng lượng. Ngoài ra, dự án còn giảm lượng khí phát thải nhà kính khoảng 190.000 tấn CO 2 /năm, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái; tăng nguồn thu ngân sách và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù có nhiều tiềm năng điện gió, nhưng chúng ta chưa khai thác được hết lợi thế. Nguyên nhân là do Việt Nam chưa có luật năng lượng tái tạo nhằm khuyến khích, thúc đẩy đầu tư phát triển năng lượng tái tạo; thiếu nguồn tài chính, thiếu chuyên gia giàu kinh nghiệm và thiếu công nghệ... Bên cạnh đó, năng lượng gió có đặc tính không ổn định, chỉ thích hợp phát triển ở những khu vực có nhiều đất rộng rãi, nhưng lại thưa người cho nên không đơn giản để áp dụng trên quy mô lớn; chi phí đầu tư, duy trì, bảo dưỡng thường cao; công nghệ sản xuất phức tạp đòi hỏi đầu tư lớn, trong khi điều kiện về vốn và hỗ trợ tài chính chưa thật sự khuyến khích nhà đầu tư...

Để thực hiện mục tiêu phát triển nguồn năng lượng gió đã được Chính phủ đưa vào Quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các chuyên gia cho rằng: Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo nói chung, năng lượng gió nói riêng nhằm tháo gỡ những khó khăn giúp doanh nghiệp có điều kiện đầu tư vào năng lượng gió. Việc quy hoạch điện gió phải được lồng ghép vào quy hoạch phát triển ngành điện ở cấp tỉnh, thành phố. UBND các tỉnh, thành phố có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư về giải phóng mặt bằng, hạ tầng, nguồn nhân lực để đầu tư, thực hiện các dự án điện gió và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án điện gió trên địa bàn theo thẩm quyền.

Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (bên mua điện) có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các nhà máy điện gió để hòa lưới điện quốc gia. Đối với các nhà đầu tư, cần lựa chọn các nhà tư vấn giỏi, có kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng gió để tư vấn lập dự án ngay từ đầu; lựa chọn các nhà cung cấp thiết bị có công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và có dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật tốt; có công suất phù hợp điều kiện địa chất, địa hình vùng ven biển và chế độ gió tại các địa điểm đầu tư xây dựng một cách có hiệu quả, nhằm tránh chồng chéo và lãng phí các nguồn lực đầu tư...

Theo Báo Nhân Dân