Thứ bảy, 18/05/2024 | 17:20 GMT+7

Nhật Bản hõ trợ tối đa cho dự án điện hạt nhân của Việt Nam

13/08/2013

Hợp tác trong dự án nhà máy điện hạt nhân được đánh giá là một trong những hợp tác quan trọng nhất giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực năng lượng trong suốt 40 năm qua.

a16f286e7_ho_tro_het_minh_cho_du_an_dien_hat_nhan_cua_vn.jpgÔng Daito Michio – Tham tán phụ trách lĩnh vực năng lượng – Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam chia sẻ: “Với những kinh nghiệm và năng lực chế tạo từ hơn nửa thế kỷ qua, Nhật Bản có thể cung cấp cho Việt Nam những công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân với độ an toàn cao nhất”. Hợp tác trong dự án nhà máy điện hạt nhân được đánh giá là một trong những hợp tác quan trọng nhất giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực năng lượng trong suốt 40 năm qua.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực năng lượng trong thời gian qua?

Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản hiện đang tiến triển trong rất nhiều lĩnh vực. Riêng về lĩnh vực năng lượng, Nhật Bản và Việt Nam đang có những hợp tác quan trọng trong các dự án điện hạt nhân, thủy điện, nhiệt điện, than, lọc hóa dầu… Đặc biệt, dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là một trong những dự án hợp tác quan trọng trong lĩnh vực năng lượng đã được hai nước thông qua. Theo Quy hoạch điện VII, nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ ngày càng tăng và đến năm 2015, Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu than đá, do đó, tôi cho rằng việc hợp tác với Nhật Bản trong các dự án năng lượng sẽ có vai trò quan trọng đối với Việt Nam.

Như ông vừa nói, điện hạt nhân là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước. Vậy ông nhận định thế nào về công nghệ Nhật Bản sẽ cung cấp cho Việt Nam trong lĩnh vực này?

Về công nghệ cho dự án điện hạt nhân, Nhật Bản có những kinh nghiệm vận hành nhà máy điện hạt nhân trong nửa thế kỷ qua, đồng thời cũng có năng lực về công nghệ chế tạo. Ngoài ra, Nhật Bản cũng có nhiều kinh nghiệm sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Dựa trên những kinh nghiệm, bài học và những thành tựu xây dựng, vận hành đó, chúng tôi có thể cung cấp những lò phản ứng có tính chất an toàn cao nhất thế giới cho Việt Nam. 

Thời gian qua, vấn đề đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân Việt Nam là một trong những vấn đề được Nhật Bản triển khai mạnh mẽ nhất. Xin ông chia sẻ thêm về vấn đề này?

Hiện Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân. Vì vậy, khi đưa vào sử dụng nhà máy điện hạt nhân, việc đào tạo nhân lực là một vấn đề quan trọng. Hợp tác về nhân lực là một trong 6 lĩnh vực trong thỏa thuận hợp tác phát triển điện hạt nhân của hai nước. Hiện nay, hai nước đã có những chương trình hợp tác liên quan đến việc đào tạo nhân lực cho điện hạt nhân Việt Nam như chương trình hợp tác giữa Tổ chức An toàn Năng lượng hạt nhân Nhật Bản (JNES) với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Việt Nam; Chương trình của Cơ quan năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (JAEA) và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam… Chương trình với JNES đã kéo dài liên tục trong 2 năm qua với nhiều khóa học về năng lượng nguyên tử. Chương trình của JAEA chú trọng đến việc đào tạo liên quan đến an toàn hạt nhân… Tôi đánh giá cao hiệu quả và chất lượng của các khóa học này vì tất cả các khóa học đều được tổ chức cho các đối tượng là cán bộ chủ chốt của Việt Nam trong lĩnh vực điện hạt nhân. Phía Nhật Bản cũng muốn hỗ trợ hơn nữa trong đào tạo nhân lực cho điện hạt nhân theo đúng nguyện vọng của Việt Nam trong thời gian tới.

Trong phát triển điện hạt nhân, độ an toàn luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Vậy Nhật Bản có những hỗ trợ như thế nào cho Việt Nam để nâng cao độ an toàn cho nhà máy?

Về độ an toàn, đây là điều quan trọng nhất trong việc phát triển điện hạt nhân. Sau khi phân tích sự cố xảy ra với nhà máy điện hạt nhân Fukushima, trách nhiệm của Nhật Bản là chia sẻ cho các nước trên thế giới và Việt Nam để làm sao nâng cao tính an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân. Chúng tôi cũng đã cung cấp cho IAEA những báo cáo phân tích về sự cố này đồng thời cũng đề ra những biện pháp đối phó đối với những sự cố có thể xảy ra thời gian tới như động đất hay sóng thần. Về phía Việt Nam, tôi mong rằng trong thời gian tới, thông qua các khóa đào tạo nhân lực, chúng tôi sẽ chia sẻ cho Việt Nam những bài học về cách nâng cao độ an toàn sau sự cố Fukushima.

Ngoài ra, chúng tôi đã, đang và sẽ tổ chức thêm nhiều hội thảo về an toàn hạt nhân để giúp người dân không còn e ngại về độ an toàn của các nhà máy này.

Trong lĩnh vực điện hạt nhân, quy mô của sự hợp tác đã chuyển biến dần từ nhỏ lẻ, tự phát đến rộng rãi và mang tính quốc gia. Hình thức của sự hợp tác bắt đầu từ tham quan khảo sát, đào tạo cán bộ khoa học chuyển dần sang hợp tác nghiên cứu về vật lý hạt nhân lý thuyết và thực nghiêm. Trọng tâm hợp tác bắt đầu từ ứng dụng đồng vị phóng xạ và kỹ thuật hạt nhân trong các ngành kinh tế kỹ thuật nay đã phát triển thành chương trình phát triển công nghệ, xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam. 

Cùng với Nga, Nhật Bản đã được tín nhiệm chọn làm nhà cung cấp công nghệ cho dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Anh