Thứ ba, 21/05/2024 | 02:01 GMT+7

Gió, nguồn năng lượng không bao giờ cạn

01/11/2011

Từ cuối thập niên 1920, người Mỹ đã sử dụng những cối xay gió nhỏ để cung cấp điện cho những khu vực nông thôn.

Từ cuối thập niên 1920, người Mỹ đã sử dụng những cối xay gió nhỏ để cung cấp điện cho những khu vực nông thôn.

Trên góc độ môi trường: gió là một nguồn nguyên liệu sạch, không làm ô nhiễm không khí và nước khi tạo điện năng. Điện năng làm từ gió còn rất sạch, có khả năng giảm đáng kể lượng khí CO2 thải ra môi trường.

Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, đến thập niên 1930 cối xay gió được sử dụng ngày càng ít, và nay chỉ còn lại một số ít trong các trang trại ở miền Tây nước Mỹ. Đến những năm 1970, cuộc khủng hoảng dầu hỏa làm thay đổi bức tranh toàn cảnh năng lượng trên thế giới, tạo nên một thị trường mới mở ra cho các nguồn năng lượng thay thế, và những cối xay gió cơ học tạo điện năng từ gió đã trở lại. Cối xay gió cơ học ngày càng được xây dựng kỹ thuật hơn với những cánh quạt được chế tạo từ sợi thủy tinh hoặc những vật liệu có sức chịu đựng tốt.

Trước khi bước vào khai thác năng lượng gió, câu hỏi đầu tiên chính là: có thể lấy từ gió bao nhiêu năng lượng? Có hai cơ sở cơ bản để đánh giá: hiệu quả và công suất. Hiệu quả (tức năng lực hữu ích mà chúng ta có thể lấy được từ nguồn năng lượng): có thể chuyển từ 30 - 40% động lực của gió thành điện năng (để tiện so sánh: có thể chuyển hóa từ 30-35% hóa chất trong than đá thành điện năng). Công suất (phần điện năng máy có thể cung cấp được): một máy điện từ gió có công suất 100%, có thể hoạt động suốt ngày và lúc nào cũng đầy năng lượng, tỉ lệ ở than đá là 75% nếu như hoạt động cả ngày lẫn đêm và suốt năm.

a401bf75b_gio_dien.jpg

Mô hình cối xay gió cơ học tạo điện năng từ gió

Trước đây, một máy phát điện từ gió thông thường có thể sản xuất từ 1,5 - 4 triệu kWh điện mỗi năm, đủ để cung cấp điện cho 150 - 400 hộ mỗi năm. Ở Mỹ, các máy phát điện năng từ gió có thể cung cấp 10 tỷ kWh mỗi năm. Năng lượng gió đáp ứng được 0,1% nhu cầu năng lượng cho cả nước, một con số rất nhỏ.

10 năm trước, Mỹ còn là “vua” sử dụng năng lượng gió khi sản xuất đến 90% sản lượng điện từ gió của toàn thế giới. Đến năm 1996 sản lượng này giảm 30%. Thế nhưng gần đây, do chi phí đầu tư khai thác nguồn năng lượng từ gió bắt đầu giảm và kỹ thuật được cải tiến nên gió lại trở thành một trong những nguồn năng lượng mới tạo ra điện có sức cạnh tranh nhiều nhất trong một số khía cạnh.

 Nhìn trên phương diện kinh tế, năng lượng từ gió rất quyên rũ. Đầu tiên, gió là một tài nguyên dồi dào có sẵn trong tự nhiên và không có “biên giới”. Kế đến, xây dựng máy phát điện từ gió không tốn nhiều tiền bằng chi phí xây dựng máy phát điện từ những nguồn năng lượng khác. Máy phát điện từ gió có thể dễ dàng bổ sung máy phát điện thông thường khi nhu cầu dùng điện của người dân tăng lên. Mặt khác, chi phí sản xuất điện từ gió đã giảm đột ngột trong hai thập niên qua nhờ các kỹ thuật hạ thấp chi phí đầu tư.

 Một nghiên cứu mới của Bộ Năng lượng Mỹ vừa công bố cho biết trong năm 2003 ngành năng lượng có tốc độ phát triển nhanh nhất không phải nhiệt điện hay năng lượng nguyên tử, mà là gió. Bằng cớ là trong khoảng thời gian từ năm 2000 - 2003, năng lượng gió tăng trưởng 159% ở Mỹ và 87% ở châu Âu (Nguồn: dịch vụ đánh giá của Standard and Poor), qua mặt tất cả các nguồn năng lượng khác về tốc độ tăng trưởng.

Đan Mạch hiện đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất và sử dụng điện năng làm từ sức gió. Ngành công nghiệp điện năng từ gió của Đan Mạch tạo công ăn việc làm cho 20.000 người, sản xuất được 3.200 MW trong năm 2003 trên tổng số 8.300MW sản lượng điện từ gió của toàn cầu. Với dân số 5,4 triệu người, Đan Mạch cũng là nước dẫn đầu về tiêu thụ điện năng làm từ gió, với khoảng 21% tổng điện năng được làm từ gió, so với tỉ lệ bình quân trên toàn cầu là 0,5%, (AFP 15-8-2004).

 Sự chuyển biến về cơ cấu năng lượng cũng đang diễn ra đặc biệt nhanh chóng tại châu Âu, trong đó Anh là nước đi đầu. Trong năm qua, đã hoàn thành phần đấu thầu dự án xây dựng nhà máy năng lượng gió với 1.000 turbine gió dọc bờ biển, hi vọng sẽ thỏa mãn 10% nhu cầu năng lượng. Hoa Kỳ cũng hi vọng năng lượng gió sẽ là nhân tố chủ đạo trong việc chuyển đổi cơ cấu năng lượng nước Mỹ. Theo tính toán của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, chỉ cần phủ tuôcbin phủ trên 6% diện tích nước Mỹ thì sẽ đủ cho sản xuất lượng điện gấp rưỡi nhu cầu hiện tại của Hoa Kỳ.

 Nếu khai thác triệt để năng lượng gió, một nguồn năng lượng sạch, kinh tế, chúng ta sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng năng lượng ngày một gia tăng, trong khi các nguồn nhiên liệu dâu khí đang ngày càng hiếm.

Theo Tuổi trẻ