Thứ bảy, 18/05/2024 | 13:46 GMT+7

Một cách nhìn khác về lộ trình sử dụng xăng sinh học!

02/04/2014

Chỉ còn chưa đầy 9 tháng nữa là đến thời điểm 7 tỉnh, thành bắt buộc phải sử dụng xăng E5 cho phương tiện cơ giới đường bộ.

Chỉ còn chưa đầy 9 tháng nữa là đến thời điểm 7 tỉnh, thành bắt buộc phải sử dụng xăng E5 cho phương tiện cơ giới đường bộ. Thời gian không còn nhiều, tuy vậy phần lớn doanh nghiệp tỏ ra chưa sẵn sàng với xăng sinh học. Họ chần chừ vì lý do gì?

Đừng từ chối E5 nữa?

Theo TS Steve Williams (Công ty Energy Solutions - Mỹ) - một chuyên gia đầu ngành về nhiên liệu sinh học (NLSH) - trên thế giới những năm qua, lĩnh vực đặc thù này đã có những bước thăng tiến mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Dựa trên 3 động lực chính là phát triển năng lượng tái tạo trước tình trạng giá dầu tăng cao, hỗ trợ nông nghiệp qua việc gia tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường, Tổ chức Năng lượng Quốc tế IEA kêu gọi từ nay đến năm 2020 cần tăng gấp đôi sản lượng NLSH nhằm góp phần giảm thiểu ít nhất 20C trên trái đất.

TS Steve Williams đánh giá cao tầm nhìn chiến lược của Chính phủ Việt Nam khi quyết định nhanh việc chuyển dịch cơ cấu nhiên liệu từ hóa thạch sang sinh học. “Các bạn loại bỏ xăng RON 83 khá nhanh và đó là lý do tôi luôn tin rằng Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo một dấu ấn nữa khi đưa xăng E5 vào cuộc sống”, chuyên gia người Mỹ trao đổi cùng Năng lượng Mới bên lề một hội thảo quốc tế về nhiên liệu sinh học được tổ chức mới đây tại Hà Nội. TS Steve lưu ý, bản thân “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025” cũng nêu rõ, ngoài việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý để thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất quy mô công nghiệp và sử dụng NLSH, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và lợi ích to lớn của NLSH cũng quan trọng không kém.

43a56ba0c_e5_b.jpg

“Đất nước các bạn sở hữu cơ cấu dân số với nông dân chiếm một phần lớn. Mà thực tế cũng chứng minh, chỉ những quốc gia mạnh về nông nghiệp mới thành công với NLSH. Như vậy, nếu NLSH phát triển, người nông dân là tầng lớp được hưởng lợi đầu tiên. Mục tiêu thứ hai là giảm lượng phát thải vào không khí, cải thiện môi trường sống cho Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Thứ đến mới là việc giảm thêm lượng xăng dầu truyền thống nhập khẩu hằng năm. Không khó để nhận ra, cứ mỗi % ethanol các bạn phối trộn được vào là từng đó % giảm sự phụ thuộc vào xăng truyền thống”, TS Steve đưa ra những luận điểm thuyết phục.

Theo tính toán của các chuyên gia, đến năm 2015, sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 250 nghìn tấn (pha được 5 triệu tấn E5, B5), đáp ứng 1% nhu cầu xăng dầu của cả nước.

Vậy, vì sao các doanh nghiệp chần chừ?

Theo một nguồn tin không chính thức, để cải tạo, làm sạch hệ thống bồn, bể chứa sao cho phù hợp với xăng sinh học 5% ethanol (xăng E5), khoảng 2.200 cây xăng thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cần khoảng 350 tỉ đồng. Petrolimex đang chiếm tới 50% thị phần và đương nhiên nếu Tập đoàn này thờ ơ thì đề án trên thật khó thành hiện thực.

