Thứ sáu, 25/10/2024 | 10:29 GMT+7

Thúc đẩy phát triển công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

25/10/2024

Trong những năm gần đây, việc phát triển các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, thân thiện với môi trường đã bước đầu đem lại hiệu quả và đang trở thành xu hướng tất yếu trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam.

Xây dựng là ngành tiêu thụ năng lượng rất lớn. Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay vấn đề tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong ngành xây dựng luôn được chú trọng trong các giai đoạn, từ quy hoạch, thiết kế, thẩm định đến thi công, hoàn thiện và đưa công trình vào vận hành sử dụng. 

Nhiều chính sách về TKNL trong xây dựng

Khung pháp lý, chính sách quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ) được thể hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành trong hơn 10 năm qua. Luật SDNL TK&HQ (Luật số 50/2010/QH12) được Quốc hội thông qua năm 2010 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật là khung pháp lý căn bản đưa ra các yêu cầu quy định để quản lý, thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực trong đó có ngành xây dựng.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 ban hành theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris của Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra các mục tiêu và giải pháp thực hiện việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng, phát triển các công trình xanh, khu đô thị xanh nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm nhẹ các tác động đến biến đổi khí hậu.
Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14) và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng cũng đưa ra các quy định về khuyến khích, thúc đẩy phát triển các công trình, khu đô thị sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Chương trình quốc gia về SDNL TK&HQ giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/03/2019 đã đưa ra mục tiêu: Đến năm 2025, cả nước có 80 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh (CTX); Đến năm 2030 có 150 công trình được chứng nhận CTX.
Đặc biệt, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng đưa ra các chủ trương, định hướng lớn của Bộ Chính trị trong việc phát triển ngành năng lượng Việt Nam, bao gồm cả việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trên cơ sở các văn bản pháp lý và chính sách nêu trên, cùng với việc ban hành, triển khai thực hiện các quy định của QCVN 09:2017/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quyết định số 1677/QĐ-BXD ngày 30/12/2020 phê duyệt Kế hoạch triển khai các nội dung, nhiệm vụ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn từ năm 2020-2030 thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng tập trung vào 03 lĩnh vực chính: công trình xây dựng dân dụng, cơ sở sản xuất ngành xây dựng và chiếu sáng công cộng.

Phát triển mạnh Công trình xanh

Theo ghi nhận của các tổ chức cấp chứng nhận CTX tại Việt Nam như Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (với chứng chỉ CTX LOTUS), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC, thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới, với chứng chỉ CTX EDGE)  tính đến hết tháng 9/2024, Việt Nam có 514 CTX, tương đương hơn 12 triệu m2 sàn đạt chứng nhận xanh. Như vậy, số lượng công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện nay đã đạt hơn gấp 3 lần so với mục tiêu đến năm 2030 phát triển 150 CTX mà Chương trình VNEEP3 đặt ra.
Tòa nhà Capital Place đạt hai chứng chỉ gồm LEED Platinum cho vận hành, bảo trì và LEED Gold cho thiết kế, xây dựng. (Ảnh: Báo Dân trí)
So với số lượng CTX được ghi nhận vào cùng kỳ năm 2023, Việt Nam đã phát triển tăng gần 200 CTX trong vòng 1 năm, với đa dạng loại hình công trình, từ nhà ở, văn phòng, trụ sở, trường học đến bệnh viện, nhà xưởng, nhà máy, khu công nghiệp.
Lý giải về sự phát triển CTX đột phá này, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết: Thứ nhất là do hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển CTX đang có sự chuyển biến tích cực; Thứ hai là, hàng năm Bộ Công Thương xét Giải thưởng hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng, qua đó nhận thức của các chủ thể công trình xây dựng về SDNL TK&HQ được nâng lên thực chất. 
Bộ Công Thương đã phát động "Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng năm 2024". Giải thưởng nhằm tôn vinh giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, sáng tạo và tiêu biểu trong công trình xây dựng, qua đó tạo hiệu ứng về mặt xã hội, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, định hướng tiêu dùng xanh và phát triển bền vững của đất nước.
Thời gian nhận hồ sơ tham gia giải thưởng đến hết ngày 30/11/2024. Dự kiến sẽ tổ chức công bố và trao giải tháng 12 năm 2024.
Thông tin chi tiết hướng dẫn doanh nghiệp nộp hồ sơ tham sự giải thưởng TẠI ĐÂY.
CTX tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng CTX tại Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Chi phí đầu tư ban đầu cho các dự án xây dựng xanh thường cao hơn so với các công trình thông thường khiến nhiều doanh nghiệp do dự.
Ngoài ra, sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng về công nghệ xây dựng xanh cũng là một vấn đề lớn cần giải quyết. Bên cạnh đó, việc nâng cấp và cải tạo các công trình cũ theo tiêu chuẩn xanh đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ từ nhiều phía, bao gồm cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng.
Trong tương lai, với sự hỗ trợ từ các chính sách Chính phủ, Bộ Xây dựng và sự hợp tác của các bên liên quan, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục phát huy tiềm năng to lớn trong lĩnh vực CTX.

