Với Chỉ thị 03/CT-NHNN (Chỉ thị 03) về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội, ngành Ngân hàng sẽ ưu tiên tín dụng để phát triển du lịch xanh, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế-xã hội.
Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, hướng đến bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng. ĐBSCL là vùng có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch xanh với những sản phẩm du lịch rất đa dạng như du lịch miệt vườn, văn hóa lịch sử, sinh thái sông biển... với những điểm đến nổi tiếng như: rừng dừa Bến Tre, Tràm chim Tam Nông, làng nghề hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp), Chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), nhiều vườn trái cây trải dọc các dòng kênh, biển Hà Tiên và đảo Phú Quốc (Kiên Giang), phong cảnh Thất Sơn Bảy Núi (An Giang), rừng đước Năm Căn, đất mũi Cà Mau và một số địa phương đặc sắc khác trong vùng...Ngoài ra, hàng năm, khu vực này cũng đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây và cung cấp 52% sản lượng và 60% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 của Chính phủ, ngày 24/03/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN (Chỉ thị 03) về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, mục tiêu đặt ra ngay từ năm 2015 là hoạt động cấp tín dụng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; đồng thời, cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững.
Tín dụng ngân hàng sẽ đồng hành với phát triển du lịch xanh ĐBSCL
Theo Chỉ thị 03, ngành ngân hàng cần rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; tập trung nguồn lực để ưu tiên cấp tín dụng cho các ngành kinh tế thực hiện việc bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Như vậy, sự ra đời của Chỉ thị 03 với mục tiêu hướng tới tín dụng xanh để phát triển bền vững, trong đó có hỗ trợ khai thác tiềm năng du lịch xanh vùng ĐBSCL, ngành ngân hàng đã và sẽ chủ động đáp ứng vốn tín dụng cho các dự án du lịch xanh trong vùng nhằm góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch xanh, bền vững.
Vốn ngân hàng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và du lịch xanh ĐBSCL
Nhận thức rõ vai trò và tiềm năng của du lịch xanh vùng ĐBSCL, thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực đầu tư vốn nhằm phát triển du lịch xanh trong tổng thể chương trình phát triển các sản phẩm du lịch tại ĐBSCL thông qua các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông hiện đại (như dự án sân bay, cầu Cần thơ, cầu Mỹ Thuận,…); dự án hệ thống thu gom, xử lý rác thải trên sông; quy hoạch lại hệ thống miệt vườn; hỗ trợ nạo vét kênh rạch; hệ thống chống xói lở các cù lao,…
Có thể nói, nguồn vốn ngân hàng đã làm thay đổi diện mạo của khu vực ĐBSCL, tạo điều kiện cho du lịch vùng ĐBSCL phát triển, cuốn hút và hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Hoạt động ngân hàng của khu vực ĐBSCL trong những năm qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Huy động vốn tại chỗ của 13 tỉnh ĐBSCL luôn có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước, chiếm khoảng 6,5% tổng vốn huy động của nền kinh tế, là nguồn lực quan trọng để thực hiện đầu tư trở lại cho sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng. Đến ngày 31/03/2015, huy động vốn của cả vùng đạt khoảng 279.095 tỷ đồng, tăng 1,05% so với 31/12/2014. Dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 352.386 tỷ đồng, tăng 3% so với 31/12/2014, chiếm khoảng 8,64% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế.
Đối với lĩnh vực du lịch, đến ngày 31/03/2015, dư nợ tín dụng ngành du lịch của khu vực ĐBSCL đạt 2.226 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,5% tổng dư nợ tín dụng ngành du lịch toàn quốc. Trong đó, dư nợ đối với dịch vụ lưu trú (khách sạn, khu nghỉ dưỡng…) chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 74%, dư nợ đối với dịch vụ ăn uống chiếm gần 22%. Có thể nói, nguồn vốn ngân hàng đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội và du lịch vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên, hoạt động tín dụng dành cho du lịch xanh vùng ĐBSCL cũng gặp không ít khó khăn. Việc xây dựng và thẩm định các dự án xanh theo các tiêu chí bảo vệ môi trường của các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn do lĩnh vực này còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Ngoài ra, các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án xanh thường có lợi ích trong dài hạn và cần một lượng vốn lớn để đầu tư do các dự án vừa nhằm mục tiêu lợi nhuận, vừa phải đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường. Vì vậy, để các dự án xanh nói chung cũng như các dự án du lịch xanh nói riêng thực sự hiệu quả thì cần phải có sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương và cộng đồng. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn trung dài hạn lớn và thường xuyên cũng là một áp lực đặt ra cho tín dụng ngân hàng.
Theo An Ninh Tiền Tệ