Thứ năm, 25/04/2024 | 00:31 GMT+7

Điện từ phế liệu có giá dự kiến là 5,6 cent/kWh

06/07/2013

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ mua điện của các dự án điện sinh khối phát điện nối lưới với giá tại thời điểm giao nhận là 1.170 đồng/kWh, giá này chưa bao gồm thuế VAT và được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ mua điện của các dự án điện sinh khối phát điện nối lưới với giá tại thời điểm giao nhận là 1.170 đồng/kWh (tương đương 5,6 cent/kWh), giá này chưa bao gồm thuế VAT và được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá.

48b37a02f_fe3f3_77a6c_vietstar_online.jpg

Tiềm năng điện sinh khối của Việt Nam ước khoảng 2.000 MW

Đây là nội dung được nêu tại dự thảo lần thứ 4 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sinh khối tại Việt Nam đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến từ 2-7.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Lê Tấn Phong, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng thuộc Bộ Công Thương cho biết, giá mua điện sinh khối được đề xuất mức 5,6 cent/kWh đã được nghiên cứu tổng hợp các yếu tố như chi phí đầu tư, nối lưới và các chi phí khác đảm bảo nhà đầu tư có lãi.

Theo ông Phong, hiện nay tại Việt Nam đã có nhiều nhà máy đường sản xuất điện sinh khối từ bã mía với công suất mỗi nhà máy dưới 10 MW. Giá bán điện lâu nay được chủ các nhà máy đường thỏa thuận với Tập đoàn Điện lực Việt Nam mua theo từng năm.

Nhiên liệu sinh khối sử dụng để sản xuất điện bao gồm phụ phẩm, phế thải trong sản xuất nông nghiệp, chế biến lâm sản và các loại cây trồng khác có thể sử dụng làm nhiên liệu cho sản xuất điện chẳng hạn như trấu, bã mía, vỏ cà phê, rác thải sinh hoạt …

Theo đó, Việt Nam sẽ phát triển điện sinh khối tại 6 vùng gồm Đồng bằng sông Hồng, trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và duyên hải miền trung, Tây nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự thảo về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sinh khối Việt Nam cũng các dự án điện sinh khối được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế.

Ngoài ra, các dự án điện sinh khối và công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện quốc gia được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.

Theo ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương, Việt Nam rất có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, địa nhiệt và điện sinh khối. Hiện Bộ Công Thương đang thẩm định để phê duyệt nhiều dự án điện sinh khối trên cả nước.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển năng lượng tái tạo chiếm 9,4% tổng công suất điện cả nước. Trong đó, điện gió đạt 6.200 MW, điện sinh khối 2.000 MW, các loại năng lượng khác như địa nhiệt, điện sản xuất từ rác thải sinh hoạt, khí sinh học… đạt khoảng 6.000 MW.

Thúy Hằng