Thứ bảy, 21/12/2024 | 21:34 GMT+7

Tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng trong thiết bị gia dụng: Công cụ hữu hiệu quản lý nhu cầu năng lượng

22/06/2006

Cuộc sống hiện đại ngày nay hướng chúng ta tới việc ngày càng cải thiện nâng cao mức sống và tiện nghi sinh hoạt, cụ thể là việc sử dụng ngày càng nhiều các thiết bị tiêu hao năng lượng như: Máy sưởi, điều hoà nhiệt độ, lò cao tần, máy giặt, máy sấy, tủ lạnh, các thiết bị thông tin…

Tất cả các thiết bị đó đều phải sử dụng điện, nhiên liệu lỏng, hoặc khí đốt và như vậy nhu cầu năng lượng đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ, trong khi khả năng đáp ứng thì luôn luôn có giới hạn. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là cần thiết phải có một tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng trong thiết bị gia dụng nhằm tiết kiệm, hạn chế hay nói cách khác là quản lý nhu cầu năng lượng.

Chỉ đơn cử một thiết bị mà hầu hết tất cả các gia đình đều sử dụng là tủ lạnh. Một khi được cắm điện, thiết bị này tiêu dùng năng lượng quanh năm và suốt thời kỳ hoạt động của chúng được tính tổng cộng khoảng 12 – 15 năm. Tính sơ sơ trên cả nước chỉ riêng tủ lạnh và máy đông lạnh gia đình cũng tiêu thụ hết từ 5 – 10% điện năng sản xuất ra trong nước. Tất nhiên, cùng một chủng loại thiết bị nhưng mỗi gia đình tuỳ mức sống có thể có mức tiêu thụ điện năng khác nhau, chẳng hạn gia đình này có thể tiêu thụ điện gấp 2 lần so với gia đình khác. Cũng như trong một chủng loại thiết bị điện gia dụng thì việc tiêu hao năng lượng thay đổi có khi gấp đôi mà hiệu quả không hơn nhau nhiều. Như vậy, viêc khuyến khích các nhà sản xuất và người tiêu dùng sử dụng thiết bị hiệu quả năng lượng ngoài việc tiết kiệm chi phí cho gia đình, còn có ý nghĩa trên bình diện quốc gia là phần điện tiết kiệm được sẽ dành cho công việc khác.

Khi người tiêu dùng ý thức được quyền lợi của họ, các nhà nghiên cứu đưa ra thị trường các thiết bị hiệu quả hơn về năng lượng. Chính vì vậy, ta cần có một cơ quan quản lý và xác nhận thiết bị hiệu quả năng lượng qua động tác dán nhãn “hiệu quả năng lượng”. Dĩ nhiên, việc dán nhãn này không thể áp dụng cho tất cả các thiết bị gia dụng vì sự đa dạng của chủng loại sản phẩm. Mặt khác, có nhiều thiết bị gia dụng có kích thước quá nhỏ như các thiết bị điện tử nên khó dán một nhãn hiệu về hiệu quả năng lượng lên đó.

Khi đặt các tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng, các thiết bị điện gia dụng phải tuân theo các chỉ tiêu về hiệu quả năng lượng trước khi được đưa ra thị trường. Hiện nay, chúng ta còn chưa chú ý nhiều đến các tiêu chuẩn này do chúng còn quá nặng về kỹ thuật. Tuy nhiên, khi được đưa ra áp dụng, các tiêu chuẩn là sẽ là những công cụ hữu hiệu để quản lý nhu cầu năng lượng. Hoa Kỳ là nước có nền kinh tế mạnh nhất nhưng cũng lại áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe nhất. Như vậy, trên khung cảnh đang toàn cầu hoá, các sản phẩm không còn khả năng tiêu thụ trên thị trường các nước phát triển sẽ được đưa sang tiêu thụ tại các nước chưa có hệ thống tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng. Chẳng hạn, thời kỳ năm 1992 – 1993, rất nhiều tủ lạnh “made in USA” được đưa sang châu Âu tiêu thụ. Và dĩ nhiên, khi các nước thuộc Cộng đồng châu Âu có tiêu chuẩn thì họ lại “đẩy” các thiết bị hiệu quả năng lượng thấp sang các nước chưa có tiêu chuẩn (như nước ta hiện nay). Vậy nguy cơ bị chuyển giao công nghệ kém hiệu quả về năng lượng là thật, nếu các nước đang phát triển chậm đưa ra tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng.

