Thứ tư, 04/12/2024 | 00:15 GMT+7

Hiệu quả sử năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp

29/10/2024

Việc sử dụng năng lượng mặt trời đã giúp các hộ nông dân tiết kiệm được chi phí tiền điện đáng kể mỗi tháng, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Kết hợp sử dụng điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp từ lâu đã được ứng dụng tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới bởi ưu điểm nổi bật là tiết kiệm chi phí năng lượng, giảm phát thải khí CO2, tăng thu nhập cho nông dân. Tại Việt Nam, việc kết hợp sử dụng điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp đã được nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp ứng dụng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Lợi ích lâu dài

Không giống với những cơ sở chăn nuôi khác, trang trại sản xuất giống gà, ngan, vịt quy mô công nghiệp của gia đình ông Mai Công Chính (xã Hợp Hưng, Vụ Bản, Nam Định) khu nhà ấp trứng được lợp bằng những tấm pin năng lượng mặt trời để sản xuất điện vận hành 8 lò ấp trứng gia cầm và phục vụ sinh hoạt hàng ngày của gia đình cũng như công nhân.
Ông Mai Công Chính cho biết, sau khi tìm hiểu thông tin về điện năng lượng mặt trời tôi đã quyết định lắp đặt cho khu nhà ấp trứng gia cầm mới xây dựng với 30 tấm pin năng lượng, bằng 1/2 diện tích mái với tổng công suất 10 kWp. Tổng chi phí cho việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời khoảng gần 200 triệu đồng. Gia đình tôi sử dụng ổn định từ giữa năm 2019 đến nay. Tính ra trung bình mỗi tháng, hệ thống điện năng lượng mặt trời tiết kiệm cho gia đình khoảng 5 triệu đồng.
Kiểm tra công trình điện năng lượng mặt trời tại trang trại nuôi gà công nghiệp. (Ảnh: Báo Nam Định)
Theo ông Chính, bỏ ra số tiền cả trăm triệu đồng để lắp điện mặt trời thời điểm cách đây 5 năm không phải là số tiền nhỏ với gia đình. Tuy nhiên nhận thấy lợi ích lâu dài khi các tấm pin có thể sử dụng được đến 15 năm cùng các lợi ích khác nên gia đình không ngần ngại đầu tư. "Ngoài giảm chi phí điện năng hàng tháng, điều khiến tôi tâm đắc nhất khi sử dụng điện mặt trời là rất phù hợp với điều kiện các trang trại ở xa khu dân cư, không tốn kém đầu tư đường dây nên không bị hao tổn điện năng như sử dụng điện lưới, lại đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa bão"ông Chính nói.
Còn tại tỉnh Sóc Trăng, ông Ngô Công Luận, Giám đốc Hợp tác xã Nông ngư 14/10 (ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên) cũng áp dụng mô hình điện mặt trời áp mái để phục vụ cho nuôi tôm. Theo ông Luận, từ khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà công suất 25 kWp, mỗi tháng ông tiết kiệm đến 6 triệu đồng tiền điện. “Thấy hiệu quả cao, tôi lắp thêm hệ thống 27,5 kWp nữa, vài năm sẽ hoàn vốn. Lắp đặt điện mặt trời mái nhà giúp tiết kiệm điện, năng suất cao, tôm chất lượng", ông Luận chia sẻ.
Mô hình điện mặt trời kết hợp ao nuôi tôm. (Ảnh: Báo Công Thương)
Như vậy với lợi ích “kép” trong việc giảm chi phí tiền điện, an toàn cho môi trường và tận dụng được khoảng không áp mái, mô hình sử dụng điện mặt trời này đang được nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp quan tâm đầu tư. Công nghệ điện năng lượng mặt trời đặc biệt phù hợp đối với những mô hình trang trại chăn nuôi ở xa khu dân cư hoặc nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản xa nguồn điện lưới bởi không phải đầu tư trạm biến áp. 

Phát triển rộng rãi

Hiện nay, có rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời đem lại hiệu quả kinh tế cao. Là một tỉnh thuần nông với nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, tỉnh Hậu Giang xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, việc phát triển điện mặt trời cũng được xác định là thế mạnh của tỉnh.
Ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết: Mô hình kết hợp nông nghiệp công nghệ cao và điện mặt trời áp mái là mô hình phù hợp với tỉnh Hậu Giang. Điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra lợi ích kép. Theo đó, với diện tích đất bình quân 1,2 ha có thể đầu tư 1 MWp trên nhà kính hoặc mái nhà trang trại để làm nông nghiệp bên dưới như trồng nấm, trồng rau hoặc các loại cây phù hợp, nuôi bò cao sản, gà, lợn, dế…
Chia sẻ về mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của địa phương trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Toàn cho biết: "Mục tiêu từ năm 2020 đến 2025, hệ thống điện mặt trời áp mái phải phát triển rộng rãi trên mái nhà từ hộ gia đình, nhà xưởng đến trang trại, phấn đấu đạt ít nhất 120 MW trên toàn tỉnh”.
Có thể thấy, việc kết hợp sản xuất nông nghiệp với điện mặt trời không chỉ giúp tăng giá trị sử dụng đất mà còn tạo cơ hội cho người nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế, tiếp cận được nguồn năng lượng sạch và bền vững, từ đó góp phần bảo vệ môi trường.
Hương Trà