Thứ ba, 05/11/2024 | 01:09 GMT+7
Phát triển năng lượng tái tạo là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. 3 năm trở lại, năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, rồi điện gió phát triển rất nhanh, tới cuối năm 2020 đã nối lưới 17.000MW, chiếm 25% tổng công suất hệ thống điện quốc gia. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới, đồng nghĩa với nhiều tỷ USD được đầu tư mỗi năm, phần nhiều trong số đó đến từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, thực tế triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập, tiềm ẩn rủi ro đối với cả tổ chức cấp tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh. Trước vấn đề này, ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã có những chia sẻ cụ thể.
Ông Phạm Như Ánh
Ông nghĩ sao về vấn đề này? Những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến tín dụng xanh trong bối cảnh hiện nay là gì?
Ông Phạm Như Ánh: Trước hết, tín dụng (hay khoản vay) xanh được hiểu là việc tổ chức tín dụng cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh mà không gây rủi ro đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng xanh là các dự án được tài trợ vốn đáp ứng các tiêu chí cụ thể đối với 12 lĩnh vực bao gồm: Nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo/năng lượng sạch, tái chế, sử dụng các nguồn tài nguyên, xử lý chất thải và phòng chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường thiên nhiên, công trình xây dựng xanh, giao thông bền vững,…Trong thời gian gần đây, chúng ta đang tập trung mạnh vào năng lượng tái tạo, cụ thể là điện mặt trời và điện gió.
Về nhận định tín dụng (khoản vay) xanh phát sinh những rủi ro nhất định, theo quan điểm của tôi, nhận định này là hoàn toàn chính xác và cũng là thông thường trên góc độ bất cứ khoản cấp tín dụng nào tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Đặc biệt, với tín dụng xanh, một lĩnh vực đã rất quen thuộc tại các đất nước phát triển trên thế giới nhưng còn khá mới mẻ đối với Việt Nam. Rủi ro liên quan đến khoản tín dụng xanh có thể phát sinh từ những 5 vấn đề trọng yếu sau:
- Rủi ro trong việc thẩm định dự án gặp phải những vấn đề khá phức tạp do đặc trưng của các dự án xanh đòi hỏi tổng mức đầu tư lớn, công nghệ thiết bị mới có tính kỹ thuật cao, hành lang quy định pháp lý về ngành/lĩnh vực chưa đẩy đủ, thời gian hoàn vốn dài, rủi ro thị trường….
- Rủi ro trong việc cân đối và đáp ứng nguồn vốn cho dự án: Tín dụng xanh đòi hỏi vốn vay trung dài hạn lớn, trong thời gian dài. Trong khi nguồn vốn của các NHTM chủ yếu là nguồn vốn huy động ngắn hạn, với chi phí lãi suất khá cao, chưa có các chính sách ưu đãi/đặc thù từ NHNN thì việc cân đối tham gia tín dụng xanh cũng có thể đặt ngân hàng vào tình trạng rủi ro về cân đối vốn.
- Rủi ro về tài sản đảm bảo: TSĐB chủ yếu là tài sản hình thành từ vốn vay của chính là các dự án/công trình xanh, tính thanh khoản không cao, khả năng xử lý TSĐB cũng khá đặc thù.
- Rủi ro về doanh thu/hiệu quả dự án: Rủi ro này đến từ các yếu tố chính yếu sau:
Điều kiện tự nhiên: Sản lượng, doanh thu của các dự án không ổn định và phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên (khả năng bức xạ mặt trời, tốc độ gió…). Trong bối cảnh toàn cầu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, việc cung cấp thiết bị, thực hiện lắp đặt cần có sự tham gia của các đối tác/chuyên gia nước ngoài cũng gặp khá nhiều khó khăn, dẫn đến chậm chễ, gián đoạn trong khâu triển khai.
Hạ tầng và quản lý cung cầu của EVN: Hạ tầng đấu nối truyền tải điện không đủ khả năng giải phóng công suất phát điện. Ngoài ra, nguồn cung tăng nhanh và dồi dào từ các dự án điện áp mái, điện mặt trời, điện gió để tận dụng cơ chế giá điện FIT dẫn đến nguy cơ cung điện năng lượng tái tạo vượt cầu, buộc EVN phải đưa ra bài toán giảm tải phát điện năng lượng tái tạo, gây ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà máy điện.
