Thứ sáu, 17/05/2024 | 01:18 GMT+7

Năng lượng gió: Của nhiều nhưng còn để phí!

22/07/2010

Trên cơ sở phân tích số liệu của 151 trạm khí tượng thuỷ văn trên toàn quốc, cơ sở bản đồ gió của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2001, và các số liệu các trạm đo gió từ năm 1998 đến năm 2009, tiềm năng gió trên đất liền và vùng ven biển hải đảo của Việt Nam đạt khoảng 713.000MW. Trong khi đó, tống công suất của các nhà máy điện trên toàn quốc tới hết năm 2009 mới là 19.378MW.

Tiềm năng điện gió của Việt Nam là 713.000MW, trong khi 10 năm qua chúng ta mới chỉ khai thác được 9MW. Ông Nguyễn Văn Bản, chuyên gia cao cấp năng lượng sạch cho rằng: Chúng ta đang để lãng phí tài nguyên đất nước.

 

Trả lời phỏng vấn phóng viên VOVNews, ông Nguyễn Văn Bản – chuyên viên cao cấp về lĩnh vực năng lượng sạch, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phong điện Phương Mai cho biết, Việt Nam là nước có tiềm năng gió lớn nhất trong 4 nước khu vực gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Tiềm năng này có được nhờ vị trí địa lý nằm trong khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của gió mùa, mùa đông có gió Bắc và Đông Bắc từ Sibiri và Trung Quốc thổi về, mùa hè gió Nam và Tây Nam từ xích đạo thổi về. Việt Nam có hình chữ S kéo dài từ vĩ độ 8033’ đến vĩ độ 23023 Bắc, địa hình đa dạng phức tạp, 3/4 đất liền là núi và cao nguyên, gần 3.300km bờ biển, có hàng ngàn đảo lớn nhỏ và 1 triệu Km2 thềm lục địa.


diengio 02.jpg

Trên cơ sở phân tích số liệu của 151 trạm khí tượng thuỷ văn trên toàn quốc, cơ sở bản đồ gió của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2001, và các số liệu các trạm đo gió từ năm 1998 đến năm 2009, tiềm năng gió trên đất liền và vùng ven biển hải đảo của Việt Nam đạt khoảng 713.000MW. Trong khi đó, tống công suất của các nhà máy điện trên toàn quốc tới hết năm 2009 mới là 19.378MW.

PV: Phát triển năng lượng điện gió sẽ mang lại những lợi ích gì cho Việt
Nam, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bản: Điện gió mang lại rất nhiều lợi ích cho nhân loại nói chung, thực tế phát triển của thế giới đã xác minh điều đó. Đến hết năm 2009, trên thế giới đã xây lắp 159.213MW và sản xuất 340.000.000MWh/năm đem lại lợi ích 50 tỷ EUR và tạo ra 550.000 việc làm.


Đối với Việt Nam, trong hoàn cảnh tài nguyên, nguyên liệu không nhiều, điện thiếu trầm trọng, điện gió càng mang nhiều lợi ích. Điện gió không thể thay thế hoàn toàn cho các nguồn điện truyền thống như than, dầu khí, thuỷ điện, điện hạt nhân, vì phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên, nhưng điện gió có thể cung cấp hàng tỷ KWh điện thay cho các nguồn điện truyền thống. Một nhà máy điện gió 100MW mỗi năm có thể cung cấp cho hệ thống điện 250 triệu KWh. Từ năm 2012 Việt Nam sẽ phải nhập than từ nước ngoài về để chạy nhà máy nhiệt điện, hiện đã đang phải phụ thuộc vào điện nhập khẩu của nước ngoài, việc khai thác điện gió càng cấp thiết hơn bao giờ hết.


