Thứ bảy, 18/05/2024 | 16:59 GMT+7

Cuộc cách mạng năng lượng lặng lẽ ở Lào

10/11/2012

Nói đến vấn đề năng lượng của Lào, có lẽ ấn tượng đầu tiên mà nhiều người nghĩ đến là thủy điện và kế hoạch xây đập Xayabouri trên sông Mekong đầy tranh cãi… Nhưng trong thực tế, có một cuộc cách mạng năng lượng đang lặng lẽ diễn ra ở quốc gia láng giềng này…

Nói đến vấn đề năng lượng của Lào, có lẽ ấn tượng đầu tiên mà nhiều người nghĩ đến là thủy điện và kế hoạch xây đập Xayabouri trên sông Mekong đầy tranh cãi… Nhưng trong thực tế, có một cuộc cách mạng năng lượng đang lặng lẽ diễn ra ở quốc gia láng giềng này…

Lào còn xa mới là một nước giàu nhưng công cuộc điện khí hóa ở quốc gia nhỏ bé này đã đưa điện tới hơn 70% dân số và đến năm 2020, con số này dự kiến sẽ tăng lên đến 90%. Trong khi đó, ở những nước khu vực châu Phi cận sa mạc Sahara cùng cảnh nghèo như Lào, tỷ lệ điện khí hóa trung bình chỉ đạt 30%. Thành tựu này còn đáng được ghi nhận hơn khi đặt trong bối cảnh một đất nước còn đầy khó khăn, với mật độ dân số thấp, trải khắp các vùng, miền (chỉ khoảng 23 người/km2) và tốc độ đô thị hóa rất thấp (chỉ khoảng 33%).

Những thành tựu đạt được trong công cuộc điện khí hóa của Lào không chỉ dựa vào thủy điện mà còn nhờ một loạt các sáng kiến phát triển các loại năng lượng mới.

Ngay trong báo cáo có tiêu đề Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Lào, công bố hồi tháng 10/2011 của Bộ Năng lượng và Mỏ đã khẳng định, mặc dù Lào thiếu các nguồn năng lượng truyền thống như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên và chỉ sở hữu một trữ lượng than khiêm tốn nhưng lại có nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo phong phú, trong đó có năng lượng sinh khối, thủy điện và năng lượng mặt trời. Ngoài ra, ở một số nơi, còn có tiềm năng về năng lượng gió và năng lượng địa nhiệt.

Bức xạ mặt trời ở Lào trung bình ở khoảng từ 3,6-5,5kWh/m2 với ánh nắng mặt trời chiếu khoảng từ 1.800-2.000 giờ mỗi năm. Với tiềm năng năng lượng mặt trời như vậy, nếu công nghệ quang điện được sử dụng (với hiệu quả tổng thể khoảng 10%), nó có thể tạo ra sản lượng điện/km2/năm bằng 13 triệu tấn dầu quy đổi. Tính đến năm 2011, đã có hơn 20.000 hộ gia đình Lào được tiếp cận điện năng từ hệ thống nhà năng lượng mặt trời do các công ty lớn trong nước như Sunlabob lắp đặt hoặc nhận được nguồn đầu tư từ Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, theo ông Hatsady Sysoulath - Giám đốc Viện Nghiên cứu thúc đẩy năng lượng tái tạo thuộc Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào, hiện tại, sử dụng năng lượng mặt trời ở Lào mới chỉ khoảng 1MW.

9c14a75ab_cm_nang_luong_lao.jpg

Những tấm quang năng mặt trời như thế này đã về với các bản làng vùng xa, vùng sâu trên đất nước Triệu Voi.

Bên cạnh đó, tiềm năng năng lượng sinh khối ở Lào cũng rất lớn với nguồn sinh khối từ các loại cây trồng năng lượng và chất thải hữu cơ, như là những cây có dầu như cọ, jatropha (cọc rào), hướng dương, đậu xanh và dừa; cây có đường và cây có tinh bột như mía, sắn, ngô.

