Thứ bảy, 23/11/2024 | 05:42 GMT+7
Mới đây, tại Hội nghị trao giải công trình đoạt giải thưởng
sáng tạo khoa học công nghệ Việt nam và giải thưởng WIPO năm 2010, đề tài thuộc
lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và năng lượng mới của PGS,TS Võ Chí Chính và cộng
sự, Khoa Công nghệ Nhiệt điện lạnh - Trường đại học Bách khoa - Ðại học
Ðà Nẵng đã nhận được giải nhì bởi ưu điểm nổi bật là biến đổi trực
tiếp năng lượng thác nước và dòng chảy thành cơ năng chạy các máy
lạnh, giúp giảm giá thành đá thành phẩm xuống chỉ còn 35% so với
chạy điện.
Mô hình hệ thốngsản xuất nước đá từ sức nước
Công trình mang tên “Nghiên cứu sử dụng năng lượng thác nước và dòng chảy để chạy máy lạnh sản xuất đá phục vụ đời sống” Hệ thống này rất thích hợp ở các vùng sâu, vùng xa để ứng dụng sản xuất đá, bảo quản thuốc và rau quả thực phẩm.
Theo đánh giá của các chuyên gia và ban giám khảo, ưu điểm nổi bật của công
trình là biến đổi trực tiếp năng lượng thác nước và dòng chảy thành cơ
năng chạy các máy lạnh, tạo ra được công suất làm lạnh lớn, có thể triển khai ở
quy mô công nghiệp. Mặt khác do đây là nguồn năng lượng tái tạo có sẵn
cho nên việc sử dụng chúng sẽ làm giảm giá thành đá thành phẩm xuống chỉ còn
35% so với chạy bằng điện. Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu, tác giả đã có
những đề xuất sáng tạo khác như: chế tạo loại guồng nước đơn giản, hiệu suất
cao, phù hợp để dẫn động máy nén, tính toán và lựa chọn hệ thống truyền động
và tỷ số truyền hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả biến đổi năng lượng.
Sơ đồ hệ thống thiết bị thử nghiệm
Hệ thống lạnh chạy bằng sức nước về nguyên lý và cấu tạo rất đơn giản, rẻ tiền, có chi phí đầu tư và vận hành thấp hơn hẳn, nhưng hiệu quả làm lạnh cao, công suất lớn. Hệ thống này rất thích hợp ở các vùng đồi núi, vùng sâu, vùng xa và có thể là các khu du lịch ở các vùng miền núi. Các thác nước và dòng chảy thường nằm ở các vùng cao, vùng xa, v.v... những nơi chưa có nguồn điện lưới, vì vậy đề tài góp phần nâng cao cuộc sống tại những vùng này.
Hệ thống bao gồm một guồng nước nhận năng lượng từ thác cao
hoặc dòng nước chảy dưới suối, quay và dẫn động một máy nén lạnh. Máy nén lạnh
hoạt động đẩy môi chất lên thiết bị ngưng tụ.
Hệ thống làm lạnh trên có thể sản xuất 200kg đá mỗi ngày. Nếu muốn tăng công suất
cho máy chỉ cần tăng lưu lượng nước và kích thước của guồng quay nhằm tăng công
suất máy nén và đẩy nhanh quá trình làm lạnh. Đầu tư cho hệ thống làm lạnh này
khoảng 12 triệu đồng. Để giảm chi phí lắp đặt ban đầu, guồng nước có thể được
thay thế bằng các vật liệu rẻ như gỗ, tre, nứa..
PGS,TS Võ Chí Chính cho biết, ông và các cộng sự đã tiến
hành chạy thử nghiệm hệ thống tại Lăng Cô. Nguồn nước sử dụng là nước mà bà con
thường sử dụng để rửa xe ven đường, dưới chân đèo Hải Vân với lưu lượng nước đo
được là 4 kg/s và độ cao từ nơi lấy nước xuống so với mặt đất là 25m, khối lượng
nước cần làm lạnh trong bể là: 10, 20 và 30 kg. Nhiệt độ nước ban đầu là 32oC.
Trên cơ sở chạy thử nhiều lần, chúng tôi có bảng số liệu thay đổi nhiệt độ nước.
Kết quả chạy thử cho thấy tốc độ làm lạnh khá nhanh, nhiệt độ nước giảm từ 32oC xuống 0oC lần lượt là 16, 32 và 40 phút. Như vậy, chưa đầy 1 tiếng đồng hồ nước trong bể đã đóng băng. Nếu sử dụng để làm đá với kích cỡ nhỏ thì trong vòng khoảng 1,5 giờ là đã có thể có đá
Hiện tại, hệ thống làm lạnh này đang được người dân tại khu vực Lăng Cô và đèo
Hải Vân rất ưa chuộng. Nếu đi vào ứng dụng, đề tài sẽ giúp việc tận dụng nguồn
năng lượng tự nhiên của các thác nước, các dòng chảy vốn có rất nhiều ở Việt
Nam để làm quay các máy nén để phát lạnh sinh đá và phục vụ các mục đích làm lạnh
khác.
Minh Sơn