Chủ nhật, 03/11/2024 | 03:18 GMT+7
Hầm biogas xử lý chất thải gia súc (trâu, bò, lợn…) để tạo khí sinh học, làm nhiên liệu cho bếp gas, chiếu sáng…. Các loại hầm KT1, KT2 đã được ứng dụng rộng rãi với trên 50000 công trình trên toàn quốc.
Có 3 loại hầm KT1, KT2, KT31 do Trung tâm công nghệ khí sinh học phát triển. Bảng sau đây đưa ra các so sánh cơ bản giữa các kiểu hầm. Nói chung nên áp dụng KT1. Khi đào sâu gặp khó khăn do gặp nước ngầm hoặc đá tảng thì nên áp dụng KT2.
Khi xây dựng hầm biogas cần lưu ý các vấn đề sau:
Chọn địa điểm xây hầm: Cách xa nơi đất trũng để tránh bị nước ngập, xa hồ, ao để tránh nước ngầm, thuận tiện khi thi công và giữ cho công trình bền vững lâu dài;
Gần nơi cung cấp nguyên liệu nạp để đỡ tốn công sức vận chuyển nguyên liệu. Nếu kết hợp thiết bị khí sinh học với nhà xí thì cần nối thẳng nhà xí với bể phân hủy để phân chảy thẳng vào bể phân hủy đảm bảo yêu cầu vệ sinh;
Đặt ở nơi có nhiều nắng, kín gió để giữ nhiệt, thuận lợi cho quá trình sinh khí.
Nạp liệu ban đầu:
Với nguyên liệu là chất thải vật nuôi: lượng nguyên liệu nạp là 300 - 500 kg cho 1 m3 thể tích phân hủy. Một thiết bị có thể tích phân hủy 3 m3, cần lượng chất thải vật nuôi nạp đầy ban đầu là: M = (300 - 500) × 3 = 900 - 1500 kg;
Tuyệt đối không dùng phân của những con vật bị ốm được tiêm hoặc uống kháng sinh;
Với nguyên liệu là thực vật: lượng nguyên liệu nạp cho 1 m3 phân hủy: cây sống dưới nước: 400 - 450 kg; rơm rạ khô: 120 - 150 kg. Mùa hè, thời gian ủ 10 - 15 ngày. Mùa đông, thời gian ủ có thể kéo dài tới 1 tháng;
Pha loãng và hòa trộn nguyên liệu: tỷ lệ pha loãng là 1 - 2 lít nước cho 1 kg chất thải (phân + nước tiểu) động vật, 3 - 4 lít nước cho 1 kg phân nguyên, tuỳ thuộc vào mức độ nguyên liệu loãng hay đặc;
Đưa khí vào sử dụng: ban đầu thành phần metan thấp nên khí chưa cháy được. Cần xả hết vài ba lần. Sau đó châm thử ở bếp. Nếu khí bắt cháy là có thể sử dụng được. Cần lưu ý phòng cháy nổ! Không được châm lửa vào đầu ống dẫn khí để thử vì có nguy cơ gây nổ;
Nếu dùng phân lợn hoặc phân trâu bò và thời tiết nắng nóng thì vài chục giờ sau, thậm chí chỉ vài giờ sau, khí đã cháy được. Dùng nguyên liệu khác hoặc thời tiết rét lạnh, thời gian này dài hơn, có thể tới hàng tuần hoặc hơn nữa;
Nạp liệu hàng ngày:
Sau khi nạp nguyên liệu ban đầu 15 - 20 ngày, cần nạp nguyên liệu bổ sung và lấy nguyên liệu đã phân hủy đi. Lượng dịch phân hủy lấy đi bằng lượng bổ sung vào;
Lượng chất thải vật nuôi tối đa nạp cho 1 m3 phân hủy
Nếu nguyên liệu là thực vật: Nên nạp từng mẻ như nạp ban đầu nêu trên. Nếu nạp hàng ngày phối hợp với chất thải vật nuôi thì lượng nạp bằng 1/3 hoặc 1/4 lượng chất thải vật nuôi.
Các tạp chất và chất độc cần tránh:
Không cho các tạp chất sau đây vào bể phân hủy:
- Đất, cát, gỗ, thân cành già vì chúng tạo váng và bã cặn;
- Dầu mỡ, xà phòng, thuốc tẩy, thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu, thuốc sát trùng, phân và nước tiểu của động vật ốm có dùng kháng sinh.
Bảo dưỡng thiết bị khí sinh học:
Định kỳ lấy bỏ váng và lắng cặn. Khi váng hình thành quá dày, làm giảm sản lượng khí, cần được lấy bỏ đi. Tốt nhất việc lấy bỏ váng và lắng cặn nên làm định kỳ mỗi năm một lần vào trước mùa đông để chuẩn bị cho thiết bị hoạt động thuận lợi trong mùa đông.
Những đường ống bằng chất dẻo mềm thường có những chỗ võng và nước sẽ đọng lại ở đây. Vì vậy phải dốc ống để nước xả đi vài ngày một lần.
Đề phòng cháy nổ:
Khí sinh học có thể nổ khi được trộn lẫn với không khí ở tỷ lệ 6 - 25%. Vì vậy khi thiết bị mới hoạt động, trong bộ phận chứa khí còn không khí, tuyệt đối không thử xem khí cháy được chưa bằng cách châm lửa trực tiếp vào đầu ống dẫn khí;
Khi ngửi thấy mùi hôi của KSH chứng tỏ có KSH trong không khí, cần tuyệt đối cấm lửa;
Khi châm bếp và đèn, cần đưa lửa tới gần mặt đốt rồi mới mở van khí. Nếu ngược lại hỗn hợp KSH và không khí được tạo ra trước có thể bùng cháy khi gặp lửa.
Minh Trang