Thứ năm, 16/05/2024 | 11:18 GMT+7

Sử dụng điện còn lãng phí

20/06/2010

Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo “Truyền thông với việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào nhận định: Việc sử dụng năng lượng hiện nay, nhất là ở các cơ quan hành chính còn lãng phí. Đây là một trong những nguyên nhân gây thiếu hụt điện năng hiện nay.

Những ngày đầu tháng 6, ở nhiều địa phương vẫn bị cắt điện triền miên. Ông có thể cho biết mức thiếu điện hiện nay như thế nào ?

 

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), điện còn khó khăn cho đến khi có lũ tiểu mãn. Hiện mưa vẫn rất hạn chế, chỗ cần nước lại không mưa. Khu vực hồ Hoà Bình và Thác Bà mưa rất nhỏ, lượng nước về hồ Hoà Bình trong mấy ngày qua trung bình chỉ 1.200 m3/giây, trong khi mức đủ để phát điện cần 2.000 đến 3.000 m3/giây. Hiện ở hồ Hoà Bình, lượng nước chỉ cao hơn mực nước chết khoảng hơn 2 m. Chúng tôi hi vọng, khoảng sau 20/6 nguồn cung về điện sẽ đỡ khó khăn hơn.


 chieu sang 01.jpg


Báo cáo của EVN cũng cho biết, lượng điện thiếu khoảng 500 đến 1.000 MW. Trung bình mỗi ngày, chỉ phát khoảng 275 triệu kWh trong khi nhu cầu tiêu thụ điện vào những tháng mùa hè đã tăng lên từ 290 đến 295 triệu kWh. Nếu không tiết kiệm điện, chắc chắn phải tiết giảm. Bộ Công Thương đã có chỉ đạo việc điều tiết điện cần luân phiên, không được cắt liên tục. Đầu tiên là phải ưu tiên cho sản xuất, đặc biệt là hàng xuất khẩu, nhưng cũng phải cố gắng tới mức tối đa không cắt điện khu vực dân sinh vào buổi tối.

 

Ông đánh giá như thế nào về vấn đề sử dụng điện ở nước ta hiện nay? Nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng điện chưa tiết kiệm ?

 

Ý thức tiết kiệm năng lượng và sử dụng điện hiệu quả là chưa cao. Nguyên nhân không phải vì chúng ta không có luật, mà cái chính là do thói quen sử dụng và ý thức của người dân. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu có ý thức tiết kiệm, VN có thể tiết kiệm được 15% đến 35% tổng công suất điện hiện nay. Ở các nước trên thế giới, tăng trưởng 1% GDP thì điện cũng chỉ tăng 1%, còn VN đang tăng gấp đôi, GDP tăng khoảng 6% mà điện tăng tới 13 đến 14% một năm. Ngoài ra, giá điện của nước ta còn thấp nên chưa khuyến khích được các nhà  đầu tư. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới thiếu điện nghiêm trọng ở nước ta hiện nay.

 

Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy việc sử dụng điện hiện nay chưa tiết kiệm. Cả chiếu sáng vẫn sử dụng loại đèn sợi đốt và dùng điều hoà để ở nhiệt độ thấp. Ra vào không tắt đèn, không tắt điều hoà. Ở một số cơ quan, còn có tình trạng đi ăn trưa hàng tiếng đồng hồ mà vẫn không tắt đèn, không tắt điều hoà nên rất lãng phí điện. Phải chăng, do họ không phải trả tiền, “sử dụng của chùa” nên ý thức tiết kiệm không cao. Chúng tôi cho rằng, khi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được ban hành, sau các đợt kiểm tra, chúng tôi sẽ công bố công khai các cơ sở sử dụng điện không tiết kiệm, gây lãng phí.

 

Nếu làm tốt công tác tiết kiệm năng lượng, chúng ta có thể tiết kiệm được bao nhiêu điện ?

 

Hiện nay, lĩnh vực chiếu sáng chiếm khoảng 19 đến 23% tổng công suất tiêu thụ điện. Nếu tiết kiệm trong lĩnh vực chiếu sáng sẽ góp phần tiết kiệm nguồn điện cho đất nước. Lĩnh vực chiếu sáng hiện nay đã được ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tạo ra nhiều loại bóng đèn có hiệu suất cao, tiêu thụ điện năng thấp. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể sử dụng năng lượng mặt trời để chiếu sáng công cộng.

 

Chúng ta cần thấy rằng, việc tiết kiệm năng lượng điện, không chỉ với chiếu sáng đô thị, mà còn phải tiết kiệm với chiếu sáng trong căn hộ, toà nhà, cơ sở dịch vụ. Hiện nay, các cơ sở dịch vụ vẫn sử dụng lượng chiếu sáng nhiều, công suất lớn gây lãng phí. Nếu tiết kiệm điện và sử dụng hiệu quả năng lượng, theo tôi với công suất điện như hiện tại có thể thừa để cung ứng cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Chính vì thế, vấn đề đặt ra là làm sao sử dụng năng lượng một cách hiệu quả và tiết kiệm.

 

Điểm mới của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là đưa cả vấn đề truyền thông, thông tin - một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay để đưa vào trong luật. Bởi trên thực tế, với hộ gia đình, các cơ sở tư nhân, không thể bắt buộc các biện pháp tiết kiệm trong chiếu sáng. Do vậy, cơ quan có thẩm quyền chỉ có thể sử dụng hình thức tuyên truyền để người ta thấy lợi thì tự giác làm.

 

Còn đối với đơn vị sử dụng nguồn vốn ngân sách thì phải yêu cầu thực hiện thường xuyên, bắt buộc. trong đó, việc làm ngay là bắt buộc các đơn vị này phải thay đổi loại đèn tiết kiệm điện thay cho đèn sợi đốt, quy định điều hoà phải đặt ở 250 C. Hiện nay, ở nhiều đơn vị vẫn để nhiệt độ điều hòa ở mức 180 C. Mỗi 10C giảm được rất nhiều điện năng. Vì thế, Khi Luật này được ban hành, nó vừa có chế độ khuyến khích, vừa có tính bắt buộc trong việc sử dụng năng lượng điện. Các đơn vị tiêu thụ năng lượng lớn hàng năm sẽ phải có kiểm toán và có giải pháp để tiết kiệm năng lượng điện.

 

Xin cảm ơn ông.

 

Xuân Nguyễn