Thứ sáu, 01/11/2024 | 14:33 GMT+7

Mô hình tiết kiệm điện hiệu quả và tiềm năng ứng dụng tại Tp.HCM

21/11/2012

Việc ứng dụng mô hình Công ty dịch vụ năng lượng (Energy Service Company – ESCO) được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện.

Trong thời gian qua, Việt Nam và các nước trên thế giới rất quan tâm thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Tùy thuộc vào tình hình, điều kiện kinh tế xã hội mà mỗi quốc gia có những chương trình cụ thể và phù hợp, trong đó việc ứng dụng mô hình Công ty dịch vụ năng lượng (Energy Service Company – ESCO) được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện.

 e6f7bccf1_he_thong.jpg

Hệ thống đèn chiếu sáng dân lập tại Quận 3

ESCO là hình thức công ty dịch vụ năng lượng, chuyên cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện bao gồm thiết kế và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, bảo tồn năng lượng, cho thuê cơ sở hạ tầng năng lượng,...  ESCO sẽ thực hiện gói dịch vụ năng lượng bao gồm lập kế hoạch, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo trì, tối ưu hóa, đóng góp tài chính,… ESCO bảo đảm cho các chi phí đầu tư, kết quả tiết kiệm năng lượng và chịu rủi ro về thương mại để thực hiện giải pháp hiệu quả năng lượng và quản lý trong cả thời gian thực hiện dịch vụ.

ESCO thực hiện dịch vụ năng lượng với khách hàng thông qua Hợp đồng dịch vụ năng lượng. Đây là hợp đồng dịch vụ dưới dạng chìa khóa trao tay cung cấp cho khách hàng một cách toàn diện các giải pháp về hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo,… và thường được đi kèm với đảm bảo rằng chi phí năng lượng tiết kiệm được bởi dự án sẽ đủ để chi trả đầy đủ cho các chi phí của dự án.

Trong phạm vi bài viết này, tôi xin khái quát một số nội dung cơ bản về công ty dịch vụ năng lượng như sau: Trách nhiệm của ESCO trong hợp đồng này bao gồm: Xác định và khai thác tiềm năng tiết kiệm năng lượng; Thu về các khoản đầu tư thông qua phần chi phí năng lượng tiết kiệm được; Đảm bảo năng lượng sẽ được tiết kiệm trong thời gian thực hiện hợp đồng; Khách hàng sẽ được hưởng lợi từ việc hiện đại hóa hệ thống năng lượng của mình và được cung cấp năng lượng an toàn hơn mà không chịu rủi ro tài chính; Có 02 hình thức khác nhau để thực hiện hợp đồng dịch vụ năng lượng: Hợp đồng theo thời gian: ESCO được hưởng toàn bộ phần lợi ích do giảm chi phí năng lượng khi thực hiện đầu tư (phần cho phí giảm được).

Sau khi kết thúc hợp đồng (thời gian thực hiện hợp đồng tương đối ngắn) khách hàng sẽ được hưởng toàn bộ lợi ích trên; Hợp đồng theo thành phần tham gia: Khách hàng cùng tham gia vào việc thực hiện tiết kiệm năng lượng từ khi bắt đầu của hợp đồng. Tỉ lệ tham gia được quy định trong hợp đồng.

Để dễ hình dung về mô hình hoạt động của ESCO, ta có thể xem xét 1 ví dụ đơn giản như sau: ESCO đầu tư 1 hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời (NLMT) cho khách hàng với dung tích là 6.000 lít để thay thế cho hệ thống máy nước nóng dùng điện, ESCO sẽ thu hồi vốn đầu tư từ chi phí tiền điện tiết kiệm được khi sử dụng hệ thống nước nóng NLMT.

Chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống NLMT là 300 triệu đồng, trong khi tiền điện tiết kiệm được do không sử dụng hệ thống máy nước nóng dùng điện là 262,8 triệu đồng/năm (với dự kiến giá điện là 1.500 đ/kWh, thời gian sử dụng là 8 giờ/ngày) thì thời gian hoàn vốn của dự án là 14 tháng. Như vậy nếu hợp đồng dịch vụ năng lượng giữa khách hàng và ESCO có thời hạn 3 năm thì ESCO sẽ thu được lợi nhuận 488,4 triệu đồng (chưa tính đến lãi suất) từ dự án và từ năm thứ tư trở đi khách hàng sẽ được hưởng lợi từ dự án.

