Thứ ba, 21/05/2024 | 01:18 GMT+7

Rào cản thương mại cản trở sự phát triển năng lượng tái tạo

16/10/2011

Chủ nghĩa bảo hộ trong ngành năng lượng tái tạo tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào từng địa điểm và lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, ở Mỹ, bang Ohio đang thực hiện một đạo luật nghiêm ngặt yêu cầu một nửa sản lượng năng lượng tái tạo phải được cung cấp bởi các nhà sản xuất trong bang.

Chủ nghĩa bảo hộ trong ngành năng lượng tái tạo tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào từng địa điểm và lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, ở Mỹ, bang Ohio đang thực hiện một đạo luật nghiêm ngặt yêu cầu một nửa sản lượng năng lượng tái tạo phải được cung cấp bởi các nhà sản xuất trong bang.

Bảo hộ trong ngành năng lượng mặt trời

Chủ nghĩa bảo hộ không chỉ khác nhau giữa các địa điểm mà còn rất đa dạng trong từng lĩnh vực. Năng lượng mặt trời là một lĩnh vực đặc biệt khiến các nhà hoạch định chính sách phải nghĩ tới viêc đưa ra nhiều loại trợ cấp. Nhìn chung, ngành năng lượng mặt trời đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ, tăng trưởng hơn 150% trong năm 2010.

Tuy nhiên, hầu hết việc sản xuất pin mặt trời trên thế giới tập trung ở một vài nước, với khoảng 60% là ở Trung Quốc và Đài Loan nhờ chi phí lao động rẻ, tiếp cận vốn dễ dàng và cơ sở hạ tầng tốt. Trong nhiều trường hợp, các nhà sản xuất pin mặt trời của châu Âu không thể cạnh tranh với các đối thủ châu Á.

617b60bf4_10672tradebarriersdimrenewableenergysprospects.jpg

Khi phải đối mặt với sự cạnh tranh này, một vài nước châu Âu đã thay đổi chính sách của mình. Ví dụ, Pháp đã cắt giảm trợ cấp cho ngành năng lượng mặt trời, viện dẫn là do việc nhập khẩu pin mặt trời giá rẻ ồ ạt từ Trung Quốc.

Những thay đổi tương tự cũng diễn ra ở bên kia bờ Đại Tây Dương, tại tỉnh Ontario, Canada.  Ở đó, chính sách trợ cấp toàn diện ngành năng lượng mặt trời quy định rằng một tỷ lệ lớn các thiết bị năng lượng mặt trời phải được sản xuất ở Ontario để hưởng ưu đãi về giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo (feed-in-tariff).

Tương tự, Italy đã ban hành luật trợ cấp năng lượng mặt trời mang tên Conto Energia 4, trong đó đưa ra thêm 5-10% trợ cấp ưu đãi cho các thiết bị năng lượng mặt trời được sản xuất ở châu Âu. Điều này có thể khiến Trung Quốc và các quốc gia sản xuất pin mặt trời khác khởi kiện Italy ra Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Ấn độ cũng đã có đạo luật quy định rằng pin mặt trời phải được sản xuất trong nước mới được hưởng giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo.

Nhiều hơn một rào cản thương mại

Các rào cản thuộc “chủ nghĩa bảo hộ xanh”  gồm hai loại là rào cản thuế quan và phi thuế quan. Theo loại thứ nhất, một nước áp thuế nhập khẩu vào mỗi thiết bị năng lượng gió, năng lượng mặt trời hay các dạng năng lượng tái tạo khác. Ví dụ, thuế quan đánh vào thiết bị năng lượng tái tạo ở Ấn Độ là 7,5% và ở Trung Quốc là 8%.

Các rào cản phi thuế quan, mặc dù không rõ ràng nhưng có thể hạn chế và gây khó khăn hơn cho các công ty nước ngoài. Ví dụ, Trung Quốc yêu cầu các công ty nước ngoài muốn vào thị trường Trung Quốc phải thành lập liên doanh và đối tác Trung Quốc chiếm hơn 51% quyền sở hữu.

Bảo hộ trong ngành năng lượng gió

Giám đốc về chính sách của Hiệp hội năng lượng gió Châu Âu (EWEA), ông Justin Wilkes cho biết Hiệp hội này đang vận động hành lang để Ủy ban Châu Âu xem xét việc thảo luận để cắt giảm các rào cản thuế quan và phi thuế quan trên phạm vi quốc tế.

Ngành năng lượng gió hiện đang thực hiện nhiều chính sách như Khu vực tự do về năng lượng bền vững (SEFTA) hay Thỏa thuận về dịch vụ và hàng hóa liên quan tới môi trường. Các chính sách này đều hướng tới thương mại tự do trong ngành công nghệ năng lượng tái tạo.

Và tương lai


Năng lượng tái tạo có vẻ như sẽ tiếp tục được bảo hộ theo một hình thức nào đó: thông qua thuế quan, trợ cấp, vay ưu đãi, hay tín dụng xuất khẩu. Ảnh hưởng của chủ nghĩa bảo hộ tới quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít khí thải carbon hiện rất khó lượng hóa, tuy nhiên chính sách này có vẻ sẽ kéo dài, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Kim Anh
(theo renewableenergyworld.com)