Thứ bảy, 18/05/2024 | 14:35 GMT+7

Sử dụng khí sinh học: hướng đi mới cho bài toán năng lượng tại Việt nam

23/12/2007

Để thoát khỏi nhóm các nước nghèo vào năm 2010 và phấn đấu trở thành một nước Công nghiệp phát triển vào năm 2020, nền kinh tế nước ta cần duy trì một tốc độ tăng tưởng nhanh khoảng 8%/năm, đảm bảo nhu cầu năng lượng đáp ứng tăng trưởng kinh tế là vấn đề vô cùng quan trọng trong Chiến lược phát triển năng lượng của nước ta.

Hiện tại, tổng tiêu thụ năng lượng của Việt nam năm 2005 khoảng 21,8 triệu TOE, tốc độ tăng tiêu thụ bình quân giai đoạn 1991-2005 khoảng 11,6%/ năm. Cơ cấu tiêu thụ năng lượng cuối cùng theo các dạng năng lượng năm 2005, các sản phẩm dầu chiếm tỷ trọng cao nhất 52,1%, tiếp đến là than 27.2%, điện 17,7% và khí thiên nhiên chiếm 3%. Trong đó, phần lớn các sản phẩm dầu đều được nhập khẩu đang bị ảnh hưởng của việc giá dầu thô liên tục giao động, có thời điểm đã tăng lên gần 100 đô la Mỹ một thùng và đang gây tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế xã hội.

Việc xúc tiến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong các lĩnh vực kinh tế là con đường hiệu quả nhất để giảm nhẹ các tác động do giá dầu tăng cao, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững.

Xây dựng và thực hiện một số dự án kỹ thuật công nghệ nhằm sử dụng hợp lý và hiệu quả các dạng nhiên liệu, nhiệt, điện và khí sinh học… là một trong các nội dung được đề xuất trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2015 được Chính phủ phê duyệt ngày14/4/2006.

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, công nghệ khí sinh học đã vào Việt nam và trong những năm gần đây công nghệ này đã phát triển ở hầu hết các tỉnh hành trong cả nước nhưng chủ yếu ở quy mô gia đình.

Kết quả ứng dụng cho các gia đình đã chứng tỏ khí sinh học là nguồn năng lượng tái tạo rất giá trị, nó thay thế cho các nguồn năng lượng truyền thống trong đun nấu, thắp sáng một cách hiệu quả và an toàn. Ngoài ra nó còn mang lại nhiều lợi ích về vệ sinh, môi trường, lợi ích về kinh tế, xã hội cho cá nhân từng hộ gia đình cũng như toàn xã hội.

Kết quả ứng dụng ban đầu ở một số trang trại chăn nuôi và cơ sở công nghiệp như nhà máy Bia Đông Nam Á, nhà máy Cồn Lam Sơn, bãi rác Gò Cát đã cho thấy thu hồi KSH để phát điện sẽ góp phần tiết kiệm điện năng đáng kể, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của cơ sở và còn có thể cung cấp cho lưới điện quốc gia đang trong tình trạng thiếu hụt. Thêm vào đó, KSH còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính…

Với ý nghĩa thiết thực của việc ứng dụng KSH, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã cho triển khai thí điểm dự án phát triển công nghệ KSH quy mô công nghiệp. Trong thời gian gần đây, nhiều cuộc hội thảo đã diễn ra nhằm tìm hướng phát triển hợp lý cho KSH, nhiều mô hình thí điểm đã được triển khai và bước đầu cho thấy kết quả khả quan.  Với sự giúp đỡ của nhiều cơ quan, ban ngành, đặc biệt là sự nhận thức ngày càng được nâng cao từ phía các hộ nông dân, hy vọng trong thời gian tới công nghệ KSH sẽ phát triển mạnh mẽ, góp phần đảm bảo việc cung cấp năng lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Văn phòng TKNL-Bộ Công Thương