Thứ tư, 15/01/2025 | 12:43 GMT+7

Thế giới “tăng tốc” tiết kiệm điện

16/10/2023

Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt khan hiếm, nguy cơ thiếu hụt năng lượng hiện hữu và lạm phát gia tăng, tiết kiệm điện đang trở thành vấn đề nóng bỏng, được ưu tiên hàng đầu trên thế giới. Để nâng cao nhận thức sử dụng điện tiết kiệm, các quốc gia đã đặt ra nhiều giải pháp và chính sách mạnh mẽ, quyết liệt.

“Cơn khát” năng lượng 
Trong thời gian qua, bối cảnh khan hiếm khí đốt gây thiếu hụt năng lượng cùng với tình trạng nắng nóng cực đoan kéo dài đã khiến việc đảm bảo nguồn cung ứng điện năng tại nhiều quốc gia gặp phải thách thức.
Tại Trung Quốc, mối đe dọa thiếu điện tại quốc gia đông dân đã được thấy rõ từ tháng 5 năm nay, với mức tiêu thụ điện liên tiếp lập kỷ lục. Đáng chú ý, tỉnh Vân Nam - địa phương có tiềm lực thuỷ điện lớn của Trung Quốc cũng đã phải trải qua 3 đợt cắt điện quy mô lớn do thiếu hụt nguồn nước, gây ảnh hưởng đến việc vận hành của các nhà máy thuỷ điện. Người dân tại nước Mỹ - nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, cũng phải trải qua tình trạng mất điện. Nguyên nhân đa phần do hệ thống điện già cỗi, nhu cầu sử dụng điện tăng kỷ lục cùng với ảnh hưởng của thời tiết cực đoan.
Các quốc gia châu Âu cũng không ngoại lệ. Theo kết quả nghiên cứu của Công ty tư vấn chiến lược lớn nhất thế giới McKinsey, đến năm 2025, Đức sẽ thiếu khoảng 4 GW công suất điện. Và đến năm 2030, mức thiếu hụt sẽ tăng lên 30 GW - tương ứng với công suất của khoảng 30 nhà máy nhiệt điện lớn. Các chuyên gia cảnh báo, do thiếu hụt nguồn cung, đến năm 2030, nước này sẽ có thể phải cắt điện 100 lần, với thời gian mất điện dài nhất vào khoảng 21 giờ.
Người dân Trung Quốc lao đao trước tình trạng thiếu điện trầm trọng. Nguồn ảnh: AP news
Tiết kiệm điện trở thành “xu hướng” tất yếu
Theo IEA, ngành năng lượng trong tương lai gần sẽ gặp khó khăn do nhu cầu điện năng toàn cầu dự kiến tăng đột biến. Theo đó, nhu cầu điện năng toàn cầu dự báo sẽ tăng hơn 7.000 TWh vào năm 2030. Nhiều quốc gia trên thế giới đã đặt nguy cơ thiếu hụt nguồn điện lên mức “báo động đỏ” và đưa ra nhiều chính sách, sáng kiến tiết kiệm điện mang tính chiến lược.
Để nâng cao ý thức tiết kiệm điện cho người dân, tại Mỹ, các công ty điện lực giúp các hộ gia đình hạn chế sử dụng điện bằng cách lắp đặt các thiết bị thông minh có kết nối với ứng dụng, cho phép theo dõi sử dụng năng lượng theo thời gian thực. Từ đó, công ty điện lực sẽ hỗ trợ người dân điều chỉnh từ xa bộ điều nhiệt và các đồ gia dụng điện trong giờ cao điểm. Cùng với đó, họ còn trao quà tặng hấp dẫn cho khách hàng sử dụng điện tiết kiệm như xe đạp, thẻ quà tặng mua hàng, vé mời tham dự các trận đấu bóng chày…
Còn đối với nước Đức, “nhà ở thụ động” đã trở thành một hiện tượng quốc tế về tiết kiệm điện, tạo nên tiếng vang trong toàn Liên minh Châu Âu. Để tạo nên 1 ngôi nhà thụ động, toàn bộ lớp vỏ bao phủ của ngôi nhà phải được cách nhiệt tốt, đảm bảo độ kín. Cùng với đó, ngôi nhà phải sử dụng các thiết bị năng lượng tiên tiến, được chứng thực hiệu quả năng lượng, cùng hệ thống lọc và cung cấp khí tự nhiên hiệu năng cao. 
Các quốc gia Châu Á cũng đang trên đà “tăng tốc” tiết kiệm điện. Với tinh thần quyết liệt, Hàn Quốc cũng đã thực hiện những giải pháp đặc biệt nhằm thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong toàn dân. Đặc biệt, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc đã giới thiệu dự án "hoàn tiền tiết kiệm điện tại các khu mua sắm", bằng cách giảm giá ngay trên hóa đơn tiền điện dựa trên lượng điện tiết kiệm được. Ngay khi giới thiệu chương trình, đã có 2.700 cửa hàng đăng ký tham gia. Nhiều chủ cửa hàng còn sát sao đến nỗi, họ thường xuyên kiểm tra lượng điện tiết kiệm được mỗi giờ thông qua ứng dụng điện thoại.
Hay tại Trung Quốc, nhiều thành phố lớn cũng đã phát động phong trào tiết kiệm điện đến người dân. Theo đó, người dân ở các mức tiết kiệm điện sẽ tương ứng với số điểm tích được. Số điểm này sẽ được quy đổi thành các phần thưởng có giá trị thực tế. Đồng thời, Trung Quốc cũng ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi công nghệ tiết kiệm năng lượng, dần loại bỏ các thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều điện năng.
Mặc dù không phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện nhờ nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, nhưng Hy Lạp vẫn là một trong những quốc gia tiết kiệm điện mạnh mẽ và quyết liệt. Với Hy Lạp, tiết kiệm điện là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện tại các đơn vị hành chính công và có sự giám sát chặt chẽ. Nếu không tiết kiệm điện, cơ quan đó sẽ bị mất khoản trợ cấp năng lượng của Chính phủ. Các khoản trợ cấp năng lượng của Hy Lạp lên tới hàng trăm triệu Euro/năm. 
Như vậy, có thể nhận thấy rõ, các quốc gia dù có hệ thống năng lượng hiện đại đến đâu, đang xuất khẩu hay nhập khẩu năng lượng, cũng đều có chung mục tiêu tiết kiệm điện. Việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả cũng chính là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong toàn cộng đồng, xã hội. 
Theo Tạp chí Điện lực quý III/2023