Ngoài ra, nhà máy điện gió còn mang lại lợi ích to lớn về môi trường. Nhà máy điện gió là 1 trong những nhà máy điện sạch nhất, an toàn nhất đối với con người và môi trường nói chung.


dien gio bach long vi.jpg

Điện gió tại đảo Bạch Long Vĩ


Chúng ta hình dung: Nhà máy điện Diezel dùng dầu đốt trong các động cơ đốt trong để quay máy phát điện, gây ra tiếng ồn lớn và thải khí CO2 vào khí quyển. Nhà máy điện Turbine khí đốt khí làm quay turbine và máy phát điện cũng gây ra tiếng ồn và thải khí vào khí quyển, tuy có ít hơn so với máy Diezel. Nhà máy nhiệt điện đốt than có dây chuyền công nghệ hết sức phức tạp từ việc vận chuyển kho bãi than, chế biến than và đốt ở trong lò với nhiệt độ, áp suất cao để quay turbine và phát ra điện, gây ra nhiều bụi bặm và ô nhiêm, gây ra tiếng ồn lớn, đặc biệt thải vào bầu khí quyển một số lượng lớn khí nhà kính làm ảnh hưởng đến khí hậu của trái đất;

Nhà máy thuỷ điện dùng thế năng của nước để quay turbine và máy phát điện để sản xuất ra điện. Nhà máy thuỷ điện có thể coi là nhà máy điện sạch, tuy nhiên nó làm ngập 1 diện tích đất trồng trọt tương đối rộng để làm hồ chứa, nó cũng sản sinh ra lượng khí CH4 làm tăng lượng khí thải nhà kính, nguy cơ sự cố các đập của hồ chứa cũng gây tai hoạ cho con người cũng như môi trường ở phía hạ du của nhà máy;


Nhà máy điện nguyên tử có kỹ thuật cao có thể xây dựng những tổ máy có công suất lớn sử dụng một khối lượng nguyên liệu phóng xạ rất nhỏ bé. Tuy nhiên nó đòi hỏi kỹ thuật xây lắp và quản lý vận hành, quản lý chất thải rất nghiêm ngặt và tốn kém. Nhà máy điện nguyên tử có rất ít sự cố nhưng khi sự cố xảy ra thì rất nguy hiểm đến con người và môi trường trong một khu vực rộng lớn xung quanh nhà máy.


Trong khi đó, nhà máy điện năng lượng gió được tiếp nhận qua cánh turbine gió và máy phát điện để sản xuất ra điện. Quá trình biến đổi hết sức đơn giản, rất an toàn và thân thiện với môi trường.

 

PV: Những năm qua, chúng ta khai thác tiềm năng này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bản: Năng lượng gió đã được nghiên cứu từ nhiều chục năm nay, nhưng mới chỉ thực sự được nghiên cứu triển khai ứng dụng với quy mô công nghiệp từ năm 2000.


Dự án điện gió Bạch Long Vĩ 800KW, do Trung ương Đoàn TNCSHCM làm chủ đầu tư,  nguồn vốn ngân sách cấp. Đây là dự án điện gió có quy mô công nghiệp đầu tiên của đất nước. Dự án đã được lắp đặt thành công và đưa vào sản xuất năm 2004, nhưng do những thiếu sót về tư vấn, thiết kế, thiết bị và tổ chức quản lý, chỉ sau hơn 1 năm đã phải ngừng sản xuất. Cơn bão số 9 năm 2009 đã vặn gãy tháp gió, thiết bị đã bị hư hỏng hoàn toàn.


Dự  án điện gió 2KW tại Kon Tum do NEDO Nhật bản tài trợ, Viện Năng lượng thực hiện đã phát huy tác dụng.


Dự  án điện gió Trường Sa 9KW (3 x 3KW) và 7KW điện mặt trời, do TP.HCM tài trợ, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM thực hiện, đã đưa vào vận hành, phát huy tác dụng tốt.


Dự  án điện gió Phương Mai I-30MW, Phương Mai III-21MW triển khai từ năm 2000 dến nay vẫn chưa hoàn thành. Hiện còn hàng chục dự án về điện gió đang chờ giá điện để triển khai.


Dự  án điện gió Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận), 30MW, do Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam đầu tư đã mạnh dạn triển khai thực hiện. Tháng 9/2009, 5 tổ máy 1,5MW thuộc dự án đã lắp đặt thành công và hoà lưới điện Quốc gia 7.5MW. Hiện đang tiếp tục lắp ráp 15 tổ máy còn lại. Nhưng cho đến nay vẫn chưa  xác định được giá điện.