Những công trình Tiết kiệm năng lượng

Xây dựng công trình, tòa nhà xanh, tiết kiệm năng lượng đang là xu hướng phát triển mà ngành xây dựng hướng tới. Việt Nam đang ngày càng có nhiều công trình thiết kế thông minh, thân thiện môi trường, tiết kiệm điện năng.
Trung tâm kỹ thuật Viettel Hòa Lạc của Công ty TNHH Viettel - CHT (Viettel IDC) ưu tiên việc ứng dụng các công nghệ mới, sử dụng thiết bị có hiệu suất năng lượng cao.
Toà nhà Trung tâm Dữ liệu Viettel Hòa Lạc thuộc sở hữu của Công ty TNHH Viettel - CHT (Viettel IDC) đi vào hoạt động trong năm 2023. Ông Nguyễn Đình Tuấn - Trưởng phòng kỹ thuật Viettel IDC cho biết, ngay từ giai đoạn thiết kế Viettel IDC luôn ưu tiên việc ứng dụng các công nghệ mới, sử dụng thiết bị có hiệu suất năng lượng cao.
Tất cả các thiết bị được đầu tư cho dự án như: hệ thống máy phát điện, tủ điện phân phối, UPS, hệ thống làm mát chiller… đều là các thiết bị có công nghệ mới nhất của các hãng lớn trên thế giới, đạt hiệu suất cao có khả năng nâng cấp, mở rộng đáp ứng các nhu cầu trong tương lai. 
Phòng máy chủ được thiết kế sử dụng sàn nâng thổi gió lạnh âm sàn, kết hợp với việc quy hoạch hành lang nóng lạnh, sử dụng lồng ngăn cho hành lang lạnh và các tấm blanking panel để ngăn chặn khí nóng trộn lẫn với khí lạnh. Theo Viettel IDC, đây là sự kết hợp giải pháp hiệu quả nhất để tiết kiệm cho trung tâm dữ liệu (TTDL).
Hệ thống làm mát cho TTDL sử dụng hệ thống chiller giải nhiệt nước với các công nghệ tiên tiến và hiệu suất cao thay thế cho hệ thống điều hoà chính xác giải nhiệt. Giải pháp ước tính tiết kiệm khoảng 30-35% chi phí điện năng tiêu thụ hằng năm.
Ngoài ra, TTDL cũng sử dụng các thiết bị hiệu suất cao như: UPS hiệu suất cao Ecoconversion giúp tiết kiệm khoảng 2% so với UPS thường (tính tại điểm thường sử dụng của UPS là 50%); Hệ thống chiếu sáng đèn Led cho toàn phòng máy; Các thiết bị như Server, Storage và Network hiệu suất cao và tiết kiệm năng lượng kết hợp với các giải pháp áo hoá, điện toán đám mây để nâng cao hiệu suất sử dụng thiết bị.
Trung tâm Dữ liệu Viettel Hòa Lạc sử dụng hệ thống làm mát chiller công nghệ mới nhất của các hãng lớn trên thế giới.
Song song với các giải pháp kỹ thuật, thiết bị tối ưu nhất thì quá trình vận hành khai thác để tiết kiệm năng lượng cũng được chú trọng. Cụ thể, Viettel IDC đã áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2018. Việc áp dụng hệ thống quản lý năng lượng này giúp đưa ra các cách thức đo đạc đánh giá, giám sát để có các biện pháp tối ưu, nâng cao hiệu suất sử dụng, thực hiện bảo trì, bảo dưỡng thiết bị định kỳ, thường xuyên để đảm bảo tình trạng hoạt động, hiệu suất thiết bị ở mức tốt nhất.
"Việc áp dụng đồng bộ các giải pháp giúp tổng mức tiết kiệm năng lượng của tòa nhà Trung tâm Dữ liệu Viettel Hòa Lạc có thể đạt 35,8% so với các TTDL đã đưa vào sử dụng trước đó là TTTDL Viettel IDC N4(2009) và N6 (2016) Hoàng Hoa Thám-TP.Hồ Chí Minh và TTDL Bình Dương", ông Tuấn cho biết.
Tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Quân y 175 cũng là công trình điển hình trong SDNL TK&HQ.
Toà nhà Viện Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Quân y 175 cũng là công trình điển hình trong SDNL TK&HQ. Để tính toán năng lượng, giám sát hệ thống điện trong toàn toà nhà, Viện Chấn thương chỉnh hình đã sử dụng phần mềm quản lý điện năng PMS của Siemens. Hệ thống điều hoà không khí sử dụng biến tần, điều khiển theo tải thực tế; có hệ thống HRU để thu hồi và tái sử dụng lại một phần luồng không khí lạnh nhằm tiết kiệm năng lượng. Toàn bộ hệ thống vận hành MEP đều có phần mềm BMS giám sát và điều khiển bật tắt từ xa, cài đặt lịch sử dụng khi thấp điểm, không sử dụng.
Toà nhà Viện Chấn thương chỉnh hình còn sử dụng hệ thống điểu khiển tự động IBS. IBS (Intelligent Building System) là hệ thống tích hợp (SI) các hệ thống chính như hệ thống tự động tòa nhà (BA), thông tin liên lạc (TC), tự động hóa văn phòng (OA)... một cách chặt chẽ và nối kết với môi trường, hạ tầng xung quanh. Qua đó áp dụng chương trình tiết kiệm năng lượng cho các thiết bị bệnh viện và hệ thống cấu tạo theo mô đun dễ bảo dưỡng và mở rộng.
Đặc biệt, bệnh viện đầu tư hệ thống quản lý tiện ích (FMS) và hệ thống tích hợp tiện ích để nâng cao và thúc đẩy hiệu qủa quản lý bằng các phản ứng nhanh chóng khi tai nạn xảy ra và giảm tiêu hao năng lượng bằng vận hành liên động giữa các hệ thống. 
Những ví dụ trên cho thấy nỗ lực không ngừng của các chủ thể công trình xây dựng trong việc tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, và thúc đẩy phát triển bền vững trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam.

Mai Anh