Thứ bảy, 21/12/2024 | 21:09 GMT+7

Mỹ, châu Âu và Nhật đưa ra hàng loạt biện pháp tiết kiệm năng lượng

05/06/2023

Đầu tháng 5 vừa qua, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) công bố các cách thức tiết kiệm điện hiệu quả, dự kiến mang lại số tiền 652 triệu USD trong năm. DOE hi vọng các tiêu chuẩn mới sẽ tiết kiệm cho doanh nghiệp Mỹ khoảng 464 triệu USD mỗi năm cho chi phí năng lượng.

Đây là động thái thể hiện chính sách tiết kiệm năng lượng được Quốc hội Mỹ đưa ra để giảm chi phí cho hộ gia đình và doanh nghiệp nước này cũng như giải quyết khủng hoảng khí hậu.
DOE hiện đã ban hành các tiêu chuẩn được đề xuất cho 16 loại sản phẩm sử dụng điện trong năm nay.
Vào tháng 3.2023, Nghị viện châu Âu lên kế hoạch giảm chi phí năng lượng, thân thiện với môi trường vào năm 2050. Các quy tắc nhằm tăng hiệu suất của các tòa nhà ở Châu Âu, bao gồm các biện pháp giúp giảm chi phí năng lượng.
Theo đó, kể từ năm 2028, tất cả các tòa nhà sẽ không được phát thải. Đối với trụ sở cơ quan công quyền, hạn chót là năm 2026.
Để sử dụng năng lượng hiệu quả và ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch hơn, EU đã tập trung đầu tư vào cải tạo để giảm mức tiêu thụ năng lượng của các tòa nhà và cắt giảm lượng khí thải vào năm 2030. Chính sách này cũng thúc đẩy cải tạo hơn 35 triệu tòa nhà và tạo ra tới 160.000 việc làm trong lĩnh vực xây dựng.
Các nước trên thế giới đang đối phó với khủng hoảng năng lượng. Ảnh: IEA
Chính phủ Nhật Bản đưa ra yêu cầu tiết kiệm điện trên toàn quốc vì dự kiến nhu cầu điện sẽ tăng cao trong mùa hè. Trong khi đẩy nhanh nghiên cứu các nguồn năng lượng tái tạo, động thái này nhằm đảm bảo các nguồn điện sẽ được hoạt động ổn định. Theo đó, cần xây dựng cơ sở hạ tầng như pin lưu trữ và hệ thống lưới điện để triển khai năng lượng tái tạo dễ bị ảnh hưởng bởi thay đổi thời tiết như năng lượng mặt trời và gió trên quy mô lớn. Dù vậy, đây vẫn là một thách thức.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) khuyến cáo, người dân nên cố gắng lái xe ở tốc độ ổn định để tiết kiệm nhiên liệu. Mặt khác, nên thường xuyên bảo dưỡng động cơ để duy trì hiệu suất tiêu thụ năng lượng.
Với các vật dụng trong nhà, IEA khuyến cáo nên dùng bóng đèn LED và chỉ bật khi có nhu cầu. Bóng đèn LED hiệu quả hơn so với đèn sợi đốt và đèn halogen với mức tiêu thụ điện thấp hơn; mặt khác, nên tắt đèn khi rời phòng.
Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có thể đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo bền vững như gió và mặt trời, tương tự câu chuyện về dầu mỏ trong thập niên 1970 đã thúc đẩy những tiến bộ kỹ thuật lớn về năng lượng hạt nhân. Cuộc khủng hoảng cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng mạng lưới điện và khí đốt mạnh mẽ. Dự án RePowerEU của EU và Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ là 2 điển hình phát triển hiệu quả năng lượng và thúc đẩy năng lượng tái tạo.
Theo: Báo Lao động