Thứ ba, 21/05/2024 | 02:49 GMT+7

Tiết kiệm để giảm cúp điện

25/02/2011

Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tăng giá bán điện 15,32% kể từ ngày 1-3-2011. Như vậy, mức tăng này thấp hơn rất nhiều so với 3 phương án đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công Thương (30,3%; 26,3% và 18%), do Thủ tướng Chính phủ đã tính kỹ đến lợi ích của cả ngành điện và người tiêu dùng.

Thiếu điện là điệp khúc diễn ra nhiều năm nay ở nước ta. Để khắc phục tình trạng này cần hai giải pháp chính: Tăng sản lượng điện và thực hành tiết kiệm điện. Vẫn biết việc tăng giá bán điện vào thời điểm này là thực sự cần thiết để bù lỗ và tăng vốn đầu tư cho ngành điện nhằm khắc phục tình trạng thiếu điện. Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng giá điện để thêm vốn đầu tư cho sản xuất điện, cả nước phải cùng với ngành điện quyết liệt triển khai các biện pháp thực hành tiết kiệm điện thì tình trạng thiếu điện mới nhanh chóng được khắc phục. Đồng thời, nếu tiết kiệm điện hiệu quả thì sẽ hạn chế việc tăng giá điện tiếp theo.


200211dung4218005715.jpg


Hệ thống truyền tải xuống cấp, chằng chịt gây thất thoát điện rất lớn


Nói tiết kiệm điện thì dễ, nhưng thực hiện không hề đơn giản. Thực tế thời gian qua cho thấy, mặc dù Nhà nước đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm điện; ngành điện và các phương tiện truyền thông thường xuyên cảnh báo, nhắc nhở người dân và các tổ chức, doanh nghiệp thực hành tiết kiệm điện, nhưng việc tiết kiệm điện chưa được như mong muốn. Không ít tổ chức, cá nhân sử dụng điện vô cùng lãng phí, đến khi thiếu điện, bị cắt điện thì lại kêu trời, đổ lỗi cho ngành điện.


Thiết nghĩ, có 4 nguyên nhân cơ bản khiến việc tiết kiệm điện chưa đạt hiệu quả cao, đó là công tác tuyên truyền chưa đủ sức làm chuyển biến nhận thức của mọi người; người dân và doanh nghiệp chưa được tiếp cận nhiều thông tin về các loại thiết bị tiết kiệm điện; không có khả năng mua những thiết bị này và chưa biết cách sử dụng sao cho ít hao tổn điện năng nhất; bên cạnh đó, chế tài xử lý những nơi để xảy ra lãng phí điện cũng chưa đủ mạnh...


200211dung43180100625.jpg

 

Đèn cao áp trên nhiều tuyến quốc lộ bố trí dày đặc, thắp sáng suốt đêm. Nếu giảm ½ số đèn và bật - tắt hợp lý thì mỗi năm sẽ tiết kiệm nhiều tỷ đồng tiền điện


Được biết, thời gian qua đã có nhiều đơn vị, cá nhân tiết kiệm điện rất hiệu quả. Điển hình như Công ty Cổ phần Dệt may Thành Công ở Hà Nội nhờ đầu tư hệ thống làm mát bằng quạt thông gió thay cho hệ thống điều hóa máy lạnh; lắp biến tần cho động cơ bơm nước; sử dụng thiết bị chiếu sáng cục bộ là loại đèn 7W... mà mỗi năm tiết kiệm được hơn 1,6 tỷ đồng tiền điện trong khi sản xuất vẫn tăng trưởng 10%; Công ty Kính nổi Viglacera cũng tiết kiệm được hơn 1 tỷ đồng/năm nhờ áp dụng các giải pháp như trên. Nhiều hộ gia đình nhờ sử dụng bóng đèn com-pắc thay cho đèn sợi đốt, sử dụng các thiết bị điện hợp lý mà giảm chi phí tiền điện từ 20 đến 40%.


Theo tính toán của các chuyên gia ngành điện, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức và hộ gia đình ở nước ta đều có thể tiết kiệm điện từ 20% trở lên. Như vậy, khả năng tiết kiệm điện của nước ta là rất lớn và nếu tiết kiệm được 20% lượng tiêu thụ điện năng thì nguy cơ thiếu điện cũng đã cơ bản được khắc phục.


Đề nghị ngành điện cần quyết liệt triển khai ngay những biện pháp thực hành tiết kiệm điện. Bên cạnh việc phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền cho mọi người hiểu rõ lợi ích của việc tiết kiệm điện; đội ngũ nhân viên ngành điện cần đến từng gia đình, cơ quan, doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động; hướng dẫn người tiêu dùng mua và sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện; xử lý nghiêm những nơi lãng phí điện; rà soát cải tạo hệ thống truyền tải điện để hạn chế thấp nhất hao hụt…


Và cùng với nỗ lực của ngành điện, mỗi cơ quan, doanh nghiệp và người dân cần nhận thức rõ: Thực hành tiết kiệm điện là một nét văn hóa, vừa mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho gia đình mình, đồng thời thể hiện trách nhiệm với cộng đồng trong việc góp phần hạn chế tình trạng thiếu điện, giảm nguy cơ tăng giá điện.


Theo báo QDND