Thứ bảy, 02/11/2024 | 07:22 GMT+7

Sản xuất sạch ở Việt Nam: Lối đi còn lắm gập ghềnh

13/06/2010

Chương trình Sản xuất sạch hơn do Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) khởi xướng được một số doanh nghiệp ở Việt Nam áp dụng đã mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và môi trường. Tuy nhiên, để nhân rộng chương trình này, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm.

Sau khi áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn, rất nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã tiết kiệm được một khoản chi phí lớn cho công tác xử lý bảo vệ môi trường hay đầu vào nguyên nhiên liệu.

Thời gian vừa qua, nhờ chương trình sản xuất sạch hơn mà ngành giấy chỉ mới đầu tư hơn 766.000 USD nhưng đã tiết kiệm hằng năm hơn 3,2 triệu USD; ngành dệt nhuộm đầu tư 506.000 USD, tiết kiệm được 2 triệu USD; ngành vật liệu xây dựng đầu tư 593.000 USD, tiết kiệm được 1,08 triệu USD; ngành thực phẩm đầu tư 174.000 USD đã tiết kiệm được 797.000 USD; ngành kim khí đầu tư 307.000 USD đã tiết kiệm 503.000 USD...


sx sach.jpg


Gosto (nhãn hàng hàng giày dép, túi xách) sẽ sản xuất nhãn Gosto Rose
là hàng giả da từ chất liệu xi PU thay vì PVC rất khó phân hủy


Theo UNEP, sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường. Mục tiêu của sản xuất sạch hơn là tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách có hiệu quả nhất. Khác với xử lý cuối đường ống là làm giảm tải lượng ô nhiễm nhưng không tái sử dụng được phần nguyên vật liệu đã mất đi, sản xuất sạch hơn tái sử dụng được phần nguyên liệu đã mất đi vào thành phẩm. Vì thế sản xuất sạch hơn vừa giảm thiểu chất thải và phòng ngừa ô nhiễm, mang lại các lợi ích kinh tế song song với giảm tải lượng ô nhiễm.

Điển hình, Công ty CP Bóng đèn – Phích nước Rạng Đông đã đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới tạo ra sản phẩm đồng đều về kích thước, năng suất cao, tỉ lệ hợp cách ổn định giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 6,9 tỉ đồng, giảm 2.300 tấn khí CO2/năm.

Theo PGS-TS Bùi Cách Tuyến - Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện tổng cục đã chọn một số doanh nghiệp thực hiện thí điểm chương trình dán nhãn sinh thái sản phẩm hàng hóa, công bố cho người tiêu dùng biết là sản phẩm sạch. Dự kiến năm 2011 sẽ triển khai rộng rãi, đến năm 2020 sẽ có 100% hàng hóa xuất khẩu và ít nhất 50% hàng hóa nội địa được dán nhãn sinh thái.

Dù chương trình mang lại nhiều kết quả khả quan, song còn nhiều doanh nghiệp vẫn không mặn mà vì đa số các doanh nghiệp ở Việt Nam là nhỏ và vừa, thiếu vốn để thay đổi công nghệ sản xuất thân thiện môi trường.

Theo số liệu thống kê hiện nay, hơn 80% doanh nghiệp áp dụng công nghệ bảo vệ môi trường thế hệ cũ, 76% áp dụng công nghệ những năm 1950 – 1960 và 75% thiết bị sản xuất đã qua thời kỳ khấu hao... Chỉ có 10% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng máy móc mới. Bên cạnh đó, hiện ở Việt Nam không có cơ quan quản lý nào hướng dẫn công nghệ phù hợp cho các ngành nghề khác nhau.


Mộc Khánh