Thứ sáu, 22/11/2024 | 23:46 GMT+7
Hiện phụ tải công nghiệp xây dựng đang chiếm khoảng 60% mới sử dụng đo đếm theo giờ thấp và cao điểm; còn lại phụ tải sinh hoạt là 40% hiện chưa áp dụng giá điện vào giờ cao điểm.
Muốn vậy, theo Giáo sư Trần Đình Long, phải thay toàn bộ công tơ cơ bằng công tơ điện tử, điện khí hóa toàn bộ khâu đo đếm trong kinh doanh điện. Đây là việc cấp bách.
Cùng một điện năng sử dụng như nhau nhưng nếu sử dụng tập trung vào một số giờ cao điểm thì phải trả giá điện cao do gây quá tải. Cùng với đó là cơ chế thưởng phạt trong sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, giảm tổn thất ở các công ty điện lực.
Công nhân Công ty Điện lực Bắc Ninh kiểm tra thiết bị, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện phân phối. Mai Phương/BNEWS/TTXVN
Về Lộ trình thay thế công tơ điện tử trên địa bàn cả nước hiện nay, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, Tập đoàn phải cần 22.000 tỷ đồng để thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử trong 5 năm tới mà không gây áp lực lên giá điện, do vậy phải có lộ trình thay thế dần. Trên cơ sở đó, sẽ phân phối về các Tổng công ty điện lực.
“Giải pháp liên quan đến quy hoạch nguồn và lưới truyền tải cũng cần hợp lý, “cung” phải gần với “cầu” và cân bằng năng lượng theo vùng, tránh truyền tải công suất lớn đi xa. Đồng thời xác định lộ trình đầu tư theo kịp nhu cầu phát triển phụ tải”, Giáo sư Trần Đình Long đề xuất.
Về phía EVN, Tập đoàn này đã duy trì Ban chỉ đạo giảm tổn thất điện năng của đơn vị; trong đó quy định người đứng đầu làm trưởng ban chỉ đạo để nâng cao hiệu quả điều hành, gắn kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tổn thất điện năng với đánh giá hoàn thành chức trách của người đứng đầu đơn vị.
Đồng thời hoàn thiện và thực hiện nghiêm quy chế gắn việc hoàn thành chỉ tiêu tổn thất điện năng với lương, thưởng và đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, tập thể.
Ông Lê Việt Hùng, Phó ban Kỹ thuật sản xuất (EVN) cho biết, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, các Điều độ hệ thống điện miền, Điều độ các Công ty điện lực tỉnh, thành phố thường xuyên cập nhật thông tin nguồn, lưới, phụ tải để thực hiện phương thức vận hành tối ưu giảm tổn thất điện năng.
Trong đó, bố trí hợp lý huy động nguồn, kết lưới, đảm bảo chất lượng điện áp; phối hợp lịch sửa chữa, thí nghiệm định kỳ, hạn chế tối đa cắt điện nhằm vận hành hiệu quả hệ thống điện.
Cùng với việc không để vận hành quá tải máy biến áp, dây dẫn và thiết bị lưới điện, các đơn vị vận hành cũng từng bước sửa chữa, củng cố lưới điện đáp ứng mức nâng tải hợp lý; thay thế dần các thiết bị cũ kém chất lượng đã vận hành lâu năm có tổn thất tăng cao, có nguy cơ sự cố.
Các đơn vị vận hành còn tăng cường kiểm tra, tuyên truyền bảo vệ hành lang lưới điện, công trình điện, tăng cường các biện pháp kỹ thuật, bảo vệ để ngăn ngừa sự cố do sét, sự cố trạm biến áp nhằm đảm bảo vận hành an toàn. Mặt khác, khoanh vùng tổn thất để phát hiện những bất hợp lý và có biện pháp thực hiện phù hợp, kịp thời với từng khu vực.
Bên cạnh đó, các Tổng công ty điện lực/Công ty điện lực áp dụng các biện pháp quản lý kinh doanh trong công tác chống trộm cắp điện như nâng cao trình độ và trách nhiệm của công nhân ghi chỉ số công tơ khi phát hiện công tơ bị xâm hại, theo dõi sản lượng điện của khách hàng, đánh giá tổn thất khu vực…
Đối với giải pháp đầu tư, mục tiêu của EVN là đảm bảo tiến độ các dự án nguồn và lưới theo quy hoạch nhằm đảm bảo vận hành an toàn, đáp ứng yêu cầu cung cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội và dân sinh, đồng thời góp phần quan trọng giảm tổn thất điện năng.
Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, EVN sẽ đầu tư 24 tổ máy thuộc 13 dự án nguồn điện với tổng công suất gần 7.000 MW. Việc đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện giúp cân bằng sản lượng, công suất các miền để giảm truyền tải xa làm tăng tổn thất điện năng.
EVN cũng tập trung đầu tư các công trình nâng cao năng lực hệ thống truyền tải. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN
Về lưới điện, EVN cũng tập trung đầu tư các công trình nâng cao năng lực hệ thống truyền tải, đấu nối và giải tỏa công suất nguồn điện; tiếp tục dẫn sâu điện áp cao vào trung tâm phụ tải; phát triển vành đai lưới điện ở cấp điện áp 500kV, 220kV khu vực hai thành phố là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế trọng điểm.
