Chủ nhật, 19/05/2024 | 08:21 GMT+7

Không nên phớt lờ biodiesel

25/06/2013

Các nhà khoa học cho rằng, nếu mọi người phớt lờ trước những lợi ích to lớn của việc sử dụng nhiên liệu sinh học biodiesel là đã bỏ qua cơ hội phát triển một loại nhiên liệu sạch có thể thay thế dầu diesel.

Các nhà khoa học cho rằng, nếu mọi người phớt lờ trước những lợi ích to lớn của việc sử dụng nhiên liệu sinh học biodiesel là đã bỏ qua cơ hội phát triển một loại nhiên liệu sạch có thể thay thế dầu diesel. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần có những chính sách, biện pháp tháo gỡ những rào cản để phát triển sản xuất biodiesel.

Đa lợi ích từ biodiesel

Là người theo đuổi đề tài nghiên cứu về sản xuất nhiên liệu sạch biodiesel, ông Đỗ Quang Tiến (cán bộ của Tổng Công ty Tư vấn và Thiết kế Dầu khí - PV Engineering) khẳng định có nhiều lý do để chọn biodiesel làm nhiên liệu vì nó tốt cho môi trường, giá thành thấp, an toàn và sạch sẽ hơn so với dầu diesel.

Về mặt môi trường, qua nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng nhiên liệu biodiesel sẽ giảm được lượng phát thải khí CO2, do đó giảm được lượng khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính. Mặt khác, biodiesel chứa rất ít các hợp chất của lưu huỳnh (<0,001% so với 0,2% trong dầu diesel). Hơn nữa, biodiesel có hàm lượng HC thơm ít hơn rất nhiều so với diesel nên không gây ung thư. Ngoài ra, loại nhiên liệu này có khả năng tự phân hủy và không độc (phân hủy nhanh hơn diesel 4 lần, phân hủy từ 85-88% trong nước sau 28 ngày).

14f8f838a_hinh_3.jpg

Một nhà máy sản xuất biodiesel bằng dầu rán phế thải ở Hongkong

Theo ông Đỗ Quang Tiến, về mặt kỹ thuật, biodiesel có độ an toàn cao hơn diesel. Biodiesel rất linh động, có thể trộn với diesel theo bất kỳ tỷ lệ nào. Biodiesel có điểm chớp cháy cao hơn diesel, đốt cháy hoàn toàn, an toàn trong bồn chứa và sử dụng. Biodiesel cũng có tính bôi trơn tốt. Do tính năng tương tự như dầu diesel nên nhìn chung khi sử dụng không cần cải tiến bất kỳ chi tiết nào của động cơ.

Về mặt kinh tế, việc sử dụng nhiên liệu biodiesel ngoài vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường nó còn thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, tận dụng tiềm năng sẵn có của ngành nông nghiệp như dầu phế thải, mỡ động vật, các loại dầu khác ít có giá trị sử dụng trong thực phẩm. Đồng thời đa dạng hóa nền nông nghiệp và tăng thu nhập ở vùng miền nông thôn. Hơn nữa, nó sẽ giúp hạn chế nhập khẩu nhiên liệu diesel, góp phần tiết kiệm cho quốc gia một khoản ngoại tệ lớn. Hơn nữa, loại nhiên liệu này còn có thể sử dụng nhiên liệu đốt trong các lò hơi thương mại.

Thực tế hiện nay biodiesel (gọi tắt là B), ít khi sử dụng một mình mà thường được pha chế với dầu diesel để tạo ra các hợp chất nhiên liệu dùng trong thương mại. Tỷ lệ trong biodiesel với diesel 0-100%. Hiện có những loại biodiesel sau đây: B5 (5% biodiesel pha với 95% dầu diesel), B10 và B20. Riêng B20 có thể sử dụng bất kỳ động cơ diesel nào (không cần thay đổi chi tiết động cơ). Đối với B100 (gồm 100% nguyên chất biodiesel) có thể được sử dụng nhưng cần thay đổi chi tiết máy. Tổ chức Bảo vệ môi trường (EPA) đã cho phép sử dụng B2, B5 và B20 trên khắp thế giới.

Tại châu Âu, lượng tiêu thụ biodiesel từ năm 2006 đã tăng 64% (tương đương với 5 tỉ lít) và trữ lượng biodiesel đã tăng gấp đôi mỗi năm. Còn tại Mỹ và châu Á, sản lượng biodiesel cũng tăng gấp đôi, đặc biệt là ở Ấn Độ và Trung Quốc. Chính phủ hai nước này đặt mục tiêu thay thế 15% diesel bằng biodiesel trước năm 2020. Ở Indonesia, Chính phủ nước này đã yêu cầu sử dụng biodiesel cho ngành giao thông vận tải bắt đầu từ tháng 7/2012. Đối với Malaysia hiện đã có 28 nhà máy sản xuất biodiesel với trữ lượng đạt 500.000 tấn.