Cần tìm hiểu đôi chút về tiêu chuẩn và tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng. Tiêu chuẩn là những quy định đồng bộ về điều kiện kỹ thuật của một sản phẩm. Các thiết bị gia dụng cũng phải có những tiêu chuẩn về kỹ thuật và an toàn sử dụng phù hợp với các quy định chung trên thế giới, đã được thông qua giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà sản xuất. Các tiêu chuẩn này đã có từ lâu và thường được điều chỉnh thường xuyên cho phù hợp với sự thay đổi của trình độ công nghệ và nhu cầu thị trường. Mỗi quốc gia có thể buộc các sản phẩm theo các chuẩn mực của mình trước khi cho phép sản phẩm này vào thị trường nước mình.

Tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng buộc các thiết bị phải tuân theo một mức hiệu quả tối thiểu về mặt năng lượng. Thường các tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng không theo quy trình ban hành của tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng sản phẩm và cũng không do các cơ quan quản lý tiêu chuẩn ban hành. Tuy nhiên, chúng có cùng đối tượng và cũng buộc các sản phẩm lưu hành trên một thị trường phải tuân theo.

Các tiêu chuẩn này buộc tất cả các thiết bị dùng năng lượng phải tuân theo dù là sản xuất tại địa phương hay nhập ngoại, thiết bị điện gia dụng, chiếu sáng, điều hoà nhiệt độ, bơm lưu chuyển, giao thông, thông tin liên lạc, động cơ điện công nghiệp, biến áp trung/hạ thế… Các tiêu chuẩn này bắt buộc áp dụng cho các sản phẩm lưu hành trong nước. Tuy nhiên, chúng có thể là một thoả thuận giữa cơ quan quản lý nhà nước và một ngành sản xuất kinh tế.

Tuy vậy, việc áp dụng các tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng có mục tiêu là buộc các nhà sản xuất cải thiện thêm hiệu quả sử dụng năng lượng trong các thiết bị được bán rộng rãi trên thị trường. Thường thì người tiêu dùng không chủ ý và không hiểu biết nhiều về các lợi ích của hiệu quả năng lượng. Đồng thời, không có thông tin về lợi ích kinh tế khi sử dụng một thiết bị có hiệu quả năng lượng tốt. Chưa kể chi phí cho năng lượng lại quá thấp so với chi phí mua thiết bị như trường hợp các thiết bị điện tử chẳng hạn.

Để áp dụng hiệu quả tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng, có 2 công cụ chính cần phải chuẩn bị thật đồng bộ, đó là: Xây dựng các tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng và Chương trình dán nhãn “hiệu quả năng lượng”. Trước tiên phải xây dựng quy trình đo đạc tiêu hao năng lượng công năng của thiết bị đang khảo sát. Đồng thời, kiểm định các thiết bị điện theo quy trình đo đạc bằng các dụng cụ đã được chuẩn hoá trong các phòng thí nghiệm thích hợp.

Như vậy, cơ quan quản lý tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng phải nắm vững các chủng loại thiết bị trên thị trường, cũng như đánh giá tình hình sử dụng và trình độ các thiết bị này. Khi các chuẩn mực đã được quy định, ta cần phải có một chương trình ban hành và áp dụng. Dĩ nhiên các nhà sản xuất sẽ tìm cách kháng cự, chống chế lại. Mặt khác, cần phải nghiên cứu tác động của các tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng trên lưu thông phân phối, trên nhu cầu năng lượng, các hoạt động sản xuất, vấn đề giảm khí thải hiệu ứng lồng kính và nhất là thái độ người tiêu dùng…

(Nguồn: EVN)