Chủ nhật, 22/12/2024 | 00:11 GMT+7
Công suất điện gió tại Nhật dự kiến sẽ tăng gấp 3 khi 2 nhà phát triển lớn nhất bao gồm Eurus Energy Holdings và Electric Power Development đầu tư 10 tỉ yên vào lấp đặt hệ thống mới. Việc này sẽ giúp sản xuất lượng điện tương đương với 10 lò phản ứng hạt nhân.
Hai nhà phát triển nói trên dự định sẽ đầu tư 60 tỉ Yên (528 triệu USD) vào các cơ sở mới vào năm 2020. Hồi 2014, họ đã chiếm gần 1/3 tổng công suất điện gió tại Nhật.
Nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, chính phủ Nhật Bản đang tìm cách tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo trừ thủy điện. Họ lên kế hoạch tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo từ 3% lên 15% vào năm 2030.
Năng lượng gió được xem là hiệu quả hơn năng lượng mặt trời, bởi chúng cung cấp gần gấp đôi công suất sử dụng. Các tuabin gió lại có thể được lắp đặt cả ngoài khơi và gần bờ, không gặp phải hạn chế về địa điểm như nhà máy địa nhiệt, cũng không đòi hỏi hỗ trợ từ các nguồn nguyên liệu khác.
Tuy vậy, theo Cơ quan năng lượng thế giới (IEA), điện gió chỉ đáp ứng được 0.5% nhu cầu điện tại Nhật vào năm 2014, thấp hơn rất nhiều so với mức 39% của Đan MẠch, 9,6% của Đức, 4,4% của Mỹ và 2,8% của Trung Quốc. Nguyên nhân dẫn đến việc này một phần cũng bởi quy trình phê duyệt kéo dài từ 4 - 5 năm.
Ngoải ra, các doanh nghiệp nước ngoài cũng bắt đầu đổ tiền vào năng lượng gió tại Nhật Bản. Công ty Pattern Energy - một doanh nghiệp phát triển điện gió lớn tại Mỹ dự định lắp đặt các tua bin với công suất 1 triệu KW vào năm 2020. Họ dự kiến bắt đầu với cơ sở 126.000 KW ở phía Bắc quận Aomori, đây sẽ là cơ sở lớn nhất tại Nhật Bản tính đến thời điểm hiện tại.
Hạnh Nguyễn (Theo Nikkei Asian Review)