Thứ tư, 15/01/2025 | 16:34 GMT+7

Indonesia: Giảm chi phí năng lượng nhờ mái nhà “mát mẻ”

25/07/2023

Một giải pháp chi phí thấp, bền vững để đối phó với các đợt nắng nóng ngày càng gia tăng ở Đông Nam Á đang được thực hiện ở Indonesia đó là việc sử dụng các mái nhà “mát mẻ”. Những mái nhà này được phủ một lớp sơn đặc biệt có tác dụng phản chiếu ánh sáng mặt trời và giảm lượng nhiệt mà tòa nhà hấp thụ, dẫn đến nhiệt độ trong nhà thấp hơn.

Dự án dự án Mái nhà mát mẻ tại Indonesia (Cool Roofs Indonesia) do giảng viên kiến ​​trúc Beta Paramita triển khai với mục đích mở rộng giải pháp thân thiện với khí hậu nước này. Năm ngoái, dự án đã giành chiến thắng trong cuộc thi Million Cool Roofs Challenge - một cuộc thi toàn cầu nhằm mở rộng quy mô sử dụng mái nhà mát mẻ ở các nước đang phát triển chịu áp lực về nhiệt và nhận được khoản tài trợ trị giá 750.000 đô la Mỹ.
Thi công mái nhà mát mẻ (Ảnh: Becool Indonesia)
Beta cho biết, chủ yếu là các tòa nhà thương mại và văn phòng ở Indonesia có đủ khả năng trang bị điều hòa không khí, trong khi các trường học hầu hết không có điều hòa và 80% số hộ gia đình cũng vậy. Do đó, ban đầu, dự án tập trung vào các khu dân cư nhưng sau đó chuyển sự chú ý sang các cơ sở giáo dục và tổ chức tôn giáo vì các cơ sở này có xu hướng hoạt động cao hơn vào ban ngày.
Beta giải thích rằng nếu thời tiết quá nóng, học sinh, đặc biệt là ở các em học sinh trường tiểu học, không thể tập trung và có kết quả học tập kém hơn. “Từ 7 giờ sáng đến 2 hoặc 4 giờ chiều, bọn trẻ, đặc biệt là học sinh tiểu học ở bên trong tòa nhà. Nếu thời tiết quá nóng, học sinh không thể tập trung và làm bài kiểm tra nhận thức vào buổi chiều kém hơn buổi sáng”, Beta cho biết thêm.
Giảm từ 40oC xuống 29oC
Tangerang - một trung tâm công nghiệp gần thủ đô Jakarta, là nơi có Sân bay Quốc tế Soekarno-Hatta, và là thành phố đầu tiên tham gia dự án thí điểm dự án Cool Roofs Indonesia với việc cung cấp 15.000 mét vuông không gian trên mái nhà. Các thành phố khác mà dự án đã tiếp cận bao gồm Jambi, Palembang, Semarang và Pontianak.
Kể từ khi giành chiến thắng trong thử thách, Cool Roofs Indonesia đã triển khai công nghệ của mình trên mái của hơn 40 tòa nhà công cộng và cộng đồng, cùng nhiều dự án khác đang được triển khai. Tại một tòa nhà công nghiệp rộng 5.000 m2, nhiệt độ trong nhà giảm từ 40 độ C xuống khoảng 29 độ C. Ở trường học, mức giảm nhiệt có thể nhỏ hơn, nhưng nó vẫn tạo ra sự khác biệt đáng kể trước khi có mái nhà mát mẻ.
Hình ảnh nhiệt hiển thị trên điện thoại thông minh. (Ảnh: BeCool Indonesia)
Sản phẩm gốc nước của Cool Roofs Indonesia rất dễ thi công và bao gồm lớp sơn lót khô trong 30 phút và lớp phủ phản xạ 84% năng lượng mặt trời và tỏa 90% nhiệt lượng hấp thụ (sau khi bị phong hóa, mức độ giảm xuống lần lượt là 77% và 88%). Sản phẩm này là phiên bản của một loại sơn tương tự được cấp bằng sáng chế tại Hoa Kỳ bởi Đại học Florida và hai công ty có tên Millennium Solutions USA và WinBuild Inc.
Lớp sơn lót và sơn phủ đã được sản xuất tại địa phương ở Indonesia từ năm 2019, giúp giảm chi phí và mang lại cơ hội việc làm cho nhiều người. Dự án sẽ dành 10% sản lượng cho các mục đích trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; sản phẩm này còn được cung cấp miễn phí cho các tòa nhà công cộng như trường học, trại trẻ mồ côi và các tổ chức tôn giáo.
Beta Paramita giải thích sản phẩm BeCool cho một đoàn làm phim. (Ảnh: BeCool Indonesia)
Đối với khách hàng thương mại, sản phẩm, được bán trên thị trường dưới nhãn hiệu BeCool, rẻ hơn so với các nhãn hiệu khác trên thị trường. Một bộ 20kg sơn lót và 20kg sơn phủ có giá 2,73 triệu rupiah, có thể bao phủ diện tích từ 120 đến 160 mét vuông, tùy thuộc vào độ thấm hút của vật liệu mái.
Mặc dù lớp phủ BeCool đã được đón nhận nồng nhiệt nhưng Beta vẫn cảnh báo rằng mái nhà mát mẻ có thể không phải lúc nào cũng làm giảm đáng kể nhiệt độ trong nhà, vì còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như thiết kế, định hướng và chất lượng lưu thông không khí của tòa nhà. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế của mái nhà mát mẻ vẫn hiệu quả và có thể giúp giảm việc sử dụng quạt và điều hòa nhiệt độ, dẫn đến hóa đơn tiền điện thấp hơn.
Các quốc gia khác, bao gồm cả Singapore, cũng đã thử nghiệm loại sơn lạnh này. Vào năm 2021, thị trấn Tampines (Singapore) đã thí điểm dự án quy mô lớn với khoảng 130 khu nhà, nhằm mục đích giảm nhiệt độ môi trường xung quanh tới 2 độ C. Dự án dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào năm tới. 
Công nghệ mái nhà mát mẻ được chứng minh có thể mang lại lợi ích cho cả các nước phát triển và đang phát triển, cũng như các cộng đồng dân cư, đặc biệt là cộng đồng dân cư có thu nhập thấp.
Minh Khuê biên dịch (Nguồn: thethaiger.com)