Thứ sáu, 01/11/2024 | 19:21 GMT+7

Quyết liệt thực hiện Chỉ thị 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025

08/09/2022

Chỉ thị 20 về về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 có vai trò rất quan trọng, là tiền đề để đạt được các mục tiêu đề ra của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn đến 2030. Đặc biệt, thực hiện chỉ thị 20 còn có ý nghĩa đóng góp cho việc thực hiện cam kết của Việt nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trong những năm qua, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm và coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững. Một hệ thống pháp lý hoàn thiện đã được ban hành đồng bộ từ Luật, Nghị định, các văn bản hướng dẫn triển khai đã được ban hành. Bên cạnh đó, các Chương trình, dự án do các Bộ, ngành triển khai đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc thay đổi nhận thức, hành động. Kết quả, giai đoạn 2006-2015, theo số liệu thống kê, cả nước tiết kiệm khoảng 3.4% tổng năng lượng tiêu thụ. Trong giai đoạn 2019- 2030, Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đặt mục tiêu tiết kiệm 8-10% tổng năng lượng tiêu thụ. 
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả sử dụng năng lượng, ngày 7/5/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 (Chương trình Tiết kiệm điện). Chương trình nhằm đạt các mục tiêu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc. Kể từ khi triển khai Chỉ thị số 20 của Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025, người dân, doanh nghiệp đã ý thức tốt hơn và thực thi được nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng/tiết kiệm điện hiệu quả hơn. 
Chỉ đạo quyết liệt từ cấp Trung ương
Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi, đôn đốc và kiểm tra tình hình triển khai Chỉ thị số 20. Do đó, ngày 14 tháng 7 năm 2020, Bộ Công Thương đã ban hành Văn bản số 5088/BCT-TKNL gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 20.
Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) làm việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam về triển khai Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong năm 2020 và 2021, Bộ Công Thương đã hỗ trợ 15 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030, trong đó có lồng ghép các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả để triển khai trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Kinh nghiệm xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 20 của các tỉnh, thành phố được hỗ trợ cũng đã được chia sẻ, phổ biến cho các tỉnh, thành phố trên toàn quốc thông qua các buổi hội thảo kỹ thuật để các địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động của địa phương mình.
Bộ Công Thương đã phối hợp với với Tập đoàn điện lực Việt Nam xây dựng phương pháp tính sản lượng điện tiết kiệm trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm hỗ trợ các tỉnh triển khai các giải pháp và tính toán sản lượng điện tiết kiệm trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, công tác tuyên truyền tiết kiệm điện được chú trọng, với đa dạng hình thức truyền thông, tạo hiệu ứng mạnh mẽ, có chiều sâu nhằm nâng cao ý thức và thay đổi hành động của người dân, doanh nghiệp, cơ quan về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Poster tuyên truyền thực hiện tiết kiệm điện thực hiện Chỉ thị 20 do Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng xây dựng, phổ biến cho các địa phương
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra 37 đơn vị bao gồm các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp trong việc triển khai các biện pháp tiết kiệm năng lượng nói chung và tiết kiệm điện nói riêng. Ngoài ra, xây dựng và ban hành 03 hướng dẫn kỹ thuật về các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho 03 ngành: chế biến thủy sản, sành sứ và Dệt nhuộm; Thực hiện thường xuyên các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt nam, song song với các giải pháp đảm bảo cung ứng điện  EVN tiếp tục là đơn vị đi đầu trong các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong xã hội. Đóng vai trò là Tập đoàn tiên phong, EVN đã chủ động định hướng đẩy mạnh các hoạt động tiết kiệm điện đến khách hàng và cộng đồng. EVN đã ban hành hàng loạt văn bản, chính sách chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thành viên tăng cường thực hiện tiết kiệm điện. Có thể kể đến các chương trình được EVN triển khai sâu rộng như: Tuyên truyền tiết kiệm điện; Quảng bá thay đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang compact bằng đèn tiết kiệm điện; Hỗ trợ quảng bá lắp đặt bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời (thay thế bình đun nước nóng bằng điện). ; Thí điểm mô hình tiết kiệm điện trong nuôi tôm công nghiệp tại 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; Hỗ trợ hộ nông dân tại các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang thay đèn sợi đốt bằng đèn huỳnh quang compact cho cây thanh long ra hoa trái vụ; Chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại (DR)....
Đến sự chủ động của địa phương
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay đã có 54 tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20. Đồng thời, những tỉnh thành phố này cũng đã có cơ quan đầu mối để thực hiện chỉ thị và triển khai các hoạt động, giải pháp tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là các giải pháp tiết kiệm điện trong khối cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước tại địa phương và các hộ gia đình sử dụng điện.  
Về công tác tuyên truyền tiết kiệm điện:  54/63 tỉnh thành phố ban hành kế hoạch và tổ chức tuyên truyền về tiết kiệm điện đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thông qua một số hình thức như tuyên truyền bằng pa nô, áp phích tại những nơi tập trung đông người, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền hình; tổ chức các cuộc thi về an toàn tiết kiệm điện tại các đoàn thể, trường học. Đặc biệt, 63/63 tỉnh, thành phố đã hưởng ứng tham gia Sự kiện Giờ trái đất được tổ chức hàng năm.
Sự kiện Giờ trái đất tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 3/2022
Về giải pháp kỹ thuật nhằm tiết kiệm điện: Việc khuyến khích các hộ gđ và cơ sở kinh doanh sử dụng điện năng lượng mặt trời là giải pháp được nhiều tỉnh, thành phố triển khai và thu được những kết quả đáng khích lệ. Bên cạnh đó, tăng cường thay thế hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng tại nơi công cộng như (đường xá, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất…). Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp cắt giảm thiết bị điện vào giờ cao điểm hoặc khi k cần thiết, cũng như đẩy mạnh chương trình phụ tải.
Về công tác quản lý: Nhiều cơ quan, đơn vị sản xuất trên địa bàn các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tiết kiệm điện và cam kết giảm 2%/năm điện năng so với nhu cầu sử dụng, và đã đã đưa chỉ tiêu tiết kiệm điện thành chỉ tiêu đánh giá, bình bầu, tổng kết cuối năm để xét chọn danh hiệu tại cơ quan, đơn vị (UBND tỉnh Quảng Bình). 
Tiết kiệm điện năng là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng, giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời giúp đảm bảo an ninh cung ứng điện quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho việc thực hiện cam kết của Việt nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP26 về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050. Trong bối cảnh đó, chỉ thị 20 về về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 có vai trò rất quan trọng, là tiền đề để đạt được các mục tiêu đề ra. 
Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 07/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện,  trong giai đoạn 2017-2019 cả nước đã tiết kiệm được trên 9 tỷ kWh, tương đương 15.000 tỷ đồng, mức tiết kiệm bình quân đạt 1,5% tổng điện năng tiêu thụ hằng năm.
Tuệ Lâm