Thứ ba, 15/10/2024 | 20:39 GMT+7

Từ rác thành đèn chiếu sáng

20/04/2011

Lấy lại nguồn năng lượng đã qua sử dụng, bảo vệ môi trường và tạo ra các sản phẩm có ích cho đời sống là ý nghĩa của đề tài tái sử dụng pin điện thoại di động. Đây là nghiên cứu khoa học của nhóm AFour gồm 5 thành viên lớp 11A4 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM).

Lấy lại nguồn năng lượng đã qua sử dụng, bảo vệ môi trường và tạo ra các sản phẩm có ích cho đời sống là ý nghĩa của đề tài tái sử dụng pin điện thoại di động - giải ba hội thi khoa học và quốc tế do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức.

Đèn pin.jpg

Đèn pin của nhóm thiết kế


Đây là nghiên cứu khoa học của nhóm AFour gồm 5 thành viên lớp 11A4 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM).


Trên cơ sở kiến thức môn Vật lý lớp 11, các thành viên đo được năng lượng tích trữ trong pin điện thoại di động bị chai, bị phù. Từ trưởng nhóm Phạm Trung Hiếu chịu trách nhiệm kỹ thuật, những thông số về sản phẩm đèn pin tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường từ loại rác thải trên đã nhận được sự đồng tình của 4 thành viên còn lại.



Sau khi tìm được nguyên vật liệu như: pin điện thoại, rắc cắm điện, đèn Led, bo mạch… ngay lập tức, mỗi người bắt tay vào một việc, Nguyễn Công Thế Bảo, soạn ngay nội dung đề án, thiết kế bản vẽ, các bo mạch. Còn Lưu Ly Kỳ Ngộ làm vỏ bọc, Vũ Thành Đạt và Nguyễn Nhật Quang hoàn thiện sản phẩm. 


Về quy trình thực hiện, Trung Hiếu cho biết: “6 đèn Led (5mAh) nhỏ gọn, bền, hiệu suất phát sáng cao được mắc song song với nhau tạo thành cụm đèn rồi mắc nối tiếp qua một điện trở và nối về nguồn pin”. Tuy nhiên, với chức năng là đèn pin nên trong cấu tạo sản phẩm phải có công tắc tắt - mở. Để thực hiện được tính năng này thì công tắc 3 chấu phù hợp nhất vì nó có thể gạt sang bên trái để mở công tắc cho đèn sáng và ngắt sạc pin, còn khi gạt sang phải để sạc pin thì đèn sẽ tắt.


Nhật Quang cho biết khi ráp công tắc vào đèn pin, tránh điện áp sạc vào pin quá lớn vì hiện nay sạc pin điện thoại ngoài thị trường đều từ 5V trở lên. Cùng lúc đó, Kỳ Ngộ có trách nhiệm thiết kế vỏ bọc nhỏ gọn, đẹp mắt cho đèn pin AFour để các bộ phận cùng ráp lại với nhau. Cả nhóm đều đồng tình vì vỏ bọc không chỉ bảo vệ được các bo mạch, thuận tiện cho thao tác sử dụng mà còn đảm bảo tính thẩm mỹ.


Khi hoàn thành đèn pin AFour, nhóm đã nghĩ ngay đến việc triển khai ứng dụng này để chế tạo ra các sản phẩm thông dụng khác như: đèn học để bàn, móc chìa khóa, đèn cho bánh trước xe đạp, nguồn cho quạt bỏ túi thường xuyên được học sinh sử dụng… 


Thế Bảo tiết lộ: “Chúng em sẽ phải tập thao tác kỹ thuật nhiều hơn nữa để dễ dàng thực hiện và triển khai các sản phẩm tiếp theo, như khi hàn chì phải làm sao để các mối hàn gọn, đẹp, không lem ra ngoài gây hiện tượng chập mạch. Ngoài ra, khi gắn các bóng đèn phải điều chỉnh cho thẳng hàng, mà điều này cần sự kiên nhẫn và chính xác”.


Theo Thanh niên Online