Thứ sáu, 03/05/2024 | 06:19 GMT+7

Giải pháp năng lượng sạch cho người nghèo

12/06/2014

Cứ 5 người trên thế giới có 1 người bị “đói” năng lượng. Nhằm giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận với những nguồn năng lượng sạch, chi phí thấp, nhiều sáng kiến đã được triển khai và áp dụng như chai mặt trời, quả bóng tạo ra điện hay tủ lạnh đất sét.

Cứ 5 người trên thế giới có 1 người bị “đói” năng lượng. Hơn 3 tỷ người đang sống phụ thuộc vào những nguồn năng lượng rắn “bẩn”. Đa phần trong số đó đang sống với mức thu nhập dưới 2 USD/1 ngày.

Nhằm giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận với những nguồn năng lượng sạch, chi phí thấp, nhiều sáng kiến đã được triển khai và áp dụng.

Chai mặt trời

“Ánh sáng từ chai nước” là dự án được phát kiến vào năm 2008 tại Brazil. Sáng kiến này dựa trên một nguyên lý rất đơn giản: Chai nước đã qua sử dụng được đổ đầy nước và thêm vào một lượng chlorine theo tỉ lệ nhất định. Chai được lắp đặt ở mái tôn sao cho một phần của nó tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, phần còn lại tiếp xúc với không gian sống. Ánh sáng mặt trời khúc xạ qua chai nước, thắp sáng cho toàn căn nhà với độ quang phổ tương đương một bóng đèn 55-60W.

4c3671710_chaimattroi.jpg

Chai mặt trời thắp sáng một căn nhà 

Những chai mặt trời này cung cấp ánh sáng từ nguồn sáng hoàn toàn miễn phí, giúp mỗi hộ gia đình giảm được khoảng 40% chi phí tiền điện hằng tháng. Ngoài ra, nó còn giúp giảm nguy cơ cháy nổ, giảm rác thải, giảm lượng phát thải CO2 hằng năm lên tới 7%, và giảm áp lực lên hệ thống điện lưới của địa phương.

Đầu tư với chi phí rất thấp, tuổi thọ khá cao và cách thức lắp đặt đơn giản, chai mặt trời rất phù hợp với các khu dân cư đông đúc, các xóm lao động nghèo, các khu nhà nhỏ lợp tôn hoặc những nơi chưa có đường lưới điện.

Sau Brazil và Phillipines, Việt Nam đang là quốc gia thứ ba triển khai việc lắp đặt những đèn chai mặt trời này tới nhiều hộ dân, trong đó có nhiều gia đình ở miền núi.

Quả bóng tạo điện năng

Một nhóm sinh viên của trường Đại học Havard, Mỹ đã chế tạo thành công một loại bóng có thể tạo ra dòng điện. Chỉ với 30 phút đá bóng, quả bóng đã có thể tạo ra năng lượng thắp sáng 1 chiếc đèn led trong 3 giờ. Quả bóng hoạt động dựa trên nguyên lý tương tự như quả lắc, hấp thụ động năng trong quá trình chuyển động để tạo ra dòng điện.

f3204a19a_bong_tao_ra_dien.jpg

Trẻ em nghèo ở Mêxicô với quản bóng tạo ra điện năng

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tại nhiều nước đang phát triển, người dân vẫn phải thắp sáng bằng đèn dầu. Việc hít thở khói từ đèn dầu rất độc hại, nó tương đương với việc hút 2 bao thuốc lá mỗi ngày. Ngoài ra, đốt đèn dầu cũng tạo ra 190 triệu tấn khí CO2 mỗi năm, bằng với lượng khí thải của 38 triệu xe ô tô.

Quả bóng tạo ra điện năng đang được đưa vào sử dụng tại vùng nông thôn nằm ngoài hệ thống lưới điện ở Mêxicô, Nam Phi và nhiều vùng khó khăn ở nước Mỹ. 

Tủ lạnh bằng đất sét

Với nhiều người nghèo, có một chiếc tủ lạnh trong gia đình là một ước mơ “xa xỉ”. Thậm chí, ngay cả khi được cho không một cái tủ lạnh, nhiều người cũng không dám dùng chi phí tiền điện quá cao.

182cc3e54_mitticool.jpg

Chiếc tủ lạnh bằng đất sét có thể giữ lạnh cho thực phẩm trong 5 ngày mà không cần đến điện

Từ thực tế trên, một nghệ nhân người Ấn Độ đã chế tạo thành công tủ lạnh làm bằng đất sét, không dùng điện mà chạy bằng năng lượng mặt trời. Chiếc tủ hoạt động dựa vào nguyên lý giữ lạnh của đất sét và sự bốc hơi nước. Nước từ các ngăn trên cao sẽ chảy xuống và bốc hơi, mang theo hơi nóng và giữ cho tủ luôn mát lạnh. Nhờ đó, thức ăn được giữ tươi trong vòng 5 ngày

Chiếc tủ được đánh giá là thiết bị vô giá đối với những gia đình ở các khu vực xa xôi, không có điện và các gia đình có thu nhập thấp. 

Hải Yến