Thứ hai, 25/11/2024 | 07:57 GMT+7
Tiêu dùng theo cách hiểu đơn thuần là giai đoạn tiếp nối của quá trình sản xuất, nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người, theo đó tiêu dùng luôn gắn bó chặt chẽ và được xem xét trong mối tương quan với thu nhập, tiết kiệm và vốn.
Hiện nay quan niệm về tiêu dùng không chỉ là đối tượng kinh tế, mà còn mở rộng ra cả xã hội và môi trường.
Khách hàng tham gia chương trình sử dụng sản phẩm xanh tại Siêu thị Co.op Mart.
Xu thế phát triển bền vững
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazil) năm 1992, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất được nêu ra là: “Để đạt được sự phát triển bền vững và chất lượng cao hơn cho mọi người, các quốc gia nên giảm dần và loại trừ những phương thức sản xuất và tiêu dùng không bền vững.”
10 năm sau, tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững được tổ chức ở Johannesburg (Cộng hòa Nam Phi) năm 2002, đã nêu vấn đề khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của khuôn khổ chương trình 10 năm hỗ trợ các sáng kiến khu vực và quốc gia, nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu theo hướng tiêu dùng xanh và sản xuất bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thông qua cải thiện hiệu quả và tính bền vững trong sử dụng các nguồn lực và quy định sản xuất và giảm thiểu suy thoái tài nguyên môi trường, ô nhiễm và lãng phí.
Bên cạnh đó, vấn đề tiêu dùng xanh còn được đưa vào các Chương trình nghị sự của các tổ chức quốc tế như UNEP, UNESCAP, tổ chức EU. Tiêu dùng xanh đã được nhiều quốc gia triển khai thực hiện và đang trở thành một xu thế tất yếu trên thế giới để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Hội nghị Trái đất Rio 20+ diễn ra tại Brazil vào tháng 6/2012, Sáng kiến mua sắm xanh trong khu vực công đã được nhiều chính phủ và tổ chức trên thế giới đã tự nguyện ký kết thực hiện. Sáng kiến này được Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) nêu ra, yêu cầu chính phủ các nước tham gia ủng hộ đưa các nguyên tắc mua sắm xanh vào các hoạt động chi tiêu của chính phủ. Qua đó, thay đổi phương thức tiêu dùng theo hướng xanh là chủ đề được quan tâm rộng rãi hiện nay, bởi nó liên quan tới nhiều chủ thể (cá nhân, hộ gia đình, nhóm, doanh nghiệp, và nhà nước), nhiều cấp độ (địa phương, quốc gia, vùng lãnh thổ và quốc tế), nhiều khía cạnh (kinh tế, xã hội và môi trường).
Tiêu dùng xanh cùng với kinh tế xanh đã, đang và sẽ trở thành vấn đề trung tâm trong các nỗ lực hướng tới phát triển bền vững của nhân loại.
Tiêu dùng xanh ở Việt Nam
Ở Việt Nam dù chưa có những quy định riêng biệt về tiêu dùng xanh. Tuy vậy nhiều nội dung liên quan đến tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững đã sớm được đưa vào “dòng chảy” chính sách, được lồng ghép, quy định trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước.
Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã khẳng định yêu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu với nội dung: “Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gắn nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế-xã hội; Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; Từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch.”
Tiếp đến Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020 trong các định hướng kinh tế cần ưu tiên trong giai đoạn 2011-2020 cũng đã nêu rõ, để thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, cần phải đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu, năng lượng, nước, đồng thời giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững.
Xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên. Từng bước thực hiện dán nhãn sinh thái, mua sắm xanh. Phát triển thị trường sản phẩm sinh thái và sáng kiến cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Áp dụng những chính sách điều chỉnh những hành vi tiêu dùng không hợp lý.
