Chủ nhật, 13/10/2024 | 12:26 GMT+7

Lãng phí năng lượng giảm hiệu suất kinh tế

19/11/2013

Điều cốt lõi của vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả là giảm hiệu ứng nhà kính, hạn chế nguy cơ biến đổi khí hậu đang gây ra hậu quả nhãn tiền là thiên tai, lũ lụt, bão, nước biển dâng...

Điều cốt lõi của vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả là giảm hiệu ứng nhà kính, hạn chế nguy cơ biến đổi khí hậu đang gây ra hậu quả nhãn tiền là thiên tai, lũ lụt, bão, nước biển dâng...

Nhiều giải pháp có thể áp dụng để hạn chế thất thoát, rò rỉ năng lượng với chi phí vừa phải và thời gian thu hồi vốn nhanh.

Để tạo ra 1% tăng trưởng, Việt Nam tăng nhu cầu năng lượng 2%. Đó là một chênh lệch lớn, nếu so với mức dưới 1% của các nước phát triển, cho thấy hiệu suất sử dụng năng lượng cho mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế rất thấp. So với các nước trong khu vực, hiện chi phí năng lượng trên một đơn vị sản phẩm của DN Việt Nam khá cao, do đó giảm khả năng cạnh tranh.

17a364035_iamhieusuatkinhte_d5152bfe4ea1a98e1af1ddcf5c4c.jpg

Tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ giảm giá thành sản phẩm

Đó không phải lo ngại duy nhất. Nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng hơn 4 lần từ 2005 - 2030. Tốc độ tăng trưởng phụ tải điện hơn 10%/năm đến năm 2025. Tốc độ tăng trưởng phát thải CO2 của Việt Nam tăng rất nhanh... Do nhu cầu năng lượng ngày càng tăng nhanh, trong khi khả năng cung cấp có hạn, nguy cơ thiếu hụt năng lượng ngày càng đáng lo ngại. Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng vào năm 2015.

TS. Vũ Bá Minh (Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh) cảnh báo, các DN thủy sản thường lãng phí nước đá trong chế biến, với 1 tấn đá vảy tốn xấp xỉ 70 kWh điện. Lãng phí nước và sử dụng nước không hợp lý cũng dẫn đến lãng phí điện, vì nếu làm rò rỉ nước với lỗ rò có đường kính 1 mm trên đường ống nước sẽ làm thất thoát khoảng 140 m3 nước/năm, đồng thời gây tổn thất điện năng tại máy bơm.

Với nhà máy chế biến thực phẩm thì việc sử dụng hơi nước mà không bọc cách nhiệt sẽ làm tổn thất nhiệt tương đương 230 lít dầu FO một năm. Với lỗ rò có đường kính 1 mm trên đường ống dẫn khí nén ở áp suất 6 bar sẽ gây lãng phí điện năng khoảng 3.000 kWh/năm…

Do vậy, vấn đề bức thiết của các DN Việt Nam hiện nay là tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả. Điều này sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, giảm chi phí nguyên liệu, giảm chi phí năng lượng, thậm chí cũng giúp giảm chi phí nhân công. Và điều cốt lõi của vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả là giảm hiệu ứng nhà kính, hạn chế nguy cơ biến đổi khí hậu đang gây ra hậu quả nhãn tiền là thiên tai, lũ lụt, bão, nước biển dâng...

Theo TS. Vũ Bá Minh, nhiều giải pháp có thể áp dụng để hạn chế thất thoát, rò rỉ năng lượng với chi phí vừa phải và thời gian thu hồi vốn nhanh. Chẳng hạn, giải pháp lắp đặt tháp giải nhiệt để tuần hoàn nước giải nhiệt sẽ đem lại lợi ích kinh tế lớn cho DN. Cụ thể, khi đầu tư 304 triệu đồng cho giải pháp này, DN sẽ tiết kiệm được 150 triệu đồng/năm và thu hồi vốn sau 24 tháng. Với lợi ích môi trường, sẽ tiết kiệm được 235.000 m3 nước/năm, giảm tiêu thụ điện 30.000 kWh/năm.

Hay giải pháp lắp đặt hệ thống thu hồi nước ngưng và tuần hoàn trở lại nồi hơi sẽ giảm tiêu thụ nước đã xử lý cho nồi hơi. DN đầu tư 5 triệu đồng sẽ tiết kiệm được 70 triệu đồng/năm và thu hồi vốn sau 2 tháng. Đồng thời, DN cũng tiết kiệm được 600 m3 nước/năm, giảm tiêu thụ nhiên liệu cho nồi hơi.

Đối với những nhà máy sử dụng nhiều máy nén khí. Việc kiểm tra và thay máy nén khí mới có hiệu suất cao cho hệ thống khí nén trung tâm sẽ giảm tiêu hao điện năng đến 50%. Với số vốn đầu tư 1 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn 2 năm. Xử lý nước thải để thu hồi biogas làm nhiên liệu cho quá trình sấy tại các nhà máy sản xuất tinh bột khoai mì với năng suất 60 - 100 tấn/ngày, tiết kiệm từ 700 - 1.000 kg dầu đốt/ngày.

Đặc biệt, việc tận dụng ánh sáng tự nhiên sẽ giúp DN giảm tiêu thụ 0,4 kWh/bóng/ngày. Bằng việc thay các bóng đèn chiếu sáng ít tốn điện năng, thay đèn 40 W bằng đèn 36 W, với số tiền đầu tư 1,5 triệu đồng DN sẽ tiết kiệm 5 triệu đồng/năm và thu hồi vốn sau 4 tháng….

Theo nghiên cứu của VEEP (Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả), tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở nước ta còn rất lớn. Tính theo ngành thì công nghiệp xi măng có thể tiết kiệm năng lượng đến 50%, công nghiệp gốm là 35%, phát điện than là 25%, ngành dệt/may mặc là 30%, công nghiệp thép là 20%, chế biến thực phẩm là 20%, nông nghiệp là 50%, sử dụng nước là 15%, các tòa nhà thương mại là 25%.

Như vậy, giai đoạn 2012 - 2015, mục tiêu có thể giảm được 5% - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước so với dự báo nhu cầu năng lượng. Đến năm 2015, giảm ít nhất 10% cường độ năng lượng của các ngành sử dụng nhiều năng lượng, bao gồm ngành xi măng, ngành thép, ngành dệt may.

Theo TBNH