Thứ bảy, 18/05/2024 | 23:00 GMT+7

TP.HCM đi đầu trong sử dụng năng lượng tái tạo

09/10/2010

Trước vấn đề thiếu điện ngày càng trầm trọng thì việc sử dụng năng lượng tái tạo đang trở thành xu hướng mới được nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương đón nhận. TP.HCM là địa phương đi đầu trong việc sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường.

Trước vấn đề thiếu điện ngày càng trầm trọng thì việc sử dụng năng lượng tái tạo đang trở thành xu hướng mới được nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương đón nhận. TP.HCM là địa phương đi đầu trong việc sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường.


 CauAnhSao 01.jpg


Ngày 20/4/2010, Công ty TNHH Liên doanh Phú Mỹ Hưng chính thức đưa vào sử dụng cầu Ánh Sao (Starlight Bridge) tại Khu vực dự án hồ Bán Nguyệt, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng(Q.7, TP.HCM). Cầu có chiều dài 154m, rộng 8,3m, chỉ dành riêng cho khách bộ hành, được khởi công xây dựng vào tháng 5/2009 với kinh phí khoảng 50 tỷ đồng. Đây là cây cầu bộ hành hiện đại đầu tiên của Việt Nam và sử dụng năng lượng mặt trời chiếu sáng. Để thắp sáng những đèn LED (loại đèn tiết kiệm năng lượng) công ty đã lắp đặt một hệ thống những tấm pin thu năng lượng mặt trời cặp theo bên hông cầu phía hạ lưu và hệ thống bình ắc quy trữ điện. Do sử dụng năng lượng mặt trời nên công trình mang tính bảo vệ môi trường sống rất cao.

 

Sau đó vài ngày, khu công nghệ cao TP.HCM cũng đã đưa vào sử dụng 28 trụ đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng gió và mặt trời do Công ty CP Tập đoàn quốc tế Kim Đỉnh và Công ty chiếu sáng công cộng TP.HCM lắp đặt.


 tru den.jpg


Hiện nay nhiều đơn vị, địa phương tại TP.HCM đang triển khai các công trình sử dụng năng lượng tái tạo. Có thể kể đến việc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) đang triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất điện từ nguồn khí biogas tại Xí nghiệp chăn nuôi heo Phước Long, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM với số vốn đầu tư khoảng 1 triệu USD. Công trình có 4 máy phát điện tận dụng nguồn khí biogas từ phân heo, công suất phát điện mỗi máy khoảng 25 kWh, dự kiến phát điện vào cuối năm nay. Theo dự kiến, Sagri sẽ tiếp tục triển khai việc thu khí biogas để sản xuất điện tại các xí nghiệp chăn nuôi heo khác như Xí nghiệp Đồng Hiệp, Trại heo giống cấp 1 ở xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi.

 

Nhiều tòa nhà tại TP.HCM đã chú ý đến sử dụng năng lượng tiết kiệm. Điển hình tại khách sạn Caravelle, nhờ thay thế các bóng đèn tiết kiệm, khách sạn này cũng đã tiết kiệm được được hơn 500.000 kWh/năm, tương đương hơn 1 tỷ đồng và giảm được hơn 200.000 kg khí CO2 thải ra môi trường…

 

Xuất phát từ nhận thức

 

Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM, hiện TP.HCM đang đi đầu trong việc sử dụng năng lượng tái tạo: Thị trường TP.HCM chiếm 70% thị phần về thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, hiện có 86 công ty cung cấp thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời. Đây là thế mạnh của TP.HCM. Để không ngừng khuyến khích mọi đối tượng sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng tiết kiệm, có thể xem Hội chợ triển lãm sản phẩm hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo 2010 diễn ra từ 25 đến 28/11/2010 tới đây tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM), sẽ là cú hích để thị trường sản phẩm hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo phát triển thông qua việc giao lưu, hợp tác giữa các công ty nước ngoài và trong nước, thông qua giới thiệu sản phẩm đến đông đảo công chúng.


dan nuoc nong mat troi.jpg


Xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo tại các đơn vị, địa phương hiện nay xuất phát từ nhận thức muốn góp phần vào thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Theo Trưởng ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM, ông Lê Thái Hỷ, hiện vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng đang là mối lo ngại không riêng của nước nào.

 

Vì vậy, Ban quản lý thay mới một phần hệ thống chiếu sáng công cộng sử dụng điện bằng hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời không ngoài mục đích góp phần chống biến đổi khí hậu. Việc lắp đặt 28 trụ đèn trên mới là bước triển khai thí điểm và chúng tôi xem việc làm này nhằm tạo dựng hình ảnh thân thiện môi trường của mình đối với doanh nghiệp đã và sẽ đầu tư tại đây; đồng thời kêu gọi được nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, góp phần giảm thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

 

Ông Lý Đại Minh, Phó TGĐ Công ty Phú Mỹ Hưng, đơn vị vừa đưa vào sử dụng cầu Ánh Sao bày tỏ: Công trình này là điểm nhấn chính cho cảnh quan Hồ Bán Nguyệt, do cây cầu mang tính hiện đại, ôn hòa, lãng mạn và tiết kiệm năng lượng để bảo vệ môi trường.

 

Ích lợi của sử dụng năng lượng tái tạo được ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường TP.HCM, cho biết: Nếu TP.HCM chuyển toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng dùng điện sang năng lượng mặt trời sẽ tiết kiệm được hơn 73 triệu kWh/năm, đồng thời chúng ta sẽ giảm lượng lớn khí thải CO2 do giảm khối lượng nhiên liệu hóa thạch sử dụng để sản xuất điện; giảm vốn đầu tư vào nhà máy thủy điện, góp phần hạn chế thu hẹp diện tích rừng… Hiện Ban chỉ đạo Chương trình thích ứng biến đổi khí hậu của TP.HCM đang xây dựng và sẽ triển khai trong thời gian tới nhiều dự án thân thiện với môi trường bằng việc tận dụng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

 

Tấn Hùng