Thứ bảy, 23/11/2024 | 00:04 GMT+7
Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của Croatia là rất lớn, song vẫn chưa được khai thác, hoặc ít nhất là với các nguồn năng lượng mặt trời, gió hay địa nhiệt. Tuy nhiên, tình hình này sẽ thay đổi trong vài năm tới đây.
Ông Nikola Ruzinski vụ trưởng Bộ bảo vệ môi trường giải thích:
“Nhờ các trạm thủy điện, chúng tôi hiện đang sản xuất 40% năng lượng từ nguồn tái
tạo. Chúng tôi đang ngày càng lo lắng vì tình trạng sử dụng điện hiện nay bởi
chúng tôi đã phải mua khoảng 30% điện năng của mình”.
Các doanh nghiệp tư nhân, mà chủ yếu là các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài đang ngày càng quan tâm tới các nguồn tái tạo mới, đặt biệt là điện gió.
Nhà máy điện từ tuabin gió đầu tiên tại Croatia của công ty Adria Wind Power đã được xây dựng trên đảo Pag (thuộc vùng Ravna) vào năm 2004 với công suất 5.9550 kW.
Vùng ven biển, đặc biệt là khu vực Sibenik đã chứng kiến những bước tiến lớn nhất trong sự phát triển điện gió. Có thể kể tới hai nhà máy mới do công ty Enersys (Đức) đầu tư xây dựng tại Sibenik. Nhà máy đầu tiên được xây dựng vào năm 2006 tại các vùng đồi Trtar-Krtolin, nhà máy thứ hai đã được xây dựng tại đồi Orlice năm ngoái.
100 địa điểm trên khắp Croatia, chủ yếu thuộc vùng ven biển Dalmatia cũng được sử dụng cho mục đích trên.
Trái với nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời hiện vẫn chưa được khai thác mặc dù nó có tiềm năng lớn.
Theo các số liệu của Zdeslav Matic thuộc Viện Năng lượng Hrvoje Pozar, các thiết bị thu ánh sáng mặt trời tại Croatia chiếm khoảng 15 nghìn m2. Người ta ước tính rằng tổng công suất điện của các thiết bị này là khoảng 52 kilowatt.
Phát biểu với tờ SETimes, ông Vjeran Pirsic, chủ tịch Hiệp hội Eko Kvarner nói: “Việc khai thác năng lượng mặt trời tại Croatia vẫn chưa được hỗ trợ một cách có hệ thống, và đang chỉ phụ thuộc vào những người thực sự quan tâm”.
Theo ông, hàng loạt các cuộc vận động hành lang cho vấn đề năng lượng, bao gồm cả những người ủng hộ điện gió, đang ngăn chặn sự phát triển của nguồn năng lượng mặt trời tái tạo. “Trên thực tế, toàn bộ hạn ngạch về năng lượng tái tạo đều dành cho điện gió, và điều này sẽ chẳng làm được gì. So với điện mặt trời, điện gió đã là một lựa chọn tồi, đặc biệt là ở vùng phía Nam”.
Bộ kinh tế hiện đang có khoảng 700 đơn đăng kí thực hiện các dự án phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Kết quả của việc hoàn thành các dự án này sẽ là gần 650 MW điện, tuy nhiên, hệ thống phân phối hiện nay mới chỉ đáp ứng được một phần công suất này.
Cơ sở hạ tầng năng lượng lạc hậu và cơ chế quan liêu, chậm chạp mới chỉ là một vài trong số các rào cản đối với sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo tại nước này.
Ông Sirsic nói: “Nếu ai đó muốn đặt các thiết bị mặt trời trên nóc nhà mình thì phải cần có trên 60 chứng nhận và giấy phép khác nhau, thậm chí, một trong số chúng là chứng nhận tư cách đạo đức tốt”.
Mặc dù khó khăn, song ông Djuro Popijac, Bộ trưởng Bộ kinh tế vẫn lạc quan. “Croatia đang tiêu thụ khoảng 18 Terrawatt giờ điện mỗi năm. Tới năm 2020, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ cung cấp thêm khoảng hơn 3.5 Terrwatt điện cho Croatia”.
Đầu tư cho năng lượng tái tạo là hoạt động quan trọng đối với tương lai của Croatia tại EU. Để có thể đáp ứng được yêu cầu năng lượng rất khắc khe của EU, nước này đã phải cam kết tới năm 2020 sẽ sản xuất và tiêu thụ ít nhất 20% nhu cầu năng lượng từ nguồn tái tạo.
Lê My (theo setimes.com)