Chính sách giá điện: Đến thời điểm hiện tại, để được hưởng chính sách giá điện theo giá FIT, các dự án điện gió cần vận hành thương mại (COD) trước 1/11/2021. Tuy nhiên, đối với các dự án hiện đang triển khai nhưng khả năng COD trước thời hạn này khó khả thi hoặc có kế hoạch triển khai trong tương lai chưa có tham chiếu về giá điện dẫn đến những khó khăn trong việc xác định hiệu quả dự án làm cơ sở trong việc xem xét tài trợ vốn từ các tổ chức tín dụng.
Quy hoạch định hướng phát triển ngành điện: Tiếp theo sau điện mặt trời, điện gió, dự thảo Quy hoạch điện VIII với trọng tâm là điện LNG cũng đặt ra bài toán về quy hoạch phát triển, chính sách giá điện…có thể sẽ tiếp tục thay đổi cục diện và khó nhận diện hết những khó khăn về hiệu quả kinh doanh của các dự án năng lượng tái tạo đang triển khai.
- Rủi ro về chính sách: Tín dụng xanh được quy hoạch là định hướng trọng tâm phát triển của Chính phủ, tuy nhiên, đến hiện tại, chưa có một bộ công cụ đầy đủ và đủ mạnh để thúc đấy tín dụng xanh phát triển, cụ thể: Hành lang pháp lý chưa đầy đủ và rõ ràng; Chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, NHNN cho các chủ đầu tư hoặc cho các ngân hàng thương mại tài trợ lĩnh vực này chưa đủ mạnh; Thay đổi trong chính sách điều hành có thể gây rủi ro cho ngân hàng tài trợ.
Là ngân hàng hàng đầu trong việc cung cấp tín dụng thân thiện với môi trường, MB kỳ vọng như thế nào trong lĩnh vực tín dụng xanh?
Ông Phạm Như Ánh: Với vai trò là ngân hàng tham gia tài trợ trong lĩnh vực xanh, MB kỳ vọng trong tương lai sẽ có những thay đổi/điều chỉnh theo hướng tích cực như sau:
Dưới góc độ vĩ mô, về mặt chính sách, MB kỳ vọng:
Chính phủ, cơ quan Bộ/Ban/Ngành sớm ban hành danh mục và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế hiện tại của Việt Nam; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách (thuế, phí, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực xanh.
Chính phủ và NHNN ban hành chính sách hỗ trợ cho chủ đầu tư trong việc có các công cụ bảo lãnh vay vốn để tiếp cận được các nguồn vốn nước ngoài với chi phí hợp lý; Hỗ trợ cho ngân hàng thương mại về nguồn vốn trung dài hạn, vốn ưu đãi dành cho lĩnh vực xanh có thể thông qua các giải pháp như áp dụng hệ số rủi ro tín dụng (RWA) thấp hơn cho tín dụng xanh, nâng giới hạn trần tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng có quy mô tín dụng xanh lớn; Nâng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn tài trợ trung dài hạn; Tạo cơ chế đồng bộ để ngân hàng thương mại có thể cấp bảo lãnh thanh toán cho các khoản vay tín dụng xuất khẩu (ECA),…
iii) Chính phủ và EVN sớm ban hành quy hoạch cụ thể về định hướng phát triển ngành điện, chính sách giá điện mới sau giá FIT hiện tại để làm cơ sở cho các chủ đầu tư và các TCTD cùng đánh giá hiệu quả dự án, phương án tài chính triển khai.
Dưới góc độ MB, chúng tôi sẽ chủ động, mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc nghiên cứu sâu các lĩnh vực/ngành nghề xanh để có phương án tiếp cận tốt nhất với mục tiêu tài trợ thành công các dự án tín dụng xanh mang lại lợi ích cho xã hội, khách hàng và ngân hàng. Bên cạnh đó, MB cũng xây dựng và thiết lập các hệ thống đánh giá, quản trị rủi ro đồng bộ, tiên tiến, cập nhật những biến động một cách nhanh và hiệu quả nhất để kịp thời có những giải pháp cho các tình huống khó khăn.
Với việc xác định lĩnh vực xanh là một trong những xu thế tất yếu và mang lại lợi ích rất lớn cho xã hội và cộng đồng, MB khẳng định sự quan tâm của mình trong việc tài trợ tín dụng xanh và luôn mong muốn được sự hướng dẫn từ các cơ quan quản lý, Ngân hàng nhà nước, sự chia sẻ, phối hợp của các tổ chức tín dụng, sự quan tâm, ủng hộ của khách hàng để hoàn thành tốt hơn nữa vai trò cấp tín dụng xanh của MB.
Theo Tài chính Việt Nam