Thứ sáu, 22/11/2024 | 19:07 GMT+7

“Mở cửa” tín dụng xanh cho doanh nghiệp

15/12/2010

Hai doanh nghiệp đầu tiên đã được vay vốn nhằm đổi mới công nghệ, TKNL với số tiền lên tới 4 triệu USD trong khuôn khổ dự án tín dụng xanh, ký kết giữa Techcombank và Công ty Tài chính quốc tế (IFC). Dự án tín dụng xanh đã mở ra hướng đi mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trước bài toán tìm nguồn vốn nhằm đổi mới công nghệ TKNL hướng đến SXSH, nhất là khi Luật Sử dụng năng lượng TK & HQ sắp có hiệu lực.

Hai doanh nghiệp đầu tiên đã được vay vốn nhằm đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng với số tiền lên tới 4 triệu USD trong khuôn khổ dự án tín dụng xanh, ký kết giữa Techcombank và Công ty Tài chính quốc tế (IFC). Dự án tín dụng xanh đã mở ra hướng đi mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trước bài toán tìm nguồn vốn nhằm đổi mới công nghệ tiết kiệm năng lượng hướng đến sản xuất sạch hơn, nhất là khi Luật Tiết kiệm năng lượng sắp có hiệu lực.


Bai-Techcombank.jpg


Để hiểu rõ hơn cơ chế cho vay của dự án phóng viên báo Vietnam Economic News đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Thắng - Giám đốc khối Khách hàng Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Techcombank.

Thưa ông đâu là nguyên nhân để Techcombank tham gia vào dự án cho vay trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng?

Giữa năm 2010 Techcombank và IFC đã ký một hợp đồng hợp tác về tín dụng cho vay trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, đối tượng cho vay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó IFC sẽ đóng góp nguồn vốn 25 triệu USD và phần đối ứng còn lại là của Techcombank. Để có được sự hợp tác và ra đời của dự án này là do chúng tôi luôn xác định mang đến cho khách hàng những giải pháp tài chính an toàn và hiệu quả nhất. Định hướng chiến lược phát triển lâu dài của Techcombank là tập trung phát triển phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ do đó chương trình Tài trợ các dự án tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của chúng tôi.

Đồng thời hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Bộ Công Thương, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Bên cạnh dự án hợp tác với IFC chúng tôi đang tham gia vào nhiều dự án khác liên quan đến lĩnh vực tiết kiệm năng lượng như dự án tín dụng xanh SECO do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ, Chương trình tiết kiệm năng lượng thương mại thí điểm (CEEP) và dự án phát triển Năng lượng tái tạo (REDP) do Word Bank tài trợ….

IFC là một định chế tài chính quan trọng đã có quan hệ hợp tác lâu dài với Techcombank, họ đã có nhiều kinh nghiệm triển khai chương trình tài trợ các dự án tiết kiệm năng lương và sản xuất sạch tại Nga,Czech, Trung Quốc… Vì vậy chúng tôi hoàn toàn tin vào sự thành công của dự án.

Lợi ích mà các doanh nghiệp có được khi tham gia vào dự án là gì thưa ông?

Dự án Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp. Với tổng cam kết tài chính của toàn bộ chương trình lên đến 50 triệu USD, dự kiến Techcombank sẽ cung cấp các khoản vay tối đa lên tới 7 năm và thời gian ân hạn là 2 năm. Nguồn vốn trên sẽ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa thay đổi trang thiết bị, nâng cấp công nghệ và hệ thống nhằm nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng, mở rộng công suất, cắt giảm chi phí, giảm lượng khí thải và đặc biệt là giảm chi phí sản xuất. Ngoài những hỗ trợ về mặt tài chính, khách hàng sẽ được các chuyên gia kỹ thuật của IFC đưa ra đánh giá về hiệu quả sử dụng năng lượng, tư vấn cách thức cải tiến thay thế máy móc dây chuyền để có hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn và được tư vấn các đơn vị cung cấp các thiết bị năng lượng phù hợp.

Đối tượng doanh nghiệp nào được tập trung ưu tiên thưa ông?

Chúng tôi tập trung ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong ngành xi măng, thép, gạch ngói và những khách hàng đầu tư vào các thiết bị năng lượng chung như hệ thống chiếu sáng, hệ thống thông gió điều hòa không khí đáp ứng về mức tiết kiệm năng lượng. Khách hàng vay vốn theo chương trình này là các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư, thay thế, nâng cấp hoặc đổi mới trang thiết bị và công nghệ, cải thiện quy trình sản xuất ở các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng lâu dài cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Hai dự án đầu tiên đã được cho vay là dự án Nhà máy gạch CMC Việt Trì vay nguồn vốn IFC để xây dựng nhà máy ceramic và dự án Nhà máy thép Việt – Pháp vay nguồn vốn IFC 1 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất phôi thép, hai dự án này đều có thời hạn vay là 5 năm và thời gian ân hạn 2 năm.

Để có thể vay vốn, các doanh nghiệp tiếp cận với dịch vụ của Techcombank như thế nào?

Doanh nghiệp có thể đến bất kỳ Chi nhánh nào của Techombank để được tư vấn và hướng dẫn một cách nhanh nhất và thuận tiện nhất. Các chuyên viên quan hệ khách hàng của chúng tôi cùng các chuyên gia kỹ thuật của IFC sẽ khảo sát thực tế và tính toán mức tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp. Sau đó, chuyên gia kỹ thuật của IFC sẽ tư vấn cho doanh nghiệp các phương án áp dụng máy móc thiết bị, hay thiết kế kỹ thuật để đạt hiệu quả tiết kiệm tối đa.

Xin cảm ơn ông!

Theo KTVN