2007022516320698171632_T.Jpg

Tuy nhiên, tổng hợp các số liệu thống kê, trong 10 năm qua chúng ta mới chỉ khai thác được 9MW điện gió trên tổng số tiềm năng điện gió là 713.000MW. Con số này quá nhỏ bé so với tiềm năng. Sự phát triển này là quá chậm trễ và lạc hậu so với sự phát triển điện gió của thế giới. Chúng ta đã để lãng phí tài nguyên to lớn của đất nước.

PV: Như ông đã phân tích, năng lực khai thác điện gió ở nước ta còn quá khiêm tốn, chưa phản ánh được tiềm năng dồi dào sẵn có. Vậy theo ông, đâu là các rào cản kìm hãm sự phát triển năng lượng gió ở Việt Nam thời gian qua?


Ông Nguyễn Văn Bản: Có nhiều rào cản, như điện gió còn mới đối với Việt Nam, thiết bị hoàn toàn phải nhập từ nước ngoài, khung pháp lý chưa đầy đủ… Những rào cản này ta đã và có thể vượt qua không khó. Song, rào cản quan trọng nhất là giá điện gió. Điện gió là nguồn năng lượng sạch là nguồn điện có đặc thù riêng phải có 1 khung giá riêng. Không có giá điện hợp lý các dự án điện gió không có khả năng thu hồi vốn đầu tư, ngân hàng không dám cho vay vốn để đầu tư. Hiện nay đã có hàng chục dự án điện gió khoảng 1000MW đang chờ khung giá điện hợp lý để triển khai.


PV: Giá điện của Việt Nam chưa theo đúng cơ chế thị trường và chưa phù hợp với thực tế, do vậy điện gió khó cạnh tranh được với các nguồn truyền thống. Vậy ông có khuyến nghị gì về khung giá điện gió?


Ông Nguyễn Văn Bản: Tôi cho rằng khung giá điện gió cần được căn cứ trên cơ sở tính toán kinh tế kỹ thuật, thoả mãn lợi ích chung của nhà nước, của ngành điện, của các nhà đầu tư điện gió. Khi đó, chúng ta có thể nhanh chóng lựa chọn được khung giá điện hợp lý nhất tạo điều kiện để cho các dự án điện gió đang chờ đợi giá điện có thể triển khai được. Nguồn năng lượng gió phong phú của đất nước được khai thác sớm sẽ góp phần giải quyết khó khăn về thiếu điện, góp phần làm giàu cho đất nước.


PV: Ngoài ra, chúng ta cần phải có những hành động gì để vực dậy tiềm năng điện gió, thưa ông?


Ông Nguyễn Văn Bản: Chính phủ, Bộ Công thương, các nhà đầu tư, các nhà  khoa học và quản lý đã làm nhiều việc, nhưng chưa đủ. Bộ Công thương đã nhờ tư vấn nước ngoài xây dựng khung pháp lý, khung giá điện gió, đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo quốc tế và trong nước để bàn thảo góp ý và hoàn chỉnh, đã trình Chính phủ. Tôi cho rằng Bộ Công thương cần phải triển khai nhanh hơn nữa và có nhiều kế hoạch cụ thể để Chính phủ có thể ban hành sớm khung chính sách và khung giá điện gió.

 

Ngoài ra, trong chiến lược biển của Đảng và Nhà Nước, vấn đề biên giới hải đảo rất quan trọng nhưng điện gió chưa được đầu tư, khung pháp lý, khung giá điện gió cho hải đảo chưa được nghiên cứu, tạo cơ sở cho các nhà đầu tư triển khai. Rất nhiều đảo quan trọng của đất nước có tiềm năng gió lớn như Bạch Long Vĩ, Hòn Mê, Hòn Ngư, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cù Lao Xanh, Phú Quý, Côn Đảo, Trường Sa, Phú Quốc… cần được đầu tư khai thác điện gió sớm để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế biển và an ninh quốc phòng.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Thuỷ Tâm - VOVNews