Mặt khác, để tạo đà cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393 “Phê duyệt Chiến lược Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn 2050,” trong đó có hai nhiệm vụ liên quan đến tiêu dùng xanh là xanh hóa sản xuất và xanh hóa tiêu dùng.
Xanh hóa sản xuất là thực hiện một chiến lược công nghiệp hóa sạch thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh.
Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại để tạo nên đời sống tiện nghi.
Chiến lược Tăng trưởng xanh là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách liên quan đến tiêu dùng xanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới. Như vậy, chuyển đổi mô hình tiêu dùng theo hướng xanh và bền vững đã trở thành đường lối, quan điểm, chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước và là một nội dung căn bản của mục tiêu phát triển ở Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh các tác động từ chính sách, phong trào, chương trình hành động về tiêu dùng xanh đã được phát triển rộng rãi trên cả nước, bước đầu đã đạt những kết quả tốt, thu hút được đông đảo người dân tham gia.
Đơn cử như Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công chiến dịch tiêu dùng xanh hàng năm. Qua bốn lần tổ chức (từ năm 2010-2014) với hơn 30.000 lượt tình nguyện viên tham gia chiến dịch; 3,7 triệu lượt người dân cam kết hưởng ứng, mức tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp xanh tăng lên từ 40-60% trong tháng diễn ra chiến dịch.
Hay như tại Hà Nội đã ra mắt chương trình Mạng lưới điểm đến xanh hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng về việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; đồng thời thúc đẩy việc sản xuất những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Chương trình là cầu nối hai chiều giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, hứa hẹn trở thành một mạng lưới xanh đáng tin cậy của cộng đồng có trách nhiệm với môi trường.
Cơ hội và thách thức
Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, kinh tế đạt được mức tăng trưởng tương đối cao, kéo theo mức tiêu dùng của người dân đã được cải thiện. Hơn nữa, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, dựa trên các yếu tố năng suất và công nghệ đang được Đảng và Chính phủ ưu tiên thực hiện là thời cơ thuận lợi để Việt Nam phát triển tiêu dùng xanh.
Năm 2014, thu nhập GDP đầu người ở Việt Nam đã đạt 1.960 USD/người/năm, ý thức tiêu dùng ngày càng tăng, thì những yêu cầu về các sản phẩm xanh, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn chất lượng và thân thiện với môi trường là một đòi hỏi thiết yếu của người dân.
Bên cạnh đó, tiêu dùng xanh hiện đang là xu thế toàn cầu, đó là cơ hội để sản phẩm xanh chiếm lĩnh thị trường của người tiêu dùng. Trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các doanh nghiệp, các quốc gia trong thương mại quốc tế, các sản phẩm xanh, sản phẩm sinh thái, thân thiện với môi trường sẽ thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang có xu hướng triển khai chương trình sử dụng các sản phẩm xanh, việc cam kết thực hiện chương trình này đã dần trở thành xu hướng của các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Thực tế cũng cho thấy có nhiều mặt hàng và nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đã có yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường đối với các sản phẩm xuất khẩu. Tiêu chí về “nhãn sinh thái” cũng đã được EU áp dụng đối với các sản phẩm dệt may.
Nhưng Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức. Đó là chi tiêu công của Chính phủ hiện vẫn chưa theo xu hướng mua sắm xanh, chưa có chính sách khuyến khích mua sắm các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường trong hoạt động chi tiêu công của Chính phủ.
Đối với vấn đề chi tiêu và mua sắm các thiết bị của doanh nghiệp, phần lớn vẫn chuộng các máy móc, dây chuyền sản xuất giá rẻ với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Mặt khác, một bộ phận dân cư, trước hết ở các đô thị vẫn còn nặng về tiêu dùng truyền thống, sử dụng nguyên liệu thô chưa qua chế biến, sử dụng nhiều hàng hóa chất lượng thấp, không có lợi cho việc tiết kiệm tài nguyên và phát triển bền vững.
