Thứ bảy, 20/04/2024 | 18:58 GMT+7

Làm điện gió theo công nghệ trực thăng

27/03/2013

“Công nghệ điện gió mới mô phỏng theo sản xuất cánh quạt trực thăng sẽ khiến công suất điện tăng cao, giá thành hạ xuống”.

“Công nghệ điện gió mới mô phỏng theo sản xuất cánh quạt trực thăng sẽ khiến công suất điện tăng cao, giá thành hạ xuống”.

0c8b3134c_623285.jpg

Cánh quạt điện gió mô phỏng theo công nghệ trực thăng 

Ông Bùi Quang Hùng, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng điện lực VN (EVNIC), đã cho biết như vậy tại hội nghị về điện gió mới đây ở Ninh Thuận.

Công nghệ mới

Ông Bùi Quang Hùng thông tin khoảng tháng 6-2013, công ty của ông sẽ khởi công ba trụ điện gió đầu tiên tại xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Ông Hùng nói dự án điện gió này chắc chắn sẽ không phải bù lỗ vì áp dụng công nghệ mới lần đầu tiên trên thế giới được các chuyên gia của Nga phối hợp với VN thực hiện.

“Về mặt công nghệ, đó không phải là tuôcbin ba cánh mà là tuôcbin hai tầng, đồng trục, 10 cánh, mỗi tầng năm cánh và xoay ngược chiều nhau. Ý tưởng này xuất phát từ những ý tưởng trước đây làm những trực thăng tăng lực cho quân đội Nga. Khi sử dụng hai tầng cánh xoay ngược chiều nhau thì hiệu quả của những cánh quạt nâng lên rất cao và khống chế được những nhược điểm hiện nay của những tuôcbin ba cánh. Tức hiệu suất sử dụng năng lượng gió của những tuôcbin ba cánh chỉ trên dưới 0,3. Còn hiệu quả sử dụng năng lượng gió của những tuôcbin 10 cánh này có thể đạt 0,6-0,8 (trên lý thuyết là 0,8)” - ông Hùng giải thích.

Tuy nhiên, ông Hùng cho biết những tuôcbin này hiện nay chưa ra đời. Hiện các chuyên gia của Nga kết hợp với một số doanh nghiệp ở TP.HCM như Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn... đã thành lập Công ty cổ phần Năng lượng mới Việt Nga. Công ty này đang sản xuất thử nghiệm ba trụ tuôcbin, mỗi trụ tuôcbin 1MW, dự kiến hoàn thành và đưa ra lắp đặt tại Ninh Thuận vào tháng 11-2013.

Ông Đỗ Hữu Nghị - phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết mới có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM và thống nhất toàn bộ tuôcbin mới sản xuất thử nghiệm này đều ưu tiên đặt tại Ninh Thuận. Sau khi dự án thành công sẽ chuyển giao cho EVNIC vận hành, khai thác và phía chuyên gia người Nga sẽ chỉ đảm nhận chuyên về sản xuất thiết bị.

Tạo đột phá

EVNIC đưa ra tính toán cùng một công suất lắp đặt, sản lượng của công nghệ mới tăng gấp 2,2-2,5 lần so với công nghệ cũ. Như vậy công nghệ mới sẽ làm cho doanh thu tăng lên, giá thành sản xuất thấp xuống. “Với giá bán 7,8 cent/kWh theo quy định hiện nay thì doanh nghiệp không thể thu hồi vốn, nhưng với công nghệ mới này có thể thu hồi vốn sau 7-8 năm” - ông Hùng khẳng định.

Cũng theo EVNIC, theo điều kiện gió như ở khu vực xã Công Hải một trụ tuôcbin theo công nghệ mới sẽ phát 4,5-4,6 triệu kWh/năm, trong khi công nghệ cũ chỉ 2-2,2 triệu kWh/năm. Như vậy theo tính toán của ông Hùng, cuối năm 2013 hoặc đầu năm 2014, ba trụ gió theo công nghệ mới sẽ chính thức phát điện vào lưới điện quốc gia, với tổng công suất khoảng 13 triệu kWh/năm.

Ông Nguyễn Thanh Hoan, giám đốc Sở Công thương Ninh Thuận, nhìn nhận các dự án điện gió ở Ninh Thuận đã được cấp phép nhiều năm nay, có dự án đã ba lần điều chỉnh quy mô, nhiều lần xin gia hạn nhưng không có dự án nào khởi công xây dựng. Nguyên nhân đầu tiên là do khả năng tài chính của các doanh nghiệp không đáp ứng. Nếu công nghệ mới hoạt động đúng như tính toán thì hiệu quả đạt được rất cao. “Với công nghệ điện gió mới này, chúng tôi đang hi vọng Ninh Thuận sẽ có những trang trại điện gió có lãi đầu tiên ở VN. Chúng tôi mong muốn tạo sự đột phá cho điện gió VN” - ông Hoan hi vọng.

PGS.TS PHAN MINH TÂN (giám đốc Sở KH-CN TP.HCM):

Phải chờ thực tế đánh giá

TP.HCM đang chuyển giao công nghệ tuôcbin điện gió từ Nga. So với công nghệ cũ mỗi tuôcbin có ba cánh quạt thì công nghệ mới có điểm khác biệt là gồm hai lớp rotor, mỗi lớp có năm cánh quạt quay ngược chiều nhau. Cấu tạo đặc biệt này làm hiệu suất phát điện cao hơn 2,5 lần so với công nghệ hiện nay và đạt công suất tối đa 10m/giây trong khi công nghệ ba cánh quạt chỉ đạt 16m/giây, do vậy nên với giá thành 7,8 cent/kWh thì thời gian thu hồi vốn sẽ giảm rất nhiều.

Dự án thử nghiệm sản xuất ba tuôcbin gió công suất 1MW theo công nghệ mới đang được triển khai tại Ninh Thuận do Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Điện lực TP.HCM thực hiện với các chuyên gia Nga. Tổng dự toán gần 150 tỉ đồng. Dự án được triển khai trong năm 2013 và nếu tốc độ tốt sẽ kết thúc vào cuối năm 2014. Nếu thuận lợi, phía Nga sẽ chuyển giao toàn bộ công nghệ để sản xuất tại VN. VN sẽ là nhà sản xuất đầu tiên công nghệ mới này và tương lai sẽ xuất khẩu đi các nước. Đã có nhiều hội thảo được tổ chức để giới thiệu về công nghệ mới này, tuy nhiên phải có thực tế mới đánh giá được, hiện nay dự án mới chỉ ở giai đoạn phê duyệt.

Theo Tuổi Trẻ