Hiện ở tỉnh Savanakhet đã có một nhà máy đường sử dụng bã mía làm nguyên liệu sản xuất điện và đã hòa mạng lưới điện quốc gia từ cuối năm 2011. Đây là nhà máy đầu tiên ở Lào sử dụng bã thải để sản xuất điện và thân thiện với môi trường. Nhà máy này sẽ cung cấp 3MW điện cho lưới điện quốc gia trong năm đầu tiên và 6MW trong năm thứ hai và tăng dần lên vào các năm sau đó tùy thuộc vào công suất phát. Ngoài ra, vào giữa năm nay, với sự đầu tư của đối tác Thái Lan, Nhà máy Sản xuất tinh bột sắn Lao Indochina cũng đã chạy thử nghiệm hệ thống sản xuất biogas từ nước thải tinh bột sắn và dự định sử dụng nguồn khí sinh học này để phát điện trong tương lai gần.

Trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học, Lào đang tiến hành đổi mới nhằm sản xuất được 4 triệu lít nhiên liệu sinh học vào năm 2015 và đến năm 2025 sẽ đáp ứng được 10% nhu cầu nhiên liệu với một loạt điều chỉnh chính sách, luật định khuyến khích đầu tư và công nghệ xanh. Chính phủ đang xúc tiến, hỗ trợ một loạt nhà máy nhiên liệu sinh học, như dự án nhiên liệu sinh học từ cây cọ dầu của Công ty Lao Agro Tech, dự án nhiên liệu sinh học từ cây jatropha của Công ty Kolao (Hàn Quốc). Hiện dầu diesel sinh học ở dạng BD5 (5% diesel sinh học và 95% diesel dầu mỏ truyền thống) đã được bán rộng rãi trong nước với giá thấp hơn diesel truyền thống 3% và dự kiến đến hết năm nay sản xuất và tiêu thụ diesel sinh học ở Lào sẽ đạt khoảng 2 triệu lít BD5. Trong tương lai gần, Lào có kế hoạch bán giá loại nhiên liệu thân thiện với môi trường này rẻ hơn 5-10% so với diesel truyền thống và thậm chí dự kiến còn xuất khẩu sang thị trường ASEAN vào năm 2025.

Với một đất nước chỉ có số dân 6,3 triệu người, nhưng lại là nơi có núi non hùng vĩ như Lào, phát triển xanh chắc chắn không còn là một lựa chọn mà là một sự cần thiết. Giờ đây, Lào đang mở cửa cho các hướng tiếp cận sạch, các loại hình công nghệ mớivà các nguồn đầu tư mới. Những doanh nghiệp và tổ chức có ý định đầu tư lắp đặt công nghệ xanh trên lãnh thổ Lào chắc chắn sẽ nhận được thiện chí và khả năng hợp tác từ các doanh nghiệp địa phương và sự ủng hộ từ phía chính quyền.

Chính phủ Lào đã cho thấy tầm nhìn xa của mình trong việc nhận thức rõ công nghệ xanh là con đường phát triển quan trọng. Lào đang trên đường thực hiện mục tiêu đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ đáp ứng 30% nhu cầu năng lượng quốc gia và phát triển nền kinh tế theo hướng xanh, sạch, carbon thấp. Nếu đạt mục tiêu đề ra, Lào sẽ trở thành một trong những nước chậm phát triển nhất được tiếp cận đầy đủ cơ chế mua bán khí thải của Liên minh châu Âu (EU ETS), cho phép nước này tham gia vào thị trường mua bán tín dụng giảm phát thải carbon (CERs) vốn có giá trị gấp 3 lần giá trị của thị trường carbon tự nguyện (VERs), đồng thời đem lại nguồn tài chính đáng kể cho các dự án năng lượng tái tạo của Lào trong những thập kỷ tới.

Theo petrotimes