Tiêu dùng phô trương, lãng phí ngày càng phổ biến trong một số tầng lớp dân cư, đi ngược lại với lối sống tiết kiệm, gần gũi và hài hòa với thiên nhiên. Tiêu dùng năng lượng cho sinh hoạt và giao thông vận tải tăng, dẫn đến việc tiêu thụ nhiều than và xăng dầu hơn so với trước đây làm tăng ô nhiễm môi trường. Trong khi đó các dạng năng lượng sạch có tiềm năng lớn ở Việt Nam và có thể sử dụng phổ biến ở quy mô gia đình như năng lượng Mặt Trời, gió, biogas còn ít được nghiên cứu, ứng dụng và phổ cập.
Trong tiêu dùng hàng hóa, tình trạng sử dụng lãng phí tài nguyên cho một số nhu cầu không hợp lý đã bắt đầu phổ biến. Số lượng hàng xa xỉ được sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng tăng lên với tốc độ không tương xứng với mức sống còn thấp và khả năng thu nhập của dân cư. Các loại nguyên vật liệu không tái chế và khó phân hủy thải ra ngày càng nhiều.
Việc đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa một mặt sẽ tạo điều kiện để cải thiện đời sống dân cư, mặt khác lại kéo theo nhu cầu tiêu dùng lớn hơn, đặc biệt đối với các hàng hóa sử dụng nhiều nguyên liệu và năng lượng và do đó lượng chất thải vào môi trường lớn hơn.
Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu mở ra nhiều cơ hội lựa chọn hơn cho người tiêu dùng, song cũng ẩn chứa các nguy cơ nhập khẩu và xuất khẩu các loại hàng hóa không thân thiện với môi trường.
Giải pháp thúc đẩy tiêu dùng xanh
Trước hết, Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về tiêu dùng xanh sẽ tạo ra động lực khuyến khích và nguồn cung cho nhu cầu “tiêu dùng xanh trên thị trường.” Đồng thời cần đưa ra các chính sách khuyến khích các nhà sản xuất các sản phẩm, dịch vụ xanh. Phát triển những ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ sạch, sản xuất sạch hơn, hướng đến các sản phẩm cho tiêu dùng xanh. Đẩy mạnh xanh hóa sản xuất, ưu tiên các chính sách và kế hoạch hành động phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghệ xanh, cơ chế phát triển sạch (CDM).
Bên cạnh đó, cần phát triển và nhân rộng các mô hình doanh nghiệp xanh, hỗ trợ về giá đối với các sản phẩm, dịch vụ xanh và tăng cường tiếp thị quảng cáo trong tiêu thụ các sản phẩm xanh. Tổ chức chương trình đào tạo về sản xuất xanh cho lực lượng lao động trực tiếp tham gia vào các mô hình doanh nghiệp xanh. Tăng cường thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng xanh đối với các sản phẩm, nhằm đưa các sản phẩm xanh vào tiêu dùng và nâng cao thói quen tiêu dùng thân thiện môi trường của con người.
Đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của các sản phẩm xanh, chất lượng và giá cả cạnh tranh trên thị trường của các sản phẩm xanh cũng như lợi ích thiết thực trong bảo vệ môi trường đến cộng đồng, người tiêu dùng, người sản xuất để thu hút lực lượng tiêu thụ sản phẩm xanh và nâng cao nhận thức về tiêu dùng xanh. Đồng thời tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà sản xuất xanh, sản phẩm xanh và người “tiêu dùng xanh”.
Chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của hành vi tiêu dùng xanh đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Ngoài ra, người dân cần ý thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của tiêu dùng xanh đối với môi trường, sức khỏe của cá nhân, cộng đồng vì sự phát triển bền vững cho muôn đời sau. Tích cực vận động người thân, gia đình thực hiện hành vi tiêu dùng xanh, coi đây là trách nhiệm và vinh dự lớn lao của mỗi con người trong xã hội.
Theo Vietnam+