Tăng cường công tác tuyên truyền
Những năm gần đây, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đã tăng cường thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm sử dụng tiết kiệm năng lượng (TKNL) trên địa bàn. Cụ thể, đã phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; tổ chức phong trào thi đua tiết kiệm điện; hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến kỹ thuật, công nghệ để TKNL, tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh; tổ chức tập huấn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm góp phần thay đổi tư duy, thói quen trong điều hành sản xuất ở doanh nghiệp.
Kết quả của việc thực hiện đồng bộ các biện pháp trên là ý thức tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả trong người dân và doanh nghiệp được nâng lên rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp đã thay đổi phương pháp vận hành máy móc, lắp đặt thêm một số thiết bị biến tần để tiết kiệm điện; tổ chức sản xuất vào giờ thấp điểm, hạn chế sử dụng điện giờ cao điểm; mua sắm, thay thế, sử dụng các phương tiện, thiết bị TKNL. Đồng thời, doanh nghiệp đã chủ động tiếp cận, triển khai các công cụ cải tiến năng suất, TKNL và xem đó như nhiệm vụ then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh, trách nhiệm đối với môi trường.
Sở Công Thương Đắk Lắk tập huấn, tuyên tuyền, nâng cao kiến thức về tiết kiệm điện. (Ảnh: Báo Đắk Lắk)
Ông Lưu Văn Khang, Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết, thông qua các hoạt động tập huấn, tuyên truyền do Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức đã tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức, hình thành được thói quen trong sử dụng điện, giúp cho doanh nghiệp có kế hoạch, phương án sản xuất hợp lý hơn, giảm lượng điện tiêu thụ mà vẫn đáp ứng được đầy đủ nhu cầu sản xuất và giúp giảm giá thành sản phẩm đầu ra, tăng lợi nhuận. Đối với các hộ gia đình, thông qua tập huấn người dân đã hiểu và thực hiện tốt việc tiết kiệm điện, việc sử dụng điện sao cho hiệu quả, giảm chi phí tiền điện hằng tháng cho gia đình mà vẫn đáp ứng được đầy đủ nhu cầu sử dụng điện trong đời sống sinh hoạt, sản xuất. thực hiện nghiêm các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất và tiết kiệm điện
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương để tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả của việc thực hiện tiết kiệm điện, từng bước hiện thực hóa và đưa Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đi vào cuộc sống của mọi người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, chính quyền các địa phương, đơn vị phân phối điện và khách hàng sử dụng điện. Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, hình thành thói quen và ý thức chấp hành pháp luật liên quan về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để người dân, doanh nghiệp biết, có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện.
Doanh nghiệp thuộc nhóm khách hàng được quan tâm hàng đầu trong tuyên truyền tiết kiệm năng lượng.
Doanh nghiệp áp dụng tiết kiệm năng lượng
Hiện nay nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã chủ động tiếp cận, triển khai các công cụ cải tiến năng suất, TKNL, sử dụng năng lượng hiệu quả trong sản xuất và xem đó như nhiệm vụ then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh, trách nhiệm đối với môi trường.
Điển hình với việc triển khai các chương trình sáng kiến, sáng tạo đến tất cả các bộ phận và áp dụng cho sản xuất, những năm qua, Công ty Cổ phần thép Asean (Khu công nghiệp Hòa Phú, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã có những sáng kiến tiết kiệm cho công ty hàng triệu KWh điện, hàng ngàn lít dầu, nhớt. Trong sản xuất, Công ty luôn đặt ra định mức tiêu hao năng lượng và yêu cầu là phải cải thiện định mức mỗi năm, tiết kiệm năng lượng nhằm tối ưu hóa chi phí sản xuất, nâng cao giá thành cạnh tranh sản phẩm, giảm tác động môi trường. Công ty cũng đã đưa tự động hóa vào trong lưới điện trung hạ áp, giảm tối đa công suất vô công, nâng cao hiệu suất làm việc của thiết bị; chế biến nguyên vật liệu chuyên sâu để tiết giảm thời gian luyện thép, giảm tiêu hao điện năng.
Nhà máy bia Sài Gòn - Đắk Lắk đã áp dụng nhiều biện pháp trong công đoạn nấu bia để biến chất thải thành sản phẩm có lợi, góp phần bảo vệ môi trường.
Hay Nhà máy Bia Sài Gòn - Đắk Lắk là 1 trong 4 đơn vị trực thuộc của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn miền Trung đã nghiên cứu, phân tích về mặt kỹ thuật và triển khai giải pháp tiết kiệm hiệu quả nhiệt lượng trong sản xuất bia. Đồng thời, chuyển sang sử dụng các thiết bị thế hệ mới có mức tiêu thụ điện năng thấp, biến tần và tự động hóa cao.
Ông Huỳnh Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cho hay: "Hiện nay, mức tiêu thụ năng lượng Nhà máy bia Sài Gòn - Đắk Lắk được giảm đáng kể nhờ chuyển sang sử dụng các thiết bị thế hệ mới có mức tiêu thụ điện năng thấp, khả năng biến tần và tự động hóa cao. Đặc biệt, Công ty đã đầu tư 16 tỷ đồng để lắp đặt máy lạnh theo công nghệ lạnh phân tầng của Mycom Nhật Bản ở khâu làm lạnh dịch đường trong công đoạn lên men. Nhờ đó hiệu suất của máy lạnh tăng lên 8,06, năng lượng giảm 60% giúp nhà máy tiết kiệm khoảng 2,2 tỷ đồng tiền điện mỗi năm".
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã áp dụng nhiều giải pháp sạch hơn giúp cắt giảm chi phí sản xuất, góp phần cải thiện việc thải nhiệt và chất thải khác ra môi trường. Điển hình như sáng kiến sử dụng năng lượng tái tạo như biến chất thải thành phân bón hữu cơ và điện; sản xuất nấm men thải thành bánh men chất lượng để xuất khẩu; thu nhiệt thải ra từ các nồi nấu để gia nhiệt cho các thiết bị khác... đã được áp dụng hiệu quả, góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí trong sản xuất, TKNL, tạo sự tăng trưởng hiệu quả, bền vững.
Rõ ràng, những giải pháp tiết kiệm năng lượng mà các doanh nghiệp tại Đắk Lắk đã áp dụng thực sự mang lại hiệu quả, điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và còn góp phần tích cực trong việc thực hiện "Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả".
Tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu giai đoạn 2023 - 2025, toàn tỉnh tiết kiệm điện khoảng 247,36 triệu kWh, giảm tổn thất điện năng dưới 5%. |
Khánh An