Còn tại Việt Nam, Chính phủ đã đặt mục tiêu dùng biodiesel thay thế 5% dầu diesel từ năm 2016 đến năm 2025.

Nguồn nguyên liệu để sản xuất biodiesel được cho là khá phong phú, gồm dầu thực vật (như đậu nành, cây cải dầu, cây cọ, vi tảo, dừa, cây jatropha) hoặc mỡ động vật (như cá tra, cá basa, lợn…) và dầu ăn đã qua sử dụng.

Cần tháo gỡ những rào cản

Trước đây, một trong những trở ngại chính của việc sử dụng biodiesel rộng rãi ở trong nước chính là giá thành của nó vẫn còn cao gấp khoảng hai lần giá thành nhiên liệu diesel. Các nghiên cứu cho thấy, để sản xuất biodiesel tại Việt Nam ở quy mô lớn thì cần phải có một nguồn nguyên liệu dồi dào và ổn định. Những nguồn nguyên liệu từ dầu thực vật (như cây hướng dương, cải dầu, cọ…) được cho là giá thành cao nên việc sản xuất biodiesel sẽ không kinh tế. Mặt khác, diện tích đất nông nghiệp cho việc trồng cây lấy dầu ăn cũng có hạn. Được biết, để giải quyết bài toán nguyên liệu này, trên thế giới đang có xu hướng phát triển những loại cây lấy dầu như cây jatropha (cây cọc rào) hoặc những loại có năng suất cao như tảo.

Thời gian gần đây, các chuyên gia năng lượng đã nhìn thấy ưu thế của việc chế biến biodiesel từ dầu phế thải - một nguồn nguyên liệu rẻ tiền và tối ưu nhất có thể giúp giảm giá thành biodiesel. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc thu gom dầu ăn phế thải ở trong nước là khó khả thi do số lượng hạn chế, lại phân tán nhỏ lẻ.

27e0ee893_hinh_2.jpg

Thử nghiệm sản xuất biodiesel từ mỡ cá basa

Theo khảo sát của ông Đỗ Quang Tiến, ở trong nước, việc sản xuất biodiesel từ dầu rán phế thải mới hiện chỉ sản xuất ở mức nhỏ lẻ (trong phòng thí nghiệm hay ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ với khoảng 2 nghìn lít/năm). Hiện nay chưa có bất kỳ nhà máy sản xuất biodiesel nào từ dầu ăn đã sử dụng ở Việt Nam. Hơn nữa, tiêu chuẩn chất lượng cho dầu biodiesel cũng chưa được đặt ra. Sản phẩm biodiesel sản xuất nhỏ lẻ từ trong nước được cho là chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng ASTM (tiêu chuẩn hóa các yêu cầu của thị trường toàn cầu).

Riêng đối với việc sản xuất biodiesel từ mỡ cá, ở Việt Nam hiện chỉ duy nhất có Nhà máy Sản xuất biodiesel của Công ty Minh Tú từ mỡ cá basa được khánh thành ở Cần Thơ vào năm 2009. Nhà máy này sản xuất 50.000 lít biodiesel mỗi ngày và đã xuất khẩu sang thị trường Singapore. Tuy nhiên, giá thành biodiesel từ mỡ cá vẫn còn cao hơn dầu diesel do giá dầu cá cao.

Các chuyên gia năng lượng sạch cho rằng, những khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc sản xuất biodiesel ở trong nước là trình độ công nghệ và thiết bị còn nhiều hạn chế, lạc hậu, thiết bị chắp vá, thiếu đồng bộ, công suất nhỏ (dưới 10 triệu lít/năm), tiêu hao nhiều đơn vị năng lượng trên một đơn vị sản phẩm, chỉ sử dụng nguồn nguyên liệu truyền thống khiến giá thành sản phẩm cao. Mặt khác, những khó khăn khi chuyển đổi sử dụng biodiesel ở Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản nhất định từ chính sách thông tin của các nhà sản xuất xe.

Có thể thấy rằng, việc sản xuất biodiesel ở trong nước sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn và khó được nhân rộng, đầu tư thỏa đáng nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Điều đó đòi hỏi cần có những chính sách, biện pháp tháo gỡ những rào cản mà trước mắt là những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này và có chính sách ưu đãi về thuế phù hợp để hỗ trợ việc phát triển nghiên cứu và sử dụng biodiesel.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần sớm ban hành tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để các doanh nghiệp ổn định sản xuất, phân phối sản phẩm và giúp các cơ quan quản lý giám sát chất lượng sản phẩm biodiesel trong sản xuất và lưu thông trên thị trường. Hơn nữa, cũng cần xây dựng mô hình đầu tư thấp, phân phối nhiên liệu biodiesel cho khu vực đông dân cư. Đồng thời cần xây dựng mô hình trồng trọt, chế biến, pha chế biodiesel cung cấp nhiên liệu cho máy móc nông nghiệp ở địa phương.

 Mai Anh Theo Petrotimes