Chủ nhật, 19/05/2024 | 20:08 GMT+7

Khó tiết kiệm điện nếu mỗi “nhà” mỗi kiểu

13/06/2013

Theo ông Hồ Quang Ái, Phó Tổng GĐ Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC), tính đến đầu tháng 6 năm nay, toàn khu vực miền nam (gồm 21 tỉnh/thành) đã tiết kiệm được hơn 400 triệu kWh điện.

Theo ông Hồ Quang Ái, Phó Tổng GĐ Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC), tính đến đầu tháng 6 năm nay, toàn khu vực miền nam (gồm 21 tỉnh/thành) đã tiết kiệm được hơn 400 triệu kWh điện.

91c126f2b_tkdien.jpg
 

Cuộc vận động tiết kiệm điện trong dân tiến triểnngày càng tích cực, trong khi tại các cơ quan,công sở Nhà nước còn chậm chuyển biến.

Với diễn biến tích cực này, ông Ái dự đoán trong cả năm 2013, EVN SPC sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch, với sản lượng TKĐ ước khoảng trên dưới 850 triệu kWh, chiếm khoảng 2,1% sản lượng điện thương phẩm. Với giá trung bình 1 kWh điện khoảng 1.400 đồng thì số tiền tương ứng với 850 triệu kWh là gần 1.200 tỷ đồng. "Với sản lượng TKĐ này, EVN SPC có thể đảm bảo cung cấp điện cho cả tỉnh Hậu Giang, hoặc Ninh Thuận, Trà Vinh trong thời gian hơn 2 năm. Những con số này cho thấy những tín hiệu hết sức đáng mừng”, ông Ái cho biết thêm. Theo các chuyên gia, khả năng về sản lượng TKĐ tại khu vực miền Nam hiện có thể tăng gấp đôi so với báo cáo của EVN nếu có biện pháp cụ thể tác động vào ý thức sử dụng điện tại các đơn vị, tổ chức sự nghiệp nhà nước. Theo kết quả một cuộc khảo sát được công bố mới đây, DN trong ngành công nghiệp xi măng có thể TKĐ lên tới 50%, công nghiệp gốm 35%, còn các tòa nhà thương mại có thể tiết kiệm đến 25%,... Cộng chung lại, trên cả nước có thể tiết kiệm tới 2 tỷ USD mỗi năm từ việc TKĐ tại các ngành, các lĩnh vực sử dụng năng lượng.

Từ các thực tế trên, dễ thấy rằng nếu mỗi "nhà” (nhà nước, nhà doanh nghiệp,…) không cùng chung tay TKĐ thì mọi nỗ lực tuyên truyền người dân TKĐ ở khu dân cư của EVN trở nên công cốc, thậm chí nguồn cung cấp điện sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo tình trạng tiết giảm điện ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân suốt thời điểm mùa khô còn lại.

Để tiết kiệm điện, đầu tháng 6, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn yêu cầu rà soát công tác quản lý tài chính và thực hành tiết kiệm tại các cơ quan, đơn vị, sở ngành trực thuộc Bộ. Trong đó, trọng tâm là các dự án đang thực hiện đầu tư nhưng hiệu quả sử dụng thấp, bên cạnh việc phung phí các khoản chi phí tài chính hàng năm. Với chủ trương mới, Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu tiết kiệm từ 20 - 30%  các chi phí điện, nước, chi phí tiếp khách, hội thảo, hội nghị, công tác phí,...

Còn theo bà Cao Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP.Cần Thơ), việc tuyên truyền giáo viên, học sinh ý thức hơn trong việc sử dụng tài sản chung, từ những việc đơn giản mỗi ngày như tắt bớt thiết bị điện khi rời lớp học đến việc sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện năng ở trường,…sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Bà Hà cho biết, nếu xây dựng nội quy cụ thể, ý thức sử dung TKĐ của giáo viên và học sinh tốt sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí điện đáng kể hàng tháng.

Mặc dù đã chuyển biến nhưng theo nhận định của các chuyên gia, năm 2013 vẫn rình rập nguy cơ thiếu điện, đặc biệt là khu vực miền Nam do lưới điện 500-220KV không đủ cung cấp. Do đó, không chỉ nỗ lực vận động các "nhà” chung tay TKĐ thì bản thân ngành điện, đặc biệt là các nhà máy điện trọng điểm cũng phải nỗ lực duy trì độ khả dụng cao để đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định cho các ngành sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Thúy Hằng