Thứ năm, 07/11/2024 | 14:40 GMT+7

Chính sách năng lượng của Mi-an-ma trong quan hệ với các nước

11/06/2010

Mi-an-ma được biết đến là một nước rất giàu tài nguyên thiên nhiên, trong đó chủ yếu là dầu mỏ và khí đốt. Đặc biệt, Mi-an-ma có nguồn khí đốt dồi dào với trữ lượng đứng thứ 13 trên thế giới.

Với sự giàu có về dầu và khí, Mi-an-ma trở thành nơi thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư các nước trong lĩnh vực này. Đây là cơ hội để Mi-an-ma có thể vừa phát triển kinh tế, vừa có thể phá vỡ được thế bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây trong nhiều năm qua.

Năm 1988, Mi-an-ma phát hiện được 19 mỏ dầu trên đất liền và chưa phát hiện mỏ dầu ngoài khơi và cũng chưa có đủ khả năng khai thác khí và dầu thô ở ngoài khơi và vùng biển nước sâu. Tuy nhiên, đến năm 2009, Mi-an-ma đã phát hiện và đi vào khai thác gần 47 mỏ dầu và khí trên đất liền, 26 mỏ dầu ở vùng nước nội thủy và 18 giếng dầu ở vùng nước sâu ngoài khơi với trữ lượng lên đến hàng tỷ m3.

Với việc phát hiện và đưa vào khai thác những “mỏ vàng đen” trên, những năm qua, xuất khẩu khí đốt của Mi-an-ma đạt hơn 3 tỷ USD/năm (chiếm 60% tỷ trọng xuất khẩu và gần 40% GDP của nước này), biến khai thác và xuất khẩu dầu khí trở thành ngành kinh tế xương sống của Mi-an-ma.

Tận dụng được nguồn tài nguyên phong phú trên, những năm gần đây, Chính phủ Mi-an-ma thực thi chính sách năng lượng khá linh hoạt nhằm vừa tạo được nguồn lực cho phát triển kinh tế, vừa từng bước phá vỡ thế bao vây cô lập thông qua gia tăng ràng buộc về lợi ích của nhiều nước trong khai thác nguồn tài nguyên này.

Về nguyên tắc, Chính phủ Mi-an-ma độc quyền khai thác dầu khí trên bờ, nhưng kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài liên doanh, liên kết với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Mi-an-ma (MOGE) để khai thác các khu vực ngoài khơi. Điều này đã giúp Mi-an-ma vừa có được nguồn vốn lớn để khắc phục khó khăn, vừa thực hiện được chính sách đối ngoại tự chủ và cân bằng với các nước. Thực tế trên được minh chứng một cách rõ ràng thông qua các dự án thăm dò, khai thác khí đốt ở khu vực Ra-khin, Mô-ta-ma, Y-a-đa-na hay Y-ta-tê-gun.

Mo dau o Mianma.jpg

Không chỉ đa dạng hóa các cổ đông tham gia các dự án khai thác, Mi-an-ma áp dụng rất linh hoạt các hình thức phân chia sản phẩm theo tỷ lệ góp vốn, phân chia lợi nhuận theo từng kỳ hạn. Thái Lan và Trung Quốc là hai nước được Mi-an-ma dành nhiều ưu đãi trong mua sản phẩm dầu và khí. Chẳng hạn, Trung Quốc được quyền mua toàn bộ sản phẩm khai thác từ các mỏ ngoài khơi Ra-khin của Mi-an-ma trong 30 năm. Thái Lan cũng ký được hợp đồng với Mi-an-ma để mua gần 80% sản phẩm khai thác được từ lô M-9 qua đường ống dẫn khí từ khu Mô-ta-ma đến khu vực Tây Bắc Thái Lan.

Việc thực thi chính sách năng lượng trên đã góp phần giúp Mi-an-ma có thêm nguồn lực phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, chính sách này cũng đã trở thành một biện pháp hữu hiệu để Mi-an-ma giải tỏa được áp lực quốc tế về dân chủ, nhân quyền. Hầu hết các nước có các tập đoàn đang khai thác ở Mi-an-ma đều tỏ thái độ trung lập trong một loạt các vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền mỗi khi dư luận hay tổ chức nhân quyền thế giới lên tiếng về vi phạm nhân quyền ở Mi-an-ma, nhất là những vụ việc liên quan đến thuế nhân công và cưỡng bức lao động.

Đặc biệt, Mi-an-ma dành một số ưu đãi nhất định cho các công ty của Trung Quốc và Thái Lan trong khai thác, mua bán dầu và khí cũng cho thấy những tính toán khá cẩn trọng của Chính phủ Mi-an-ma bởi đây là hai nước láng giềng có ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình an ninh, kinh tế của Mi-an-ma. Chính sách này đã, đang và sẽ tạo sự ràng buộc về lợi ích của hai nước với Mi-an-ma khi nước này là nơi cung cấp năng lượng cho Trung Quốc và Thái Lan. Đổi lại, Mi-an-ma nhận được sự ủng hộ về chính trị và các khoản viện trợ kinh tế từ Trung Quốc cũng như buộc Thái Lan phải đảm bảo an ninh biên giới giữa hai nước, nơi có đường ống đi qua.

Thúy Hằng (theo dangcongsan.vn)