Thứ sáu, 17/05/2024 | 09:12 GMT+7

Tua-bin thủy lực xanh

12/06/2013

Đó là kết quả nghiên cứu của doanh nghiệp tư nhân Thủy điện Xanh ở xã Đăk R’Moan, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông.

Tại một số hội chợ triển lãm công nghệ tổ chức ở Hà Nội thời gian gần đây, nhiều người rất ấn tượng với sản phẩm tuabin thủy lực xanh với những ưu điểm đặc biệt như: tiết kiệm nước, không cần hồ đập, không gây hại cho môi trường mà vẫn sản xuất điện với công suất lớn.

8cfed8d72_tua_bin_thuy_dien_xanh_46868.jpg

Tua bin thiết kế sử dụng ít nước, không phải xây đập

Đó là kết quả nghiên cứu của doanh nghiệp tư nhân Thủy điện Xanh ở xã Đăk R’Moan, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông.

Theo ông Ngô Văn Quýnh - giám đốc doanh nghiệp (DN) tư nhân thủy điện xanh,  ưu điểm vượt trội của tuabin thủy lực xanh là tận dụng nguồn nước từ các nhà máy thủy điện khác, có thể vận hành ở cột nước thấp, thậm chí lắp đặt trên các con suối nhỏ.

Để nhà máy thủy điện 1,5MW phát điện được ở dòng nước nhỏ như kênh mương nội đồng, tuabin thủy lực xanh được thiết kế chế tạo theo dạng đĩa trên cơ sở cải tiến chân vịt của thuyền máy. Vì vậy, vừa ít tốn nước, vừa đạt tốc độ quay cực lớn. Đặc biệt, cánh quạt tuabin được thiết kế để nhận nước từ trên xuống theo phương thẳng đứng, không cần đường ống dẫn nước như các thủy điện khác. Nhờ thiết kế sử dụng nước ít, không phải xây đập lớn, hồ chứa nên vốn đầu tư của công trình rất nhỏ so với công suất.

Hiện tuabin thủy lực xanh đang được hoàn thiện để xin cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền giải pháp hữu ích. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đăk Nông cũng rất ủng hộ và đang xem xét đề cương nghiên cứu tua-bin thủy lực xanh để hỗ trợ kinh phí sự nghiệp khoa học cho đề tài này.

Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, tuabin sẽ tạo ra khí, nén dần vào các bình chứa trong cùng hệ thống. Đến khi hết nước, hệ thống tuabin sẽ được đóng kín và bắt đầu xả khí nén làm quay cánh quạt để phát điện. Cũng nhờ “công nghệ” này, nếu mực nước dâng quá cao, không có cột nước chênh lệch để phát điện thì khí nén cũng sẽ phát huy tác dụng. Trong điều kiện tài nguyên nước ngày càng suy giảm, tác động của thủy điện ngày càng xấu, công nghệ thủy điện xanh hoàn toàn có thể giúp sản xuất điện với công suất lớn mà rất ít ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Không chỉ nghiên cứu tuabin Thủy điện xanh, công trình thủy điện công suất 1,5MW ở thôn 14, xã Đăk Wer, huyện Đăk R’lấp của DN Thủy điện Xanh đã được cơ quan quản lý khoa học công nhận và khuyến khích. Gọi là “công trình” cho oai chứ thực ra “đập tràn” thủy điện chỉ là một cái gờ bêtông cao khoảng 60cm, dài 30m chắn ngang dòng thác. Sau khi dẫn một lượng nước nhỏ vào tuabin để phát điện, phần nước còn lại sẽ tràn qua thân đập thành dòng chảy tự nhiên nên không ảnh hưởng đến dòng chảy. Điều đáng nói là, thông thường người ta phải đầu tư khoảng 25 tỷ đồng/1MW nhưng công trình này chỉ cần khoảng 3 tỷ đồng là ổn. Ngoài việc phát điện, công trình thủy điện ở xã Đăk Wer còn phục vụ cho mục đích thử nghiệm, tiến tới sản xuất tuabin thủy lực xanh để cung cấp cho các nhà máy thủy điện khác. Hiện đã có 3 DN trực tiếp đến tham quan công trình và đặt hàng mua tuabin thủy lực xanh công suất 2MW, lắp đặt dưới hạ du một nhà máy thủy điện khác để tận dụng nguồn nước.


Thúy Hằng