Thứ hai, 20/05/2024 | 06:58 GMT+7

“Giấy thông hành” cho sản phẩm tiêu thụ điện

28/06/2013

Từ ngày 1/7 tới, một số thiết bị gia dụng và thiết bị công nghiệp sẽ bắt buộc phải dán nhãn năng lượng.

Từ ngày 1/7 tới, một số thiết bị gia dụng và thiết bị công nghiệp sẽ bắt buộc phải dán nhãn năng lượng. Trong hoàn cảnh giá năng lượng đang có biến động lớn, nhu cầu của người tiêu dùng tập trung cho các sản phẩm tiết kiệm điện, nhãn năng lượng được cho là sẽ là “giấy thông hành” dẫn lối cho sản phẩm tiêu thụ điện đến với người tiêu dùng. 

616cd643a_12.jpg

Các thiết bị điện phải dán nhãn năng lượng từ ngày 1/7/2013

Đối với các thiết bị gia dụng: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt lồng đứng sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện.

Đối với nhóm thiết bị công nghiệp: Máy biến áp phân phối ba pha, động cơ điện.

Dạo một vòng quanh các siêu thị và chợ tại Hà Nội, có thể thấy xu hướng của hầu hết người tiêu dùng hiện nay chọn mua các thiết bị tiết kiệm điện, tuy nhiên, ngoài những đoạn quảng cáo, những dẫn chứng được ghi trên tờ rơi của các doanh nghiệp, người tiêu dùng hoàn toàn không biết nhận dạng đâu là sản phẩm tiết kiện điện. Chị Mai - người tiêu dùng (Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ: Nếu muốn tìm điều hòa tiết kiệm điện năng, ngoài việc nhà sản xuất, người bán hàng giới thiệu đây là sản phẩm có gắn inverter, hoàn toàn không có cách nào nhận biết đây là sản phẩm tiết kiệm năng lượng (TKNL). Từ trước đến nay, hầu hết tôi chỉ chọn theo quảng cáo trên tivi hoặc theo thương hiệu. 

Những người phải chọn mua sản phẩm theo cách như chị Mai không phải là hiếm. Trong hoàn cảnh này, nhãn năng lượng chính là một dấu hiệu giúp cho người tiêu dùng nhận biết được đâu là sản phẩm hiệu suất cao, TKNL. Bên cạnh đó, nhãn năng lượng còn có thể trở thành hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn các phương tiện, thiết bị lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp, đồng thời, tạo ra sức ép thúc đẩy các nhà sản xuất đưa ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao bởi theo quy định, mức xử phạt cao nhất lên đến 70 triệu đồng và thu hồi nhãn năng lượng cho hành vi dán nhãn năng lượng không đúng cho sản phẩm được chứng nhận, hoặc cho sản phẩm chưa được chứng nhận. 

94083fd48_2_nhan.jpg

Về những ưu điểm của việc dán nhãn cho sản phẩm tiêu thụ năng lượng, ông Trần Thạch Quang – Giám đốc Marketing công ty CP Quạt Việt Nam – một trong những đơn vị sản xuất quạt điện đầu tiên được dán nhãn năng lượng chia sẻ: Việc dán nhãn năng lượng cho sản phẩm có thể hiểu nôm na rằng nếu như trước đây, mỗi đoạn quảng cáo của DN đều nói rằng sản phẩm của tôi có chất lượng, sản phẩm của tôi tốt mà không thể chứng minh được ngay lập tức chất lượng của sản phẩm đó thì bây giờ với việc được dán nhãn năng lượng, không cần phải quảng cáo nhiều, người tiêu dùng nhìn vào cũng có thể nhận biết được đâu là sản phẩm có chất lượng, có hiệu suất cao, TKNL. Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc nâng cao uy tín cho DN. Vì lẽ đó, 45 dòng sản phẩm của công ty đã được dán nhãn với khả năng tiết kiệm điện được chứng nhận ở mức 5 sao. Thực tế, việc dán nhãn này cũng khiến sản phẩm được tiêu thụ nhanh hơn bởi sau khi thực hiện dán nhãn năng lượng cho sản phẩm quạt điện, doanh số bán hàng của công ty Quạt Việt Nam đã tăng thêm hơn 10%.

Cũng nhận thức được những lợi ích của việc dán nhãn, ngay từ thời điểm đầu năm 2013, công ty điện tử LG Việt Nam đã chủ động thực hiện việc kiểm định sản phẩm tại các phòng thí nghiệm của Thái Lan, Hàn Quốc và và đã được cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm điều hòa nhiệt độ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Hiện nay, nhiều dòng sản phẩm của LG đã đạt mức độ TKNL ở mức cao, trong đó riêng dòng sản phẩm Inverter cao cấp, LG đã đạt được mức tiết kiệm năng lượng 5 sao tối ưu, khả năng tiết kiệm đến 60% điện năng so với điều hoà thông thường.


Theo quy định của Bộ Công Thương, từ ngày 1/7 tới, một số thiết bị gia dụng và thiết bị công nghiệp sẽ bắt buộc phải dán nhãn năng lượng. Cộng với những ưu điểm kể trên, loại nhãn năng lượng này thực sự đã trở thành tấm “giấy thông hành” đưa các sản phẩm tiết kiệm điện đến gần hơn với người tiêu dùng, từ đó nâng cao hiệu quả của hoạt động TKNL.


Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến thời điểm này, khoảng 280 chủng loại máy điều hòa nhiệt độ, 90% nhóm thiết bị đèn chiếu sáng, 285 chủng loại sản phẩm nồi cơm điện, quạt điện các thương hiệu như Tân Tiến, Asia chiếm thị phần lớn nhất (khoảng 9 triệu sản phẩm/năm)... đã hoàn tất đăng ký dán nhãn năng lượng.


Bảo Anh