9809b31da_su_dung.jpg 

Sử dụng bình nước nóng NLMT quy mô công nghiệp

Trên thế giới, nhiều nước đã bắt đầu có những hoạt động đầu tư thực hiện dự án ESCO từ rất sớm (cách nay khoảng 20 năm) và quy mô đầu tư cho các dự án ESCO ngày càng tăng. Cụ thể như: tại Nhật Bản số tiền đầu tư vào các dự án ESCO là 353 triệu USD trong năm 2007, Hàn Quốc: 112 triệu USD (2008), Trung Quốc: 237 triệu USD (2006), Thái Lan: 87 triệu USD (2006), Mỹ: 3,6 tỷ USD (2006),… Hiện nay, ESCO là một mô hình doanh nghiệp phổ biến, đặc biệt là tại các nước công nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, mô hình kinh doanh hiệu quả này vẫn còn tương đối xa lạ với các doanh nghiệp Việt Nam mặc dù thị trường tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam hiện vô cùng rộng lớn và tiềm năng tiết kiệm năng lượng còn rất nhiều. Với việc Việt Nam ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29-3-2011, Nghị định số 73/2011/NĐ-CP ngày 24-8-2011,… thì cơ sở pháp lý trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở nước ta đang dần được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty dịch vụ năng lượng phát triển trong thời gian tới.

Bên cạnh hiệu quả về mặt kinh tế từ các dự án dịch vụ năng lượng do ESCO thực hiện, dự án còn mang lại các hiệu quả về môi trường, xã hội như giảm phát thải khí nhà kính vào môi trường, tạo cơ hội việc làm, đặc biệt nâng cao nhận thức của khách hàng tham gia dự án, từ đó nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. ESCO hoạt động trên tất cả các lĩnh vực năng lượng, tuy nhiên tiềm năng tiết kiệm điện tại Việt Nam là rất lớn nên mô hình ESCO sẽ đặc biệt hiệu quả đối với lĩnh vực điện.

Tại TPHCM, chúng ta có thể áp dụng mô hình ESCO đối với hệ thống chiếu sáng công cộng dân lập, các cơ quan hành chính sự nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, thậm chí tại các hộ gia đình. Cụ thể ở một số lĩnh vực như sau: Sử dụng bình nước nóng NLMT quy mô công nghiệp: Nhà cung cấp bình nước nóng NLMT phối hợp với ngành điện và các cơ quan quản lý nhà nước triển khai thí điểm đầu tư máy nước nóng NLMT cho khách hàng với quy mô công nghiệp theo mô hình ESCO. Từ đó tổ chức rút kinh nghiệm và đề xuất những chính sách hỗ trợ phù hợp từ các cơ quan có thẩm quyền để triển khai mô hình ESCO trong việc sử dụng bình nước nóng NLMT.

Hệ thống đèn chiếu sáng công cộng dân lập: Hệ thống đèn chiếu sáng công cộng dân lập do địa phương quản lý, công suất bóng đèn và vị trí lắp đặt là tự phát, được tính tiền điện bằng hình thức khoán hàng tháng (tiền điện = công suất bóng x thời gian sử dụng trong ngày x số ngày trong tháng x giá điện) nên rất bất cập trong công tác quản lý như: lắp đặt không an toàn, phức tạp về công suất và chủng loại bóng, tính toán lượng điện năng tiêu thụ mang tính tương đối,… Do đó, việc ứng dụng mô hình ESCO đối với hệ thống này là cần thiết, giảm áp lực về chi phí đầu tư cho địa phương. Theo đó các nhà cung cấp bóng đèn tiết kiệm điện, đèn LED sẽ phối hợp với địa phương để đầu tư cải tạo, thay thế dần hệ thống đèn chiếu sáng dân lập hiện hữu nhằm tiết kiệm điện và đảm bảo an toàn trong nhân dân.

Cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước: ESCO phối hợp với cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước thực hiện kiểm toán năng lượng và triển khai các giải pháp nhằm tiết kiệm năng lượng. Ứng dụng mô hình ESCO đối với các đơn vị này là đặc biệt phù hợp vì: Kinh phí hoạt động của các đơn vị này thường rất hạn hẹp và phụ thuộc vào kế hoạch vốn từ cấp trên nên khó chủ động thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Do đó, khi ứng dụng mô hình ESCO, các đơn vị này sẽ không quan tâm đến nguồn kinh phí đầu tư ban đầu quá lớn mà vẫn thực hiện được các giải pháp tiết kiệm năng lượng; Góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về tiết kiệm chi phí; Nâng cao hình ảnh và vai trò tiên phong trong việc thực hiện tiết kiệm điện của các đơn vị này.

Tóm lại, việc ứng dụng thí điểm mô hình ESCO sẽ là cơ hội để đánh giá hiệu quả, mức độ phản ứng và sự tham gia của khách hàng vào thị trường dịch vụ năng lượng, từ đó có sơ sở đề xuất đến cơ quan có thẩm quyền những cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển mô hình này. Mô hình ESCO là một giải pháp mới, làm phong phú thêm các giải pháp thực hiện tiết kiệm điện, từ đó góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác tiết kiệm điện ở nước ta.

Theo SGGP