Thứ sáu, 04/10/2024 | 15:35 GMT+7

Tiết kiệm điện- thành thói quen, hiện thực hoá chỉ thị 20

06/10/2022

Việc tăng cường các biện pháp sử dụng tiết kiệm điện không chỉ giúp giảm bớt áp lực về nguồn cung cho ngành điện, mà còn góp phần đáp ứng mục tiêu tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ mỗi năm của Thủ tướng Chính phủ.

Nhằm đẩy mạnh hiệu quả sử dụng năng lượng, ngày 07/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong giai đoạn 2020 - 2025, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ.  
Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể - xã hội thực hiện tiết kiệm điện mọi lúc mọi nơi, hình thành thói quen tiết kiệm điện.

Logo xuyên suốt hoạt động triển khai chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 -2025
Tại cơ quan, công sở: Thủ tướng yêu cầu phối hợp với cơ quan điện lực sở tại xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện cho đơn vị mình, đảm bảo hằng năm tối thiểu tiết kiệm 5,0% tổng điện năng tiêu thụ trong năm. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả quy định về sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa các trang thiết bị tiêu thụ điện tại cơ quan, đơn vị.  
Để đạt được mục tiêu tiết kiệm điện nơi công sở, cần bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất
Đồng thời, phổ biến, quán triệt việc thực hiện tiết kiệm điện tới toàn thể người lao động, đưa nội dung tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hằng năm; đôn đốc, rà soát và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nội quy và các quy định hiện hành về tiết kiệm điện. Cùng với đó, tận dụng và huy động các nguồn lực để lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời để giảm tiêu thụ điện từ hệ thống điện quốc gia.
Tại những nơi công cộng: Các tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời chủ trì, phối hợp với cơ sở cung cấp điện xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện, theo đó, phải đảm bảo tối thiểu tiết kiệm 20% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2020 - 2025 cho các hoạt động chiếu sáng trên.  
Bên cạnh đó, cần thay thế các đèn trang trí, đèn chiếu sáng, đèn quảng cáo bằng đèn tiết kiệm điện, sử dụng thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện cho 100% công trình chiếu sáng công cộng chuẩn bị đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp. Cần đẩy nhanh lộ trình thực hiện tự động hóa chiếu sáng theo khung thời gian và điều kiện thời tiết của các công trình chiếu sáng công cộng.  
Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào cao điểm buổi tối của hệ thống điện theo yêu cầu của cơ quan điện lực sở tại; tuân thủ các quy định về chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả, sẵn sàng cắt, giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo của cơ quan điện lực tại địa phương trong trường hợp xảy ra thiếu điện.
Tại các hộ gia đình: Khuyến khích sử dụng các thiết bị điện được dán nhãn năng lượng theo Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.  
Tại gia đình, nên cài đặt điều hoà nhiệt độ ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt để tiết kiệm điện năng và bảo vệ sức khoẻ
Tăng cường áp dụng các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình như: tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện; Không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện…); Tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên; Thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng điều hòa nhiệt độ và các thiết bị điện trong gia đình; Thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng điều hòa nhiệt độ và các thiết bị điện trong gia đình...
Tại các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ: Thủ tướng yêu cầu thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Xây dựng và phổ biến thực hiện nội quy tiết kiệm điện của đơn vị cho khách hàng, nhân viên; phối hợp với cơ sở cung ứng điện thực hiện việc giảm nhu cầu sử dụng điện khi có yêu cầu.  
Tại các doanh nghiệp sản xuất: Xây dựng và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả như: đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải; thực hiện kế hoạch sản xuất hợp lý; hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm; hạn chế tối đa các thiết bị điện hoạt động không tải; tham gia vào chương trình điều chỉnh phụ tải.  
Đồng thời, lắp đặt, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió vào hệ thống năng lượng nội bộ; ưu tiên sử dụng các thiết bị được dán nhãn năng lượng hiệu suất cao; rà soát, chấn chỉnh việc chấp hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có liên quan.  
Theo thống kê của Bộ Công Thương, ngành công nghiệp hiện chiếm 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30-35%. Vì thế, việc các doanh nghiệp sản xuất tăng cường triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm chi phí vận hành, mà còn góp phần giảm áp lực cung cấp điện cho toàn hệ thống.
Trong giai đoạn 2017-2019 cả nước đã tiết kiệm được trên 9 tỷ kWh, tương đương 15.000 tỷ đồng, mức tiết kiệm bình quân đạt 1,5% tổng điện năng tiêu thụ hằng năm. Đây là tiền đề quan trọng để đẩy mạnh việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2020 - 2025.   
Minh Khuê