Thứ sáu, 17/05/2024 | 08:23 GMT+7

Phát triển địa nhiệt: Tiềm năng nhiều, khai thác chậm

30/10/2011

Cùng với các nguồn năng lượng từ gió, mặt trời, sóng biển, thủy triều… địa nhiệt là nguồn năng lượng sạch đang được nhiều quốc gia quan tâm và là sự lựa chọn cho nguồn năng lượng thay thế trong tương lai.

Cùng với các nguồn năng lượng từ gió, mặt trời, sóng biển, thủy triều… địa nhiệt là nguồn năng lượng sạch đang được nhiều quốc gia quan tâm và là sự lựa chọn cho nguồn năng lượng thay thế trong tương lai.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 50 nước sử dụng địa nhiệt để sản xuất điện năng với tổng lượng điện trên chục ngàn MW, chiếm 0,3% lượng điện năng sản xuất toàn cầu và đang tăng bình quân 3%/năm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nguồn năng lượng tiềm tàng này gần như chưa được khai thác.

Nguồn năng lượng sạch và nhiều tiềm năng

Về mặt khoa học, trái đất có một hạt nhân giống như “hòn lửa” khổng lồ, nhiệt độ cực cao. Tùy từng độ sâu, từng tầng địa chất, sẽ có những nhiệt lượng tương ứng. Theo các chuyên gia địa chất, cứ xuống sâu 33m thì nhiệt độ trong lòng đất lại tăng 1 độ C. Ở độ sâu 60km, nhiệt độ có thể đạt tới 1.800 độ C. Hiện nay có hai phương pháp cơ bản để khai thác năng lượng địa nhiệt. Một là khoan thật sâu xuống lòng đất để lấy nhiệt lượng ở nhiệt độ cực cao, rồi dùng hơi nước để sản xuất điện. Hai là chỉ cần khoan sâu vài trăm mét để sử dụng trực tiếp nguồn nước nóng vừa phải làm năng lượng sưởi ấm. Công nghệ để khai thác nguồn năng lượng địa nhiệt không quá phức tạp. Muốn khai thác địa nhiệt ở vùng 200 độ C, người ta khoan các giếng sâu 3-5km, đưa nước xuống vùng này, nhiệt độ trong lòng đất sẽ làm nước sôi lên, hơi nước theo ống dẫn lên làm quay tuabin máy phát điện. Dòng nước nóng sẽ được tuần hoàn trong một chu trình khép kín và giúp cung cấp đủ năng lượng cho một nhà máy điện công suất tới hàng trăm MW. Ngoài ra, các nguồn địa nhiệt từ 80 – 200 độ C còn có thể dùng trực tiếp để sấy nông thủy sản, sưởi ấm cho các căn hộ, nhà máy. Nguồn địa nhiệt dưới 80 độ C có thể dùng để dưỡng bệnh, phục vụ du lịch.

6c116d78e_dia_nhiet.jpg

 Ngoài giá trị kinh tế, việc sản xuất điện địa nhiệt không tạo ra bất cứ chất thải nào và không gây ô nhiễm môi trường bởi vì nước được vận chuyển theo một vòng tròn khép kín, không có sự tiếp xúc nào với không khí. Mặt khác, nhà máy điện địa nhiệt có thể hoạt động liên tục suốt ngày đêm, không phụ thuộc vào yếu tố khí hậu như năng lượng mặt trời, gió hoặc sóng biển...


 Nguồn năng lượng địa nhiệt trong lòng đất vô cùng vô tận, bảo đảm cho nhà máy điện địa nhiệt hoạt động bền vững, lâu dài. Việc xây dựng nhà máy điện địa nhiệt tốn rất ít diện tích. Tính toán của các chuyên gia năng lượng Mỹ cho thấy, nếu sản xuất từ nguồn địa nhiệt dạng hơi nước nóng trên 250độ C sẽ có giá khoảng 2,1 cent/kWh với suất đầu tư 300 USD/kW, diện tích đất chiếm dụng 15 m2/kW. Nếu sản xuất điện từ nguồn nước nóng dưới 150 độC sẽ lên tới 5,1 cent/kWh, suất đầu tư 850 USD/kW và diện tích đất chiếm dụng 18,2 m2/kW.

