Trên khắp Châu Âu, các chính phủ và chính quyền thành phố đã hưởng ứng lời kêu gọi giảm mức tiêu thụ điện năng để đạt mục tiêu của EU là cắt giảm 15% mức tiêu thụ năng lượng. Tiết kiệm điện là chìa khóa để chống biến đổi khí hậu và giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Châu Âu.
Nhiều nước EU đã đưa ra biện pháp nhằm hạn chế tiêu thụ điện năng.
Một chuỗi bán lẻ toàn cầu cũng đang khuyến khích nhân viên đi thang bộ thay vì thang máy, sử dụng các ứng dụng tiết kiệm năng lượng tại nhà và rút phích các thiết bị nếu không dùng thay vì để ở chế độ chờ.
Tất cả các quốc gia thành viên đang giảm nhiệt độ sưởi ấm trong các tòa nhà công cộng xuống 19 độ C.
Tại Pháp, Paris lên kế hoạch tắt đèn tháp Eiffel sớm một giờ, giúp giảm 4% chi phí điện. Tập đoàn bán hàng xa xỉ LVMH, công ty sở hữu hơn 500 cửa hàng bao gồm các thương hiệu như Christian Dior, Givenchy và Tiffany, chuỗi siêu thị LeClerc và Carrefour sẽ tắt đèn trong các cửa hàng của họ sớm hơn 3 giờ.
Các đơn vị quản lý tòa nhà công cộng được yêu cầu chuyển sang dùng bóng LED, tắt bình nước nóng trừ khi cần thiết và không sưởi các văn phòng trên 19 độ C. Các khu liên hợp thể thao phải giảm nhiệt độ sưởi xuống 2 độ và nhiệt độ nước bể bơi công cộng giảm 1 độ, trong khi đèn đường và biển báo sẽ được giảm cường độ hoạt động, chỉ bật trong thời gian ngắn và có thể tắt hoàn toàn trong khoảng thời gian từ 1h đến 6h sáng.
Tây Ban Nha quy định nhiệt độ đặt tại các toà nhà công cộng không cao hơn 19 độ C. Quy định mới này không áp dụng bắt buộc cho các hộ gia đình, nhưng khuyến khích mọi người tiết kiệm. Các cửa hàng phải tắt đèn trưng bày từ 10h tối. Mọi cơ sở có máy lạnh hoặc máy sưởi phải lắp đặt cơ chế đóng tự động để tránh lãng phí điện. Các biện pháp sẽ được duy trì cho đến tháng 11 năm nay.
Ở Bỉ, trụ sở hội đồng bộ trưởng EU và tòa nhà Europa, nơi diễn ra các Hội nghị Thượng đỉnh EU sẽ giảm nhiệt độ tiêu chuẩn xuống 19 độ C. Các nhân viên được nhắc nhở “cân nhắc mang thêm một chiếc áo len khi đến làm việc”.
Chiến dịch “giảm sử dụng” của Ireland đã kêu gọi người dân sử dụng bếp, máy sấy quần áo, máy giặt và ấm đun nước một cách hiệu quả và nếu có thể thì nên dùng ngoài khung 16h đến 19h.
Ở Đức, các điểm tham quan như Cổng Brandenburg ở Berlin, các tòa nhà công cộng và bảng quảng cáo chỉ được chiếu sáng từ 16h đến 22h, trừ các lễ hội văn hóa. Hệ thống sưởi trong hành lang tòa nhà công cộng sẽ bị tắt. Nhiệt độ tối đa tại các trụ sở hành chính công là 19 độ C. Các bể bơi tư nhân không làm nóng bằng điện hoặc khí đốt trừ khi “cần thiết khẩn cấp cho mục đích điều trị hoặc để tránh làm hỏng công nghệ bể bơi”. Thành phố Hanover cho biết, các vòi nước công cộng sẽ không sử dụng nước nóng.
Tại Italia, chiến dịch Thermostat đưa ra một số biện pháp tiết kiệm năng lượng, bao gồm cả việc tắt các đài phun nước công cộng. Chính phủ Italy yêu cầu các hộ dân giảm nhiệt độ sưởi thêm 1 độ C và tắt thêm một giờ mỗi ngày. Italy cũng khuyến khích mọi người tắm nhanh hơn, chỉ sử dụng máy rửa bát và máy giặt khi đã đầy tải cũng như không để các thiết bị gia dụng ở chế độ chờ.
Trong tương lai, Nghị viện Châu Âu (EP) đặt mục tiêu các tòa nhà mới của các nước EU sẽ sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời vào năm 2028 khi có khả năng về mặt kỹ thuật và kinh tế. Đối với nhà ở dân cư, hạn chót là năm 2032.
Theo: Lao động