Thứ bảy, 21/12/2024 | 18:37 GMT+7

Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam

15/12/2023

Sáng 14/12, tại Hà Nội, Báo điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức Diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam". Diễn đàn hướng tới mục tiêu tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh khí, hướng tới đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện các mục tiêu, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Điện khí là xu thế tất yếu
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Mạnh Hùng – Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, Nghị Quyết số 55 của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí hóa lỏng”; đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống.
Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII), đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí sẽ chiếm tới 24,8% tổng công suất toàn hệ thống phát điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện. 
Phát triển điện khí là phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong Quy hoạch điện VIII để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và đảm bảo đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu; đồng thời nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, đảm bảo ổn định cung cấp điện cho hệ thống, ông Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.
LNG là dạng năng lượng có phát thải thấp, đang có xu hướng sử dụng rộng rãi, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia vào “Cam kết quốc tế giảm phát thải gây ô nhiễm sau COP21”. Ngành năng lượng Việt Nam trong những năm gần đây đã phát triển mạnh trong tất cả các khâu phát triển công nghiệp khí đốt; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ hết khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)… Tuy nhiên, quy mô và hiệu quả còn đang ở mức thấp; nhiều biến số cho phát triển điện khí LNG ở Việt Nam khi phải đối mặt với nhiều thách thức về thị trường, nguồn vốn, chính sách… mà phần lớn những vấn đề này giải quyết rất khó.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, Việt Nam cần những chính sách thúc đẩy công tác đầu tư các dự án khai thác mỏ, cơ sở hạ tầng khí, nhập khẩu khí, điện khí, tái hóa khí hóa lỏng LNG; cung cấp các cơ hội thích hợp, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng; xây dựng các chính sách thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp này có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
TS. Nguyễn Huy Hoạch, Hội đồng khoa học, Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho rằng, việc phát triển các dự án điện LNG là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển dịch năng lượng của nước ta. Đối với nước ta, việc xây dựng các dự án điện LNG từ nay đến năm 2035 là nhu cầu cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế đất nước song song với hiện thực hóa những cam kết của Việt Nam tại COP26 về việc phấn đấu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ (Net zero) vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) để phát điện chính là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đến năm 2035.
Cần hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy điện khí phát triển
Chia sẻ về những thách thức trong phát triển điện khí tại Việt Nam, TS. Chử Đức Hoàng – Chánh Văn phòng Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học công nghệ cho rằng, Việt Nam hiện chưa có một bản quy hoạch phát triển điện khí LNG cụ thể và chi tiết. Việt Nam sẽ phải phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhập khẩu khí LNG, do đó, nguồn cung và giá khí LNG sẽ là một thách thức lớn trong việc phát triển điện khí; Giá thành điện khí LNG chiếm khoảng 70-80% và phải theo giá thị trường. Việc đảm bảo giá thành ổn định và hấp dẫn là một thách thức rất lớn…
Còn theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, muốn thu hút nguồn vốn phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII, cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG; sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện. 
Về mặt cơ chế chính sách cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Song song đó, cần hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) để tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LNG quy mô hàng tỷ USD; rà soát và chỉnh sửa các quy định về thủ tục, trình tự đầu tư ở các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Quy hoạch tạo điều kiện cho việc hoàn thiện và phát triển điện khí LNG, ông Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng, cơ hội và thách thức trong việc phát triển điện khí; cơ chế giá phù hợp cho thị trường điện khí LNG; hướng đi cho việc phát triển điện khí tại Việt Nam.
Theo: Trang tin Điện tử ngành Điện