“50% là tính theo số lượng cây xăng, chứ nếu theo mật độ dân cư thì thị phần phải là 55-60% chứ không biết chừng”, một chuyên gia kinh tế nhận định. “Mà nhìn thấy trên thực tế luôn, ai cũng thấy rõ, cây xăng của Petrolimex đã và luôn “chiếm giữ” hết những vị trí đẹp, những khu vực đông dân cư nhất trên địa bàn cả nước rồi. Thử hỏi nếu họ tìm đủ mọi cách hoãn binh thì Chính phủ sẽ phải làm sao?!”.

Chia sẻ bên lề, một lãnh đạo của chính Tập đoàn này cho biết, do mặt hàng xăng E5 có đặc tính ngậm nước nên cần thiết phải đầu tư hệ thống công nghệ phù hợp mới đáp ứng được. Petrolimex có trên 2.200 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc nên chi phí đầu tư phát sinh tương đối lớn trong bối cảnh tình hình tài chính của Petrolimex còn hạn chế. Từ các lý do trên, vị quan chức này cho rằng Petrolimex cần phải có sự hỗ trợ và kế hoạch triển khai hợp lý.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của người viết, tàng trữ không phải và chưa bao giờ là vấn đề kỹ thuật lớn với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Nguyên nhân sâu xa nằm ở con số 350 tỉ đồng.

Kinh nghiệm từ Thái Lan cho thấy, trong gần 6 năm liên tục (2004-2010), người dân được chính phủ dành khoảng 1 tỉ USD để hỗ trợ thẳng vào giá xăng, dầu sinh học, đồng thời thông báo rộng rãi động thái trên qua nhiều loại hình truyền thông và ngay tại các cửa hàng bán xăng, dầu.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

“Nếu doanh nghiệp mang doanh số, mang lợi nhuận ra để mặc cả thì họ cũng… không sai! Là doanh nghiệp thì phải là những vấn đề đó. Tuy nhiên, nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế nhiều thành phần nhưng có định hướng xã hội chủ nghĩa. Không phải cứ khó khăn là kêu lên Chính phủ. Họ có còn ai nhớ đến mục tiêu hỗ trợ nông dân và giảm phát thải môi trường của đề án?”, một chuyên gia kinh tế đưa ra nhận xét. Vị này khẳng định: “Nếu dùng 5% tiền nhập tổng số xăng truyền thống hằng năm (vốn là ngoại tệ) quay ngược lại hỗ trợ cho chính các doanh nghiệp sản xuất ethanol và trả tiền cho bà con nông dân Việt Nam thì doanh nghiệp nhà nước kinh doanh xăng dầu vừa được tiếng, lại vừa được miếng”.

Hiện chỉ có một mình Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là đang căng mình vì lộ trình của Chính phủ. Đại diện doanh nghiệp này cho hay, ngay cả trong trường hợp “một mình một ngựa” thì họ vẫn chấp hành nghiêm túc, đồng thời kéo theo một số địa phương đi trước lộ trình sử dụng xăng E5. Đó mới là cách hành xử của một doanh nghiệp Nhà nước vì cộng đồng.

Theo một thống kê của Bộ Công Thương, đến nay cả nước đã có 13 thương nhân đầu mối kinh doanh nhập khẩu xăng dầu (9 DNNN, 4 doanh nghiệp ngoài quốc doanh); với khoảng 300 tổng đại lý, 4.500 đại lý và khoảng 10.000 cửa hàng xăng dầu, phần lớn ngoài quốc doanh.

Về thị phần, đến hết năm 2013, Petrolimex chỉ còn chiếm khoảng 48%, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) từ 13% năm 2008 đã tăng lên khoảng 17% sau khi sáp nhập Petechim; doanh nghiệp thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ tăng từ khoảng 1,8% (năm 2008) lên khoảng 5,3%. Có một số doanh nghiệp đầu mối bị giảm thị phần, như Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh - Saigon Petro từ khoảng 7,8% (năm 2008) xuống còn khoảng 6,5%; Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội từ khoảng 5,8% (năm 2008) xuống còn 2,4% và Công ty Xăng dầu Hàng không (trên dưới 1%).

Về sản xuất, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hiện đã cung cấp được 30% nhu cầu tiêu thụ trong cả nước, với đầu mối chính là PV Oil.

Theo PetroTimes