Cần chính sách hợp lý

Việt Nam đã phát hiện được hàng trăm điểm nước khoáng, trong đó có hơn một nửa là suối nước nóng, tập trung chủ yếu ở vùng Tây Bắc và Nam Trung bộ. Có 72 nguồn nước có nhiệt độ khoảng 41-600C, 36 nguồn nước có nhiệt độ 61-1000C, còn lại là các nguồn nước có nhiệt độ 30-400C. Đặc điểm của các nguồn địa nhiệt ở Việt Nam là phân bố rải rác, phân tán nên khó xây dựng các nhà máy quy mô lớn. Tuy nhiên, việc phân bố nguồn địa nhiệt đều khắp lãnh thổ sẽ cho phép sử dụng rộng rãi ở nhiều địa phương. Ở những làng bản vùng sâu, nơi lưới điện quốc gia chưa vươn tới, có thể xây dựng những trạm phát điện công suất nhỏ từ địa nhiệt. Theo các nhà khoa học, Việt Nam có thể khai thác với quy mô nhỏ và phân tán theo 3 cách. Thứ nhất, khai thác ở nhiệt độ trên 100 độ C với hệ thống phát điện ORC, Kalina. Khai thác ở mức này có thể thực hiện trên khắp lãnh thổ Việt Nam, chỉ cần khoan sâu 2km xuống lòng đất là đã có thể có nguồn nhiệt phù hợp. Thứ hai, khai thác nước nóng địa nhiệt để quy hoạch xây dựng tổ hợp công viên, đô thị nước khoáng nóng - sinh thái phục vụ văn hóa, nghỉ dưỡng, du lịch đem lại lợi ích kinh tế xã hội, môi trường lớn. Thứ ba, khai thác bằng công nghệ bơm nhiệt đất (GSHP) để điều hòa không khí và tiết kiệm năng lượng đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Với những xu hướng này, nguồn địa nhiệt của Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng lớn nếu được đưa vào sử dụng.

Được biết, mới đây, Tập đoàn chuyên xây dựng các nhà máy điện địa nhiệt Ormat của Mỹ đã đến Việt Nam với mục đích đầu tư xây dựng 5 nhà máy điện địa nhiệt với tổng công suất dự kiến lên đến 150-200 MW. Khó khăn hiện nay là chưa thỏa thuận được giá mua điện với EVN do giá điện từ địa nhiệt cao hơn giá điện quy định hiện nay. Chính phủ cũng đã có định hướng xây dựng nhà máy điện địa nhiệt 20-25MW tại xã Cát Hiệp huyện Phù Cát (cách Quy Nhơn 35km về phía Bắc).

Đặc biệt, năm 2010, UBND tỉnh Quảng Trị đã chính thức cấp phép cho Công ty Cổ phần Phong Thủy Nhiệt điện SVA trực thuộc Tập đoàn Tài chính SVA đầu tư xây dựng Nhà máy điện Địa nhiệt tại Đakrông với công suất 25 MW. Đây là dự án hứa hẹn mang lại những ý nghĩa rất lớn trong việc cung cấp điện năng, góp phần phát triển kinh tế phục vụ đời sống của bà con huyện ĐaKrông nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung. Mặt khác, dự án sử dụng công nghệ khép kín nên về cơ bản loại trừ được khí thải, bụi và tiếng ồn. Đây sẽ là điều kiện tốt để góp phần cải thiện môi trường, thúc đẩy phát triển một số ngành công nghiệp, dịch vụ du lịch tại địa phương.

Vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay là mặc dù phát triển năng lượng địa nhiệt có ý nghĩa lớn đối với môi trường nhưng để đạt được kết quả tốt cần phải có cơ sở khoa học đầy đủ, đầu tư từng bước. Việc khai thác năng lượng địa nhiệt cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc do chi phí xây dựng nhà máy điện khá cao (tổng vốn xây dựng một nhà máy địa nhiệt gấp hơn 2 lần nhà máy nhiệt điện cùng công suất). Đặc biệt, kỹ thuật xử lý địa chất khá phức tạp để tìm kiếm đúng vùng tập trung địa nhiệt thì việc khai thác địa nhiệt mới hiệu quả. Trong khi đó, cơ chế hỗ trợ cho các nhà khoa học trong việc nghiên cứu nguồn năng lượng này còn ở mức thấp nên chưa khuyến khích được họ tham gia nghiên cứu. Đặc biệt, cần có cơ chế giá hợp lý hơn, đủ khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Nếu tận dụng khai thác tốt nguồn địa nhiệt sẽ góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước trong tương lai.

Theo icon.com.vn