Đồng thời, củng cố lưới điện đáp ứng tiêu chí N-1 cho lưới điện từ 110-500kV. Mặt khác, lựa chọn dây dẫn, máy biến áp đảm bảo mức mang tải của các đường dây không quá 50%, trạm biến áp không quá 70% so với công suất định mức.
Cùng với đó, lưu ý kiểm tra chất lượng cáp, dây dẫn điện, tổn hao máy biến áp là các yếu tố tác động trực tiếp đến tổn thất điện năng.
Hiện lưới điện phân phối đang tồn tại nhiều cấp điện áp như 6, 10, 15kV sẽ được các đơn vị tiếp tục cải tạo, nâng cấp lên điện áp 22kV để nâng cao khả năng cung cấp điện, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới điện trung áp.
Công ty Điện lực Bắc Ninh là một trong những đơn vị của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNSPC) thực hiện có hiệu quả công tác giảm tổn thất điện năng trong nhiều năm qua.
Riêng 7 tháng qua, Công ty đã giảm tổn thất xuống mức 6,05%, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tổn thất lưới điện hạ áp là 7,3%, giảm 0,39% và tổn thất lưới điện trung áp là 4,3%, giảm 0,04% so với cùng kỳ.
Có được kết quả này, theo ông Vũ Anh Tài, Phó Giám đốc Công ty, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp như xây dựng phương thức kết dây cơ bản trên lưới điện trung thế sau các trạm biến áp 110kV, đảm bảo tổn thất điện năng thấp nhất, đồng thời thao tác linh hoạt trong điều hành xử lý sự cố.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Công ty đã đóng điện và san tải được 79 trạm biến áp, đến cuối năm đóng điện thêm 14 trạm còn lại theo kế hoạch để chống quá tải lưới điện; hoán đổi và nâng công suất được 105 máy biến áp; cân pha, san tải 145 trạm biến áp, cuối năm thực hiện 200 trạm biến áp nữa. Các trạm biến áp sau khi cân pha, tỷ lệ tổn thất đã giảm từ 0,3-1%.
Hay như công ty đã sử dụng chương trình PSS/ADEPT để tính toán dung lượng, vị trí lắp tụ bù tối ưu, trên cơ sở đó lập phương án thực hiện. Qua theo dõi đánh giá việc lắp đặt tụ bù hạ thế đã làm giảm khoảng 0,7-1% tổn thất điện năng so với trước khi lắp tụ. Các đường dây và trạm biến áp có tổn thất biến động đều được Công ty phân tích nguyên nhân và tìm biện pháp giải quyết.
Cùng với đó, một trong những giải pháp được Công ty Điện lực Bắc Ninh áp dụng có hiệu quả, góp phần giúp giảm tổn thất điện năng là định kỳ thay công tơ hàng năm đến hạn kiểm định luôn đạt và vượt kế hoạch EVNNPC giao; phát hiện và xử lý kịp thời 456 hệ thống đo đếm điện hỏng, làm việc không chính xác, truy thu hơn 25.800 kWh với khách hàng theo quy định.
7 tháng qua, Công ty đã thay thế 42.937 công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử có chức năng đo xa tại khu vực thị xã Từ Sơn và thành phố Bắc Ninh. Trong năm nay, Công ty sẽ thay tiếp 15.000 công tơ điện tử đo xa tại các huyện trong tỉnh. Các công tơ đo xa được theo dõi thường xuyên qua chương trình quản lý như MRIS, AMIONE, HHM.
Mặt khác, Công ty Điện lực Bắc Ninh còn tăng cường kiểm tra chống trộm cắp điện. Phó Giám đốc Vũ Anh Tài cho biết, từ đầu năm đến nay, Công ty đã kiểm tra gần 76.600 lượt khách hàng, lập hơn 24.800 biên bản; trong đó, phát hiện 19 khách hàng trộm cắp điện, phạt bồi thường 38.953 kWh với số tiền hơn 112,9 triệu đồng.
Ngoài ra, Công ty còn thực hiện tốt công tác đầu tư để giảm tổn thất điện năng, xây dựng thêm 12 xuất tuyến trung áp sau các tram biến áp 110kV với chiều dài gần 57km, cấy thêm 127 trạm biến áp phân phối để san tải cho các trạm hiện hữu.
Đồng thời xóa được 2 trạm biến áp trung gian, nâng cấp điện áp cho 27 km đường dây từ 10kV lên 22kV. Kết quả cho thấy, tổn thất trung bình các đường dây 10kV sau khi nâng điện áp lên 22kV đã giảm được khoảng 1%.
“Như vậy, với việc tiếp tục triển khai các giải pháp này, năm nay, chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng về mức 4,1%, giảm 0,32% so với mức thực hiện năm 2015 và giảm 0,1% so với kế hoạch Tổng công ty giao, chắc chắn Công ty Điện lực Bắc Ninh sẽ đạt được”, Phó Giám đốc Công ty Vũ Anh Tài khẳng định.
Theo bnews.vn