Thứ bảy, 02/11/2024 | 07:25 GMT+7
Hiện nay, nhiều ngân hàng đang mở ra các chương trình cho vay tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường, triển khai các dự án xanh. Tăng trưởng tín dụng xanh đang được nhiều ngân hàng quan tâm...
Tín dụng xanh được hiểu là việc các tổ chức tín dụng cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh mà không gây rủi ro đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung. Trên thực tế, xu hướng tăng trưởng tín dụng xanh thường là các dự án tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng và công nghệ sạch nhằm hướng đến mục tiêu “kép” là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường.
* Nhiều ưu đãi
Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng thúc đẩy cấp tín dụng xanh cho những dự án có mục tiêu rõ ràng về việc bảo vệ môi trường, khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, triển khai các chương trình tín dụng có các chính sách khuyến khích đối với các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có mục tiêu tăng trưởng xanh.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai các chương trình tín dụng liên quan đến tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi, các dịch vụ hỗ trợ...
Theo Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Đồng Nai, lãi suất cho vay bằng VND khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch... được ngân hàng áp dụng có nhiều ưu đãi.
Cụ thể, đối với khách hàng thực hiện ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch ở một trong 3 khâu (cung ứng vật tư đầu vào hoặc sản xuất hoặc tiêu thụ), ngân hàng sẽ giảm 0,5%/năm so với lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định. Tương tự, đối với khách hàng thực hiện “xanh hóa” 2-3 khâu nói trên sẽ được giảm lãi suất từ 1-1,5%/năm so với lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định...
Ông Nguyễn Xuân Song, Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Biên Hòa chia sẻ, hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nông nghiệp sạch... là một trong những lĩnh vực cho vay được hưởng các chương trình ưu tiên về lãi suất của ngân hàng với mức lãi suất cho vay khoảng 6%/năm trở lên...
Tương tự, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần như: Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank) chi nhánh Đồng Nai, Ngân hàng thương mại cổ phần phát triển TP.HCM (HDBank) chi nhánh sở giao dịch Đồng Nai... cũng đang áp dụng các chương trình cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất xanh, sạch, doanh nghiệp đầu tư dự án năng lượng sạch, điện mặt trời trên mái nhà... với nhiều lãi suất ưu đãi.
* Cần đáp ứng các tiêu chí khắt khe
Trên thực tế, theo ghi nhận tại nhiều ngân hàng thương mại cổ phần, dư nợ cho vay đối với hoạt động tín dụng xanh trong thời gian qua là chưa nhiều. Đại diện nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, dù đẩy mạnh cho vay tín dụng xanh với giá ưu đãi, song không phải dự án nào có yếu tố “xanh” cũng được cấp tín dụng, các nhà băng cũng có những tiêu chí nhất định.
Đối với doanh nghiệp, các dự án phải chứng minh được tính hiệu quả, minh bạch thông tin, kinh doanh có lợi nhuận, có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ “xanh” tối thiểu 1 năm, đặc biệt phải chứng minh được đầu ra của sản phẩm. Đối với cá nhân, phải chứng minh được năng lực tài chính, có hồ sơ “sạch”, không có nợ xấu tại ngân hàng.
Giám đốc một công ty chuyên cung cấp các sản phẩm nấm sạch, an toàn ở huyện Thống Nhất cho rằng, để các doanh nghiệp có thể theo đuổi hướng đi sản xuất xanh, cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là các chính sách tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn vốn này vẫn không dễ tiếp cận bởi những quy định ràng buộc và các tiêu chí khắt khe về công nghệ, tiêu chuẩn...
Ông Nguyễn Xuân Song cho biết thêm, đối với doanh nghiệp, tín dụng xanh đòi hỏi những yêu cầu khắt khe từ phía ngân hàng để đủ điều kiện cấp vốn. Đồng thời, sẽ có một tổ chức độc lập, uy tín đánh giá những yếu tố liên quan đến công nghệ, những tác động tới môi trường... có đủ xanh, sạch, đạt các tiêu chuẩn cần thiết hay không, để từ đó ngân hàng có phương án cho vay phù hợp, đúng quy định.
Nguồn: Báo Đồng Nai