Thứ sáu, 27/12/2024 | 03:31 GMT+7

Chính sách năng lượng tái tạo: Nên đầu tư trọng điểm

19/03/2014

Tiềm năng khai thác năng lượng tái tạo (NLTT) của Việt Nam khá đa dạng, gồm có gió, mặt trời, thủy điện, địa nhiệt, sinh khối, khí sinh học, nhiên liệu sinh học và năng lượng thủy triều.

Tiềm năng khai thác năng lượng tái tạo (NLTT) của Việt Nam khá đa dạng, gồm có gió, mặt trời, thủy điện, địa nhiệt, sinh khối, khí sinh học, nhiên liệu sinh học và năng lượng thủy triều. Nhiều năm nghiên cứu và khai thác nhưng NLTT mới ở dạng sơ khai, tự phát. Để phát triển nhanh và bền vững NLTT, sự quyết định của Chính phủ trong định hướng ngành năng lượng có vai trò quyết định.

Cần một định hướng mới

Trên thế giới, động lực phát triển NLTT là do các cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 và 1979-1980, sau đó là các yếu tố môi trường, an ninh năng lượng, đa dạng hóa nguồn năng lượng. Đối với Việt Nam, việc phát triển NLTT là rất cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo việc làm...

Việc sử dụng NLTT chủ yếu phục vụ cho đun nấu, cấp nước nóng và điện thắp sáng đã có từ rất lâu.Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ NLTT để phát điện và nhiên liệu trong giao thông mới được triển khai trong thời gian gần đây. Sự cải tiến công nghệ, vật liệu, giảm giá thành kết hợp với chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của NLTT. Mặc dù năng lượng tái tạo (trừ thủy điện) là một phần nhỏ của tổng năng lượng cung cấp trên toàn thế giới và cả ở Việt Nam.

1940fe680_dien_gio_2.jpg

Điện gió Bạc Liêu vừa xây dựng vừa phát điện

Trong vòng 10 năm (2000-2010), các dự án sản xuất điện từ NLTT đã tăng gấp đôi chiếm khoảng 3,5% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thì rất nhiều các nhà máy thủy điện nhỏ và cực nhỏ không hoạt động, còn các nhà máy điện sinh khối hoạt động cầm chừng hoặc theo thời vụ. Không kể thủy điện nhỏ thì năm 2010 công suất lắp đặt của điện NLTT là khoảng 790MW, chủ yếu là từ sinh khối, gió và mặt trời. Tốc độ tăng trưởng trong ngành điện sinh khối làm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu nguồn. Tổng công suất lắp đặt của điện sinh khối là 150MW và hiện đã có một số nhà máy bán điện lên lưới và có kế hoạch mở rộng.

Theo nghiên cứu của OECD (Organization for Economic Co-operation and Development - Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), cán cân cung - cầu năng lượng của Việt Nam, đang có sự mất cân bằng. Trong khi nhu cầu về năng lượng có tỷ lệ tương đương các nước APEC là khoảng gần 40% cho công nghiệp, 27% giao thông vận tải, còn lại 25% cho sinh hoạt tiêu dùng. Tương ứng, 70% nguồn cung từ nhiệt điện, 13% thủy điện, 12% là điện nguyên tử. Việt Nam thì lại khác, 37% dành cho thủy điện, trong khi năng lượng tái tạo chưa quá 4-5%. Hơn thế nữa, OECD còn đưa ra đánh giá mức độ sử dụng năng lượng của Việt Nam thiếu hiệu quả, cao hơn Nhật Bản gấp 2 lần, cao hơn Thái Lan 1,4-1,5 lần trên một đơn vị GDP được tạo ra.

Mặt khác, cấu trúc thị trường năng lượng Việt Nam đang tồn tại những nút thắt cổ chai. Việc triển khai chậm chạp của thị trường điện cạnh tranh, cùng với bộ máy quản lý ngành điện cồng kềnh sẽ rất khó để Việt Nam có hệ thống điện thông minh, thị trường cạnh tranh lành mạnh. Một vấn đề nữa, nhu cầu tiêu thụ quá lớn, trong khi giá vẫn là cuộc tranh cãi không có hồi kết, cộng với năng lực sáng tạo trong ngành năng lượng chưa cao, dù đã có tiến bộ lớn. Theo tính toán của OECD, ngành năng lượng Việt Nam, nếu tiếp tục con đường truyền thống thì lượng phát thải vào năm 2030, sẽ tăng 5,5 lần so với hiện nay. Ngược lại nếu chúng ta thay đổi định hướng phát triển trọng điểm vào NLTT, áp dụng một chiến lược năng lượng mới, khí thải vào năm 2030 có thể giảm so với hiện nay là 45% và tất nhiên hiệu quả của sử dụng năng lượng cũng tăng tương ứng.

Điển hình là việc ban hành quyết định trợ giá cho điện gió trong năm 2008 đã phần nào đẩy mạnh việc phát triển ngành NLTT. Dự kiến đến năm 2020 năng lượng gió và sinh khối sẽ chiếm đến 4,5% và 6% vào năm 2030. Đến nay dự án lớn nhất về năng lượng gió mới chỉ là dự án điện gió Bạc Liêu với tổng công suất lên đến 99,2MW. Về nhiên liệu sinh học, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt sản lượng hằng năm 100 nghìn tấn xăng E5 và 50 nghìn tấn B5 vào năm 2010 tương đương với 0,4% tổng nhu cầu xăng dầu dự kiến của cả nước; 1,8 triệu tấn xăng ethanol và dầu thực vật hay 5% nhu cầu xăng dầu vào năm 2025.

Có thể thấy, hiện trạng của ngành năng lượng Việt Nam vẫn chưa hề có dấu hiệu khởi sắc mạnh mẽ như mong muốn. Muốn ngành năng lượng phát triển ổn định cần nhanh chóng cân bằng cung cầu. Trong đó việc đầu tiên là phải dỡ bỏ lập tức các rào cản đối với sự phát triển của NLTT.

Tránh đầu tư dàn trải

Hiện tại, Việt Nam chưa có cơ chế hỗ trợ phát triển NLTT một cách tổng thể, ngoài cơ chế hỗ trợ giá riêng cho cho điện gió được thông qua năm 2011. Để áp dụng các cơ chế chính sách hợp lý và chính xác, việc đầu tiên cần xác định các rào cản chính đang hạn chế sự phát triển NLTT. Đó là chi phí sản xuất, chính sách và tổ chức hỗ trợ phát triển NLTT, thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch và hoạch định chính sách, công nghệ và dịch vụ phụ trợ cho NLTT và khả năng tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án NLTT.

Các nghiên cứu trong dự án tổng sơ đồ phát triển NLTT của Viện Năng lượng cho thấy chi phí sản xuất điện từ NLTT là thủy điện nhỏ 300-1.000 đồng/kWh, gió 1.200-1.800 đồng/kWh, sinh khối 700-1.600 đồng/kWh, địa nhiệt 1.100-1.600 đồng/kWh, khí từ rác thải 700-800 đồng/kWh nhưng đốt rác thải sẽ có chi phí gấp đôi là 1.600-1.800 đồng/kWh, cao nhất là pin mặt trời 3.600-6.000 đồng/kWh. Với giá mua điện trung bình khoảng 1.000 đồng/kWh thì rõ ràng việc đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng và phát triển năng lượng tái tạo là khá phiêu lưu và không hề hấp dẫn các nhà đầu tư. Hiện nay chỉ có thủy điện, gió, sinh khối và địa nhiệt là chi phí sản xuất tương đối cạnh tranh. Nhiều công nghệ mới đang được thử nghiệm cho thấy mặt trời và nhiên liệu sinh học đã và sẽ sớm có tính cạnh tranh kinh tế với các nhiên liệu hóa thạch và có thể đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng của Việt Nam.

Để phát triển NLTT, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam cho biết: “Để khai thác nguồn NLTT dồi dào của Việt Nam, bắt buộc phải phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, công nghệ và giá thành sản xuất. Do đó để thúc đẩy phát triển NLTT, Viện Năng lượng Việt Nam đã đề xuất Chính phủ các chính sách hỗ trợ như cơ chế hạn ngạch, cơ chế giá cố định, cơ chế đấu thầu và cơ chế cấp chứng chỉ. Mặt khác, để hỗ trợ các dự án NLTT nhỏ và độc lập (không nối lưới), các nghiên cứu trên cũng cho thấy một “cơ chế cấp tín dụng trực tiếp cho người tiêu dùng” là thích hợp trong điều kiện của Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng bất cứ cơ chế nào cũng nên áp dụng bổ sung các chế tài hoặc các cơ chế hỗ trợ khác để phát huy hiệu quả tối đa sự hỗ trợ phát triển NLTT”.

Theo nghiên cứu và đánh giá sơ bộ về tiềm năng phát triển NLTT tới 2050 của Viện Năng lượng, dự báo khả năng phát triển NLTT có thể lớn hơn đặc biệt là năng lượng gió, địa nhiệt và nhiên liệu sinh khối. Nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý, Việt Nam có thể khai thác 3-5 ngàn MW công suất với sản lượng hơn 10 tỉ kWh điện từ NLTT vào năm 2025. Chúng ta đang thiếu vốn, kinh nghiệm và công nghệ nên cần tập trung hợp tác đầu tư một số NLTT trọng điểm như gió, sinh khối, nhiên liệu sinh học. Đây là những nguồn NLTT chúng ta có lợi thế, tiềm năng vô cùng lớn và có khả năng khai thác ngay lập tức chứ không nên đầu tư dàn trải, chờ đợi sự hỗ trợ của nước ngoài. Điều đó sẽ dẫn đến sự trì trệ của cả hệ thống năng lượng quốc gia.

Theo PetroTimes