Thứ tư, 15/01/2025 | 21:08 GMT+7

Ánh sáng chuẩn cho trường học: Cần lắm những suy nghĩ có... "tầm"

17/11/2008

Khái niệm ánh sáng chuẩn cho học đường là một khái niệm tương đối mới ở Việt Nam nhưng với nhiều nước trên thế giới thì vấn đề này đã được thực hiện từ 30 năm trước. Điều quan trọng để chương trình thành công là sự lưu tâm của lãnh đạo các địa phương. Chỉ nội việc trang bị những chiếc đèn kiểu mới cùng với thiết kế ánh sáng phù hợp cho hệ thống lớp học của riêng ngành Giáo dục thì không chỉ làm giảm tỷ lệ tật khúc xạ trong học sinh mà còn góp phần đảm bảo được an ninh năng lượng cho đất nước…

"Vệ sinh trường học" không thể  là chuyện nhỏ

Sau những phát hiện của ngành Y tế về tình trạng sức khỏe học đường đáng báo động do nhiều nguyên nhân như tư thế ngồi học, bàn ghế thiết bị trường học không chuẩn… vấn đề vệ sinh trường học lại trở nên thời sự và đáng quan tâm của cả xã hội. Tỷ lệ học sinh (HS) phổ thông phải đeo kính ngày càng nhiều trong trường học đã được phát hiện ra nguyên nhân do lâu nay các em ngồi học trong ánh sáng không chuẩn. Tại các đô thị, các tật khúc xạ về mắt ngày càng tăng theo cấp học.

Theo trình bày của TS Trần Đình Bắc, Trưởng ban KHCN&ĐT - Hội Chiếu sáng đô thị Việt Nam, tỷ lệ sử dụng các nguồn sáng trong lớp học hiện nay tại Việt Nam như sau: 68% là sử dụng đèn huỳnh quang (HQ) T10-40w, còn lại 32% sử dụng các loại đèn nung sáng, compact. Đặc biệt thiết bị chao chụp nhằm tập trung ánh sáng chỉ chiếm 13% các lớp học trong cả nước; 75% các phòng học không sử dụng đèn chiếu sáng bảng.

 

Khảo sát trên 12.008 phòng học phổ thông tại 300 trường năm 2005 của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông kết hợp với Viện NC/KHKT&BHLĐ thì kết quả: 91% phòng học không đạt độ chuẩn theo tiêu chuẩn Việt Nam-TCVN.

 

Từ trước đến nay, ánh sáng của các phòng học được thiết kế theo kiểu "không giống ai", chính vì vậy mới có chuyện có nơi dùng 6-7 bóng đèn dây tóc 100W, 200W cho một phòng học nhưng có nơi "xài sang" chơi hẳn bóng cao áp thủy ngân 125W, có phòng lại chỉ lắp 4 đèn HQ T10 40W… nhưng có phòng lại lắp tới 16-17 bóng.


Số lượng và chủng loại bóng đèn đã đa dạng không chuẩn mà kỹ thuật lắp đặt còn tệ hơn. Có khi bóng đèn được đặt trên quạt trần vậy là hậu quả ánh sáng lớp học cứ… loang loáng. HS bị chói mắt, bảng bị lóa, bị sấp bóng đầu hoặc tay cầm bút. Điện tiêu tốn nhiều mà độ rọi trên bàn học, trên bảng không đạt tiêu chuẩn tối thiểu 300 lux theo TCVN.
Làm việc và học tập trong thời gian dài, tỷ lệ HS bị cận thị nhiều và càng tăng đến nỗi ngay trong một buổi lễ trao phần thưởng cho HS giỏi khi thấy quá nhiều học trò phải đeo kính, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội nay là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã phải thốt lên: "Đây là vấn đề nòi giống". Và chỉ đạo rốt ráo Hà Nội phải đi tiên phong trong vấn đề cải thiện ánh sáng trường học.

 

Những con số không hề nhỏ

Một chuyên gia quốc tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra phép tính: Nếu chỉ thay thế 1 triệu đèn dây tóc 60W bằng đèn compact 11W sẽ có lợi như sau: mua 1 triệu đèn compact mất 1,5 triệu USD trong khi nếu xây dựng một nhà máy điện công suất 50MW vốn cần đầu tư tới 50 triệu USD.

 

Tháng 7/2007, PGS-TS Lê Văn Doanh - ĐH Bách khoa Hà Nội ước tính Việt Nam hiện có khoảng 80 triệu đèn ống HQ T10 và chấn lưu sắt từ hao tổn cao 12W (gấp đôi so với chấn lưu tổn hao thấp là 6W). Nếu thay toàn bộ bằng đèn HQ hiệu suất cao T8(36/32W) sẽ giảm công suất tiêu thụ tổng cộng là 1.040 MW. Nếu thay 50 triệu bóng đèn sợi đốt 60W hiện nay bằng loại đèn compact 11W sẽ tiết kiệm tương đương 2.450 MW.

 

Một cách tính khác cũng sẽ cho ra con số tương tự. Giữa bóng T8 và T10 chênh lệch công suất là 10% ballat giữa loại hao tổn cao và thấp công suất lệch nhau từ 30-60%. Thay bóng đèn dây tóc bằng đèn compact điện tiêu thụ giảm tới 80% mà ánh sáng vẫn tương đương.
Cho tới nay mô hình thiết kế ánh sáng chuẩn cho trường học trong "dự án chiếu sáng công cộng hiệu suất cao" tại Việt Nam đã có sức lan tỏa nhanh. Gần 10.000 phòng học thuộc 890 trường của 62 tỉnh, thành TP đã được lắp đặt các loại đèn chuẩn của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông sản xuất với cả 2 loại đèn HQ T8-36/18W và chấn lưu sắt từ. Riêng Hà Nội phấn đấu tới 2010 sẽ thực hiện xong ở cả HN 1 và HN 2.


Tuy nhiên, để 22 triệu HS -SV đang học tập trong cả nước được bảo vệ đôi mắt dưới ánh sáng chuẩn thì thực tế còn khá nhiều rào cản. Trước hết tiêu chuẩn hướng dẫn thực hiện không còn phù hợp mà vẫn chưa được bãi bỏ như Quyết định 1221/2000/QĐ-BYT của Bộ Y tế quy định độ rọi sáng trong lớp học 100 lux quá thấp và không còn phù hợp với TCVN 7114:2002.

Mô hình thiết kế chưa được đưa vào thiết kế chuẩn định hình cho các công trình kiên cố hóa bậc phổ thông. Những tác động tích cực mà dự án sẽ đem đến cho cộng đồng, cho an ninh năng lượng đã rõ, nhưng để dự án đi vào thực tế thì quan trọng nhất là rất cần một "tầm" nhìn nhận vấn đề của lãnh đạo các ngành, địa phương.

(Nguồn: Công an nhân dân)