Thứ ba, 26/11/2024 | 16:58 GMT+7
Đóng vai trò là một trong những ngành công nghiệp chủ lực, có sự phát triển mạnh mẽ qua từng năm và đóng góp một phần lớn vào GDP của cả nước, ngành năng lượng đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong sự nghiệp phát triển đất nước.
“Nhiên liệu” cho phát triển đất nước
Không phải tự nhiên mà Việt Nam vốn được mệnh danh là mảnh đất “rừng vàng biển bạc”. Việt Nam có một nguồn năng lượng sơ cấp đa dạng như than, dầu khí, thuỷ năng, năng lượng mới và tái tạo. Cụ thể, trong quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, tầm nhìn 2025, tính đến ngày 1/1/2008, trữ lượng và tài nguyên than đã được thăm dò và xác minh là 40,93 tỷ tấn, trong đó trữ lượng than đã được tìm kiếm - thăm dò là 6,14 tỷ tấn; Tài nguyên than đã xác minh là 34,79 tỷ tấn. Bên cạnh đó, trong báo cáo khả năng và định hướng phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 của Vụ Năng lượng – Bộ Công Thương, tổng trữ lượng và tiềm năng dầu khí toàn thềm lục địa nước ta khoảng 3,3-4,4 tỷ m3 dầu quy đổi, trong đó khí chiếm tỷ lệ 55-60%.
Riêng với tiềm năng thủy điện, theo đánh giá của Chương trình nghiên cứu cấp nhà nước KHCN 09: “Xây dựng chiến lược và chính sách năng lượng bền vững”, tiềm năng thủy điện của nước ta vào khoảng 75-80 tỷ kWh với công suất tương ứng 18.000-20.000MW. Bên cạnh đó, tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam cũng rất dồi dào. Theo tính toán sơ bộ, Việt Nam có thể khai thác địa nhiệt tới 200MW vào năm 2020. Về năng lượng mặt trời, Việt Nam có 2.000-2.500 giờ nắng trong một năm, tổng bức xạ nhiệt bình quân khoảng 150kCal/cm2/năm. Về năng lượng gió, ở các vùng hải đảo, cường độ năng lượng gió vào khoảng 800-1.400kWh/m2 mỗi năm, tại các vùng duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ, cường độ năng lượng này là 500-1.000kWh/m2.
Với tiềm năng như vậy, không thể phủ nhận được những đóng góp không ngừng nghỉ của các ngành năng lượng với vai trò là “nhiên liệu” cho phát triển kinh tế và đời sống. Những năm qua, khi nhu cầu năng lượng không ngừng tăng lên từng ngày, các ngành năng lượng đã không ngừng tìm ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, nâng cao sản lượng, đáp ứng đủ nhu cầu cho phát triển kinh tế. Cụ thể, năm 1954, ngành điện Việt Nam ra đời với việc tiếp quản cơ sở hạ tầng của thực dân Pháp để lại với 5 nhà máy điện cũ nát có tổng công suất 31,5MW, sản lượng điện khoảng 53 triệu kWh. Sau quá trình triển khai tiếp nhận, tính đến nay, tổng công suất các nhà máy điện của Việt Nam đã đạt khoảng 20.000MW. Tính riêng trong năm 2010, để đảm bảo đủ nhu cầu cho sản xuất và đời sống, sản lượng điện sản xuất trong nước và mua ngoài cả năm 2010 đạt 91,6 triệu kWh, tăng 14,9% so với cùng kỳ, trong đó, sản lượng điện sản xuất của EVN đạt 59,1 triệu kWh, tăng 3,7%; sản lượng điện mua ngoài đạt 32,5 triệu kWh, tăng 42,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng với ngành dầu khí, kể từ dấu mốc quan trọng ngày 26/6/1986 khi Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt - Xô đã khai thác tấn dầu đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ, ghi nhận việc Việt Nam đã có tên trong danh sách các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô thế giới, đến việc hoàn thành nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam – Dung Quất đầu năm 2011, ngành dầu khí đã có những bước tiến vượt bậc. Cụ thể, theo niên giám của Tổng cục Thống kê, nếu năm 2005, sản lượng khí thiên nhiên năm 2005 chỉ đạt 6,44 tỷ m3 thì năm 2010, sản lượng khí khai thác đạt 9,32 tỷ m3, tăng44,72%; Sản lượng dầu khai thác đạt 15 triệu tấn.
Tương tự như vậy, ngành than cũng có sự tăng trưởng vượt bậc để đáp ứng đủ nhu
cầu cho sản xuất và tiêu thụ. Nếu như năm 2005, sản lượng than sạch đạt trên 34
triệu tấn thì đến năm 2010, sản lượng than sạch toàn ngành đạt 44 triệu tấn,
tăng trên 29%.
Năng lượng hiện là nhóm ngành luôn được xếp vào những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong thời gian qua, mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho nước ta khi xuất khẩu. Cụ thể, trước đây, dầu thô luôn giữ vững vị trí dẫn đầu trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, năm 2005, tổng giá trị xuất khẩu dầu thô vào khoảng 7,73 tỷ USD. Mặc dù gần đây, với định hướng là khai thác đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước nhưng với giá năng lượng tăng cao, lợi nhuận thu được từ nhóm hàng này cũng không hề nhỏ. Cụ thể, nhóm hàng nhiên liệu (gồm dầu thô, than đá, khoáng sản) vẫn đạt 7,92 tỷ USD năm 2010, đứng thứ 2 trong các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta.
Sẽ là thời của những nguồn năng lượng mới
Kinh tế phát triển đã và đang đẩy nhu cầu năng lượng tăng lên từng ngày. Để đáp
ứng đủ nhu cầu năng lượng cho phát triển đất nước, đặc biệt trong hoàn cảnh các
nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt, hướng đi mới mà nước ta đã và đang
hướng tới là đưa vào khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới. Ưu điểm lớn
nhất của các nguồn năng lượng này là không gây phát thải và không giới hạn trữ
lượng. Việt Nam đã bắt đầu những bước đầu tiên của việc phát triển nguồn năng
lượng này bằng việc bắt đầu triển khai xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
với công suất 4.000MW đến các công trình nhỏ hơn như chiếu sáng Trường Sa bằng
điện mặt trời và điện gió, các nhà máy điện gió nhỏ tại Ninh Thuận, các dự án
điện mặt trời tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa…
Bên cạnh đó, không ít những nghiên cứu khoa học đã bắt đầu thành công với các sản phẩm từ nguồn năng lượng tái tạo như bóng đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời, bóng đèn kết hợp sử dụng điện gió và điện mặt trời… Ngoài ra, là sự nở rộ của một số dịch vụ phát triển năng lượng tái tạo như các dịch vụ của Công ty tư vấn năng lượng, dịch vụ năng lượng (ESCO) cũng rất đáng được chú ý.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã khẳng định: “Bộ Công Thương luôn khuyến khích việc phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo. Bộ cũng đang trình Thủ tướng xem xét đề ra các chủ trương hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng này”. Sẽ là quá sớm để khẳng định sự “lên ngôi” của các nguồn năng lượng mới, tuy nhiên, sự thành công của một số mô hình cộng với sự “vào cuộc” của “3 nhà”: Nhà nước, nhà kinh doanh, nhà nghiên cứu, có thể nói, phát triển năng lượng tái tạo có thể là “tương lai” cho ngành năng lượng Việt Nam.
Theo Báo Kinh tế Việt Nam