Thứ hai, 20/05/2024 | 03:50 GMT+7

Phát triển xăng sinh học, cần chính sách cụ thể

18/07/2013

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 do Thủ tướng phê duyệt, đến nay, năng lực sản xuất ethanol đã có thể bảo đảm pha được khoảng 5,6 triệu m3 xăng sinh học để cung cấp cho thị trường.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 do Thủ tướng phê duyệt, đến nay, năng lực sản xuất ethanol đã có thể bảo đảm pha được khoảng 5,6 triệu m3 xăng sinh học để cung cấp cho thị trường.

abae5ef6c_989fb81cf_xang_e5.jpg

Tuy nhiên, việc tiêu thụ xăng nhiên liệu sinh học đến thời điểm này còn khá hạn chế. Hiện cả nước mới chỉ có khoảng 170 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thí điểm bán loại xăng này. Các doanh nghiệp sản xuất ethanol cho rằng, để phát triển xăng nhiên liệu sinh học ở thị trường nội địa, cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

Xăng sinh học có hai loại, xăng E5 (được pha trộn theo tỷ lệ 5% ethanol với 95% xăng RON 92 không chì) và xăng E10 (được pha trộn theo tỷ lệ 10% ethanol với 90% xăng RON 92 không chì). Từ năm 2009, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho nhiên liệu sinh học, trong đó có xăng E5, E10. Theo Tiến sỹ Phạm Hữu Tuyến, Viện Cơ khí động lực, Đại học Bách Khoa Hà Nội, lợi ích của việc sử dụng xăng nhiên liệu sinh học không chỉ giúp cải thiện công suất động cơ, suất tiêu hao nhiên liệu mà còn giảm phát thải khí HC, CO, thân thiện với môi trường. Các kết quả thử nghiệm đối với nhiên liệu E5, E10 trên động cơ đều cho thấy: các loại xăng này hoàn toàn có thể sử dụng được trên các loại động cơ xăng đang lưu hành ở nước ta mà không cần phải thay đổi về kết cấu hay vật liệu chi tiết.

Theo lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống do Thủ tướng ban hành từ cuối năm 2012, xăng E5 sẽ được sử dụng trên toàn quốc từ ngày 1.12.2015 và xăng E10 sẽ được sử dụng trên toàn quốc từ ngày 1.12.2017. Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương Nguyễn Phú Cường cho biết, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) hiện đã đầu tư 3 nhà máy sản xuất cồn - ethanol ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam với tổng công suất là 300 nghìn m3/năm, cộng với khoảng 10 dự án sản xuất ethanol khác do tư nhân đầu tư với tổng công suất khoảng 400 nghìn m3/năm - nguồn nhiên liệu này hoàn toàn có thể đáp ứng được 100% nhu cầu của thị trường nếu thực hiện lộ trình bắt buộc sử dụng xăng sinh học trên toàn quốc.

Ngay sau khi Thủ tướng ban hành quyết định về lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống (ngày 22.11.2012), Bộ Công thương - với vai trò là cơ quan đầu mối được Chính phủ giao tổ chức thực hiện lộ trình này đã ban hành kế hoạch triển khai cụ thể. Đến nay, một số đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn như Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro đều đã có kế hoạch chi tiết và cam kết bảo đảm thực hiện đúng lộ trình. Từ nay đến thời điểm sử dụng xăng E5 trên cả nước chỉ còn hơn một năm. Các nhà đầu tư sản xuất nhiên liệu đã chuẩn bị sẵn sàng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ xăng E5 trên thị trường lại không đơn giản.

Theo số liệu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) - nếu cả năm nay tiêu thụ được 30 nghìn m3 xăng E5 theo kế hoạch, thì tổng lượng xăng sinh học tiêu thụ từ khi được lưu hành trên thị trường vào giữa năm 2010 đến hết năm 2013 chỉ khoảng 65 nghìn m3. Theo Phó vụ trưởng Nguyễn Phú Cường, có hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này. Một là, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về lợi ích của xăng sinh học còn hạn chế. Hai là, hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng sinh học còn quá ít, mới chỉ có khoảng 170 trên tổng số hơn 13 nghìn cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc.

Ở góc độ khác, Phó trưởng Ban Thương mại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Duy Cường cho rằng, hiện nay, ở các nước đều đã có chính sách cụ thể để phát triển nhiên liệu sinh học, từ hỗ trợ phí, thuế, hỗ trợ giá cho người tiêu dùng nhưng chính sách phát triển nhiên liệu sinh học của nước ta vẫn còn chung chung, nhất là thiếu chính sách hỗ trợ cụ thể để doanh nghiệp có điều kiện sản xuất và cung cấp cho thị trường sản phẩm xăng sinh học với giá thành cạnh tranh.

Như vậy, để thực hiện đúng lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống thì trước hết, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng về nhiên liệu sinh học; đồng thời, cần rà soát, ban hành các chính sách phát triển nhiên liệu sinh học một cách đồng bộ, xem xét vấn đề kinh doanh nhiên liệu sinh học trong quá trình đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu.
Theo Đại